Để phát huy hết tiềm năng của Hành lang Bắc-Nam, không chỉ cần phát triển cơ sở hạ tầng thuần túy, mà còn phải thiết lập các hành lang vận tải kỹ thuật số.
Phát biểu tại phiên thảo luận "Hợp tác khu vực Á-Âu trong thời kỳ hậu COVID-19" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2021), Bộ trưởng Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á-Âu Andrei Slepnev cho rằng Hành lang Bắc-Nam kết nối Tây Âu với Ấn Độ thông qua các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và các nước đối tác (đặc biệt là Azerbaijan và Iran), có thể trở thành một trong những dự án hội nhập sáng giá nhất trên lục địa Á - Âu.
Ông Andrei Slepnev nhấn mạnh để phát huy hết tiềm năng của Hành lang Bắc-Nam, không chỉ cần phát triển cơ sở hạ tầng thuần túy, mà còn phải thiết lập các hành lang vận tải kỹ thuật số; đồng thời cần hợp tác để tăng tốc hiện đại hóa công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Andrey Slepnev cũng cho biết các quốc gia thành viên EAEU và Iran đang đẩy mạnh quá trình đàm phán về thương mại tự do để sớm đạt được một thỏa thuận đầy đủ và chính thức, có tính đến khả năng áp lực cấm vận của Mỹ đối với Iran sẽ giảm đi trong thời gian tới.
Chia sẻ với đánh giá trên, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Alexei Overchuk cho rằng đại dịch đang thúc đẩy EAEU mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực y tế, thực phẩm và đối phó với các mối đe dọa sinh học. Theo ông Alexei Overchuk, lục địa Á - Âu rất đa dạng, không chỉ có Trung Quốc và Liên minh châu Âu, mà còn có cả Ấn Độ, Iran, Pakistan và mối quan hệ với các nước này đang phát triển. Ngoài ra, sự phối hợp với các nước Trung Á như Uzbekistan và Tajikistan cũng như với Azerbaijan cũng đang được thúc đẩy để tạo điều kiện tốt nhất cho việc luân chuyển hàng hóa trên hành lang Bắc - Nam.
Về phần mình, Thứ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran Hamid Zadbum cho biết trao đổi thương mại với các nước EAEU đã tăng 80% trong giai đoạn từ tháng 3.2020 đến tháng 3.2021, đồng thời nhấn mạnh rằng Iran tập trung vào các nước láng giềng với tư cách là những đối tác quan trọng.
Theo TTXVN