“Hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình hòa quện với nhau thành hạnh phúc cuộc đời”.
Một ngày làm việc đầy ắp cảm xúc của tôi nơi đảo xa kết thúc. Bài báo đã viết xong. Rất nhiều điều không thể không gửi ngay về tòa soạn. Lúc này tôi mới thấy mệt. Cảm giác thèm ngủ ập đến. Tôi lần vào cái giường cá nhân dành riêng cho mình và thiếp đi.
Không phải tôi ngủ, mà tôi đang bước vào một thế giới khác. Tôi thấy mình vừa kết thúc một chuyến công tác đầy hiệu quả và trọn vẹn. Vừa về đến quê hương, tôi vội tới ngay bệnh viện thăm con trai. Hoàng, chồng tôi, lay nhẹ vai con, giọng anh như reo: “Vũ, mẹ con về rồi này”. Thằng Vũ chồm dậy, nở một nụ cười tươi rói, dù có vẻ nó còn mệt: “A, mẹ đã về. Sao mẹ đi lâu thế? Quà của con đâu?”. Tiếng nói của đứa con bé bỏng như thiên thần vui vẻ, cất đi mọi điều lo lắng trong tôi. Tôi ôm chặt con vào lòng, đôi mắt ươn ướt: “Con thấy trong người thế nào? Hằng ngày có chịu nghe lời ba uống thuốc không?”. Vũ rối rít như khoe chiến công: “Ba bảo con phải uống thuốc mới mau khỏi, để mẹ yên tâm công tác ngoài đảo xa”. Tôi ngẩng nhìn chồng. Hoàng gầy hẳn, da sạm lại, hai gò má nhô cao, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Tôi thấy thương chồng vô hạn.
Là một người mẹ, tôi hiểu việc chăm con ốm đau vất vả biết nhường nào. Tôi cầm tay anh, khẽ nói: “Cảm ơn anh đã tạo điều kiện cho em hoàn thành nhiệm vụ”. Hoàng im lặng, gỡ nhẹ tay tôi. Tôi hiểu Hoàng vẫn chưa nguôi cơn giận. Thôi, bước đầu như thế cũng là “xuôi chèo, mát mái” rồi. “Chào buổi sáng”. Tiếng ai đó nói rất to ngoài sân làm tôi tỉnh giấc. Một giấc mơ đẹp và có hậu. Mở mắt rồi mà tôi vẫn còn tiêng tiếc...
Chục ngày trước, ông Tổng Biên tập gọi tôi lên bảo: “Cô Thoa này, có một chuyến đi dài ngày ra Trường Sa, tòa soạn quyết định cử cô. Tuy vậy, cô có quyền từ chối”. Tôi cho rằng mình là người may mắn nhất. Năm chục cán bộ, phóng viên chỉ được mình tôi. Nghĩa là tôi được cấp trên tin tưởng. Từ ngày về tờ báo của tỉnh đến nay được hơn chục năm, tôi đã chứng minh điều đó. Những bài viết của tôi luôn được lãnh đạo đánh giá cao, bạn đọc hài lòng. Từ một cô bé luôn nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng, nghề báo đã cho tôi cái nhìn toàn diện hơn. Được đi, được nghe nhìn, được cảm nhận, và cao hơn là được viết như dòng nham thạch nóng bỏng luôn chảy trong huyết quản. Cũng có lúc tôi khóc, thường là tủi thân, vì có một ai đó cố tình không hiểu bài tôi viết. Bố đẻ tôi là một nhà báo đã nghỉ hưu, ông có một kho kinh nghiệm. Những lúc ấy ông bảo: “Vinh quang và nước mắt luôn song hành với phóng viên báo chí. Con phải vững tin ở mình. Phương châm bút sắc, lòng trong, tâm sáng thì chả ngại chuyện gì”. Được sự động viên của người cha nên những lần đi công tác dù xa xôi, khắc nghiệt đến mấy cũng không làm tôi nhụt chí. “Thưa Tổng Biên tập, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ”. Ông cười: “Tôi biết cô không từ chối mà. Cô có một ngày chuẩn bị, hai ngày đi đường là ba, sáng thứ tư tàu xuất phát. Đừng để lỡ”.
Nói thì nói vậy, vui thì vui vậy, nhưng tôi vẫn lo Hoàng không đồng ý. Ngay trưa hôm ấy, Hoàng gọi điện cho tôi, giọng anh gay gắt: “Thoa. Em điên à? Thằng Vũ đang ốm đấy. Sáng nay, nó phải nghỉ học rồi. Em đi công tác dài ngày, ai chăm sóc nó? Nếu em cảm thấy khó nói thì để anh thưa chuyện với ông Tổng”. Tôi nhẹ nhàng: “Anh bình tĩnh nghe em nói. Tối em về, vợ chồng mình sẽ bàn bạc cụ thể. Có được không anh? Em xin anh đừng nói gì với ông Tổng Biên tập. Họ cười cho”. Tiếng Hoàng quát lên trong máy: “Em đã tự quyết định rồi, còn bàn gì nữa”. Hoàng dập máy. Nản quá. Chưa đi đã bị chồng ngăn cản rồi. Biết ăn nói thế nào với ông Tổng Biên tập đây? Tôi ngồi lặng người trên ghế. Ký ức ngày xưa hiện về. Hồi còn yêu nhau và kể cả những năm đầu chung sống, Hoàng có thế đâu. Mỗi lần tôi viết xong một bài báo, Hoàng là người đọc trước tiên. Tuy anh học quản trị kinh doanh, nhưng luôn có những nhận xét đáng suy ngẫm. Bao giờ Hoàng cũng thận trọng đọc kỹ đến con chữ cuối cùng. Lúc anh tán thưởng, khi anh phê bình câu chữ, cách lập luận. “Một bài báo đâu chỉ có câu chữ, mà còn là trí tuệ và lẽ phải nằm trong đó nữa”, anh thường nhắc tôi như thế. Anh chăm sóc tôi tỉ mỉ, chiều tôi như chiều đứa con cầu tự. Đi đâu Hoàng cũng dẫn tôi theo như để khoe: “Cô ấy là phóng viên báo chí”. Trong mỗi bữa cơm, anh ân cần hỏi han công việc của tôi ở tòa soạn. “Nhà báo dù tài ba đến mấy mà không chịu đi vào thực tế thì tài năng chỉ là khúc gỗ”, anh nói với tôi. Tôi muốn cảm ơn đời, cảm ơn chồng khi mình có nhiều điều mà bao người không có. Hoàng tạo mọi điều kiện cho tôi làm việc. Hoàng là mẫu người đáng để cho đàn ông học tập. Không lăng nhăng bậy bạ, không cờ bạc rượu chè. Ngoài giờ làm việc, chỉ thích ở nhà vui thú với vợ con. Ngày lễ tình nhân, ngày sinh nhật tôi, Hoàng đều có quà cho tôi: “Em yêu, hôm nay em sẽ là nữ hoàng. Em không phải làm gì hết. Mọi việc để anh lo”. Tôi nói vui: “Giá kể ngày nào em cũng được thế này nhỉ?”. Hoàng ôm tôi vào lòng, bốn mắt nhìn sâu vào nhau. Anh thầm thì: “Dù sau này có bất kỳ điều gì xảy ra trong đời, anh nhất định không để em phải buồn. Nhất là buồn vì anh”. Đàn bà ai chẳng thích được vuốt ve, chiều chuộng, đôi khi chỉ là câu nói. Tôi khẽ gật đầu như một sự biết ơn. Nước mắt thấm ướt vai anh. Tôi tự hứa sẽ không bao giờ để Hoàng thất vọng.
Nhưng cuộc đời đâu phải là cổ tích. Bốn năm nay, công việc kinh doanh của Hoàng tăng trưởng vùn vụt. Chúng tôi có đầy đủ những thứ mà hồi mới lấy nhau mong ước: nhà, xe và tiền. Thân thể anh cũng phát tướng. Tính anh cũng thay đổi, có vẻ gia trưởng hơn, áp đặt hơn. Còn tôi vẫn miệt mài với từng con chữ, với từng cây số đường trường. Cái cảm giác khoác ba lô lên, đi, cảm nhận và viết, khiến tôi còn rất ít thời gian chăm sóc đến người thân. Nhiều lần về đến nhà trời đã muộn, thân xác rã rời, ăn uống qua loa, rồi vùi đầu vào viết. Công việc khẩn trương của một phóng viên tôi không thể sao nhãng. Ngay đêm nay bài báo phải lên khuôn. Mê mải với tài liệu thu được, trăn trở với suy tư, khi công việc xong xuôi, tôi vào phòng thì chồng con đã say giấc. Thương chồng, thương con. Biết vậy nên tôi hết sức tận dụng từng giây phút chăm sóc chồng con. Bố tôi đã có lần nói với vợ chồng tôi: “Nghề báo đâu chỉ đòi hỏi sự hy sinh của bản thân, mà còn đòi hỏi cả sự cảm thông của những người thân”. Lần ấy, Hoàng cười: “Ba cứ lo xa”. Thế mà năm ngoái, trong một bữa cơm, Hoàng bảo: “Anh nghĩ, em nên chuyển nghề, hoặc xin một việc gì đó trong tòa soạn làm theo giờ hành chính”. Miếng cơm mắc nghẹn nơi cổ, tôi tròn mắt kinh ngạc. Lần đầu tiên tôi nghe một câu nói từ chồng tỏ ra không hài lòng về nghề nghiệp của tôi. Lòng tôi buồn vời vợi. “Trời ơi, anh vừa nói gì vậy? Anh thừa biết em đam mê nghề báo đến nhường nào”. Hoàng nhắc lại: “Tùy em thôi, hoặc gia đình, hoặc nghề nghiệp”. Chưa khi nào tôi lúng túng như lúc này. Tôi run run: “Anh Hoàng, đừng đẩy em tới sự lựa chọn nghiệt ngã, có được không?”.
Dường như Hoàng có kể cho bố mẹ đẻ tôi khúc mắc của hai vợ chồng. Bố vợ, con rể rất hợp chuyện. Và Hoàng cũng biết chỉ có bố tôi mới đủ khả năng khuyên tôi. Ngày xưa, bố tôi rất ủng hộ tôi thi vào khoa báo chí. Ông cảnh báo: “Nghề báo là đam mê. Nhưng nghề báo cũng đầy cám dỗ nguy hiểm”. Ông còn hứa: “Nếu trúng tuyển, sẽ thưởng cho một cái xe máy loại tốt, để tiện việc đi về”. Làng tôi vốn nghèo và ít chữ. Vẫn còn nhiều mái rạ xác xơ. Những hàng cây còi cọc thay cho bờ tường phân chia đất của mỗi gia đình. Thuở nhỏ, tôi phải lăn lộn ngoài đồng cùng mẹ. Trong hoàn cảnh ấy, đã thôi thúc tôi quyết tâm học tập. Nhưng cũng có thể hình ảnh bố tôi mỗi tối ngồi bên ngọn đèn viết bài, lôi cuốn tôi theo. Biết tin tôi theo nghiệp của bố, mẹ bảo: “Mẹ không hiểu nổi tại sao con lại chọn cái nghề đi như ngựa vía?”. Tôi cười: “Mẹ hỏi bố con ấy”. Giờ thì mẹ tôi không cười nữa. Bà nhỏ nhẹ: “Người đàn bà phải luôn coi trọng hạnh phúc gia đình. Mất nó là mất hết”. Rất may, mẹ chồng tôi là một nhà giáo vừa nghỉ hưu. Bà hiểu công việc của tôi: “Con cứ đi, ở nhà có bà nội, bà ngoại ban ngày trông thằng Vũ ngoài bệnh viện. Anh Hoàng trông đêm. Ăn uống hằng ngày ông nội chịu trách nhiệm”. Tôi thầm cảm ơn mẹ chồng. Nét mặt Hoàng đượm vẻ không vui. Đêm ấy, tôi nằm rúc đầu vào ngực chồng. Hoàng đẩy nhẹ tôi ra: “Ngủ đi em, sáng mai còn đi sớm”. Biết chồng chưa thật sự thông suốt, nhưng vì nể mẹ nên đành chấp nhận. Tôi nén thở dài.
Đón nhóm phóng viên chúng tôi ở bến cảng đảo Trường Sa lớn là những gương mặt sạm nắng. Những đôi mắt của những người lính đảo lúc nào cũng xanh ngắt ngàn khơi. Trong sáng và phong trần. Lãng mạn và khát vọng. Tôi dành một buổi sáng nghe đảo trưởng kể về mình. “Học xong, tôi ra đảo ngay. Thuyên chuyển hết đảo này sang đảo khác. Có lần ra tận nhà giàn DK1. Ngoài 30 tuổi mới lấy vợ. Hai hoặc ba năm về phép một lần. Phải bảo đảm quân số sẵn sàng chiến đấu. Ngày về phép lần sau, con đã tập đi. Hai năm tiếp theo, con bập bẹ hỏi: “Bố đâu?”. Tôi cười: “Mấy ai có diễm phúc được hưởng trọn vẹn phúc lộc trời ban”. Anh cũng cười: “Hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình hòa quện với nhau thành hạnh phúc cuộc đời”.
Cứ sau bữa cơm chiều, tôi lại ngồi vào bàn viết bài. Tôi không viết về tinh thần chấp nhận hy sinh, quyết giữ yên vùng trời, vùng biển của những người lính đảo. Tôi viết về những người mẹ, người vợ nơi quê nhà. Tôi viết về những gian khổ, khó khăn mà người lính phải đối mặt hằng ngày. Tôi viết về một hòn đảo chìm, theo như đảo trưởng nói: “Chưa một lần nhìn thấy hình thù nó ra sao”. Đây chưa phải là hòn đảo xa nhất thuộc chủ quyền của ta. Từ trên cái nền chìm ấy, bộ đội công binh đã dựng lên căn nhà thép rộng chưa đầy bốn chục mét vuông. Xung quanh gió bừng bừng, sóng dồn dập. Những người lính trẻ mười tám, đôi mươi, mặt mũi khôi ngô, sáng láng. Khổ nhất vẫn là nước ngọt. Biển nước mênh mông nhưng không dùng được. Ước mơ có cái máy lọc từ nước mặn thành nước ngọt luôn là vấn đề của các nhà khoa học nước ta. Suốt tháng mới được ăn vài cọng rau trồng trên nóc nhà, che chắn như buồng gái đẻ. Cứ thế, những dòng chữ hiện dần lên trang giấy.
Nửa đêm về sáng, tôi dành thời gian nghĩ về gia đình. Tôi cứ trăn trở cho đến khi thiếp đi. Có tiếng chuông reo. Danh bạ hiện lên chữ “Chồng”. Đây là lần đầu, kể từ ngày tôi đi công tác, Hoàng chủ động gọi. Tiếng anh thủ thỉ: “Thoa à, anh đã đọc tất cả những bài em gửi về. Anh sai rồi. Anh thấy cái khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với những người lính nơi đảo xa”. Trăng lên tới đỉnh đầu, gió biển lộng thổi. Sáng mai, tốp phóng viên chúng tôi sẽ tạm biệt đảo trở về đất liền. Riêng tôi, còn thêm niềm vui của người chồng thân yêu. Anh đã cảm thông và chia sẻ với công việc của một phóng viên như tôi. “Hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình hòa quện với nhau thành hạnh phúc cuộc đời".
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN