Hành động vì một môi trường không rác

21/09/2014 04:06

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay có chủ đề “Hãy hành động vì một môi trường không rác”.



Tổ thu gom rác ở xã Tân An


Sạch đường làng

Ngày nào cũng vậy, tổ thu gom rác thôn Đông Phan, xã Tân An (Thanh Hà)  cũng gom rác từ các ngõ, xóm chất lên xe để chở ra bãi rác. Có lẽ ở tỉnh ta, hiếm có xã nào dọn rác hằng ngày như ở xã Tân An. Trước đây, khi chưa thành lập được tổ thu gom rác cùng với ý thức kém của không ít người dân nên bãi rác tự phát xuất hiện ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. “Để dọn các bãi rác tự phát này, nhiều lần UBND xã phải trích kinh phí thực hiện. Nhưng có khi dọn xong chưa lâu người dân lại vứt rác vào chỗ cũ, xử lý rất vất vả”, ông Phạm Trung Bắc, cán bộ địa chính - xây dựng - môi trường xã Tân An cho biết. Từ năm 2008, các tổ thu gom rác được thành lập. Xã đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả là đưa ra các tiêu chí cụ thể để cho các tổ chức, cá nhân đấu thầu như: phải thu gom rác hằng ngày tại các vị trí định sẵn, giá trúng thầu phải hợp lý... Cứ sau 2 năm, xã tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn người trúng thầu. Cách làm này giúp địa phương chọn được những người trúng thầu có đủ năng lực để thu gom rác thường xuyên. Hiện nay, xã Tân An có 2 tổ thu gom rác ở 2 thôn Đông Phan và Song Động, mỗi tổ có 6 người. Từ khi có tổ thu gom rác, tình trạng xả rác bừa bãi giảm nhiều. Người dân nhắc nhau cần để rác đúng chỗ để tổ gom rác đến dọn. Họ cũng sẵn sàng đóng góp 4.000 đồng/khẩu/tháng để dọn rác. Bà Phạm Thị Mát ở thôn Đông Phan cho biết: “Tổ thu gom dọn rác rất sạch sẽ, họ làm đến nơi đến chốn”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 850 tấn rác, trong đó khu vực nông thôn khoảng 580 tấn, khu vực đô thị khoảng 270 tấn. Khối lượng rác này được  963 tổ, đội, 16 HTX và 5 doanh nghiệp thu gom. Tại đô thị, việc thu gom rác thực hiện hằng ngày. Ở nông thôn, tần suất thu gom rác bình quân 1-3 lần/tuần. Sau khi thu gom, rác thải sinh hoạt phần lớn chuyển tới các bãi chôn lấp. Những năm gần đây, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đầu tư cho hơn 100 xã xây dựng các bãi chôn lấp rác tập trung.

Một phần nhỏ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt ở một số nhà máy, lò đốt. Xu hướng lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp này sẽ tăng lên, hạn chế việc chôn lấp trực tiếp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dự định đầu tư hoặc nâng công suất xử lý rác sinh hoạt. Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương hiện là doanh nghiệp có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt lớn nhất tỉnh. Công ty này đang quản lý 1 nhà máy xử lý rác sinh hoạt bằng phương pháp đốt với công suất thiết kế 200 tấn/ngày. Hiện nhà máy đã đạt công suất thực tế xử lý từ 150 - 160 tấn/ngày. Nhà máy tiếp nhận rác của TP Hải Dương và 2 xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng (Kim Thành). Ông Đinh Đăng Trang, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương cho biết: Công ty đang huy động vốn để chuẩn bị xây dựng thêm một lò đốt rác 60 tấn/ngày, mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để xử lý rác sinh hoạt. Dây chuyền, công nghệ lò do công ty tự thiết kế, xây dựng. Dự kiến, tháng 10 năm nay, công ty sẽ bắt đầu xây dựng lò, tới đầu tháng 5 năm sau sẽ đưa vào vận hành thử.

Chung tay vì môi trường

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải công nghiệp, được phân loại thành chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại. Một bộ phận doanh nghiệp đã quan tâm thu gom, xử lý đúng quy định đối với loại chất thải này. Những loại rác thải không nguy hại có thể bán cho cơ sở tái chế phế thải. Những loại không thể tận dụng hoặc thành phần rác thải chứa chất nguy hại sẽ chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý. Toàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải nguy hại. Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh hiện có 2 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp nguy hại ở khu công nghiệp Nam Sách và xã Việt Hồng (Thanh Hà), với tổng công suất thiết kế xử lý 60 tấn/ngày. Ông Nguyễn Quốc Lập, Giám đốc công ty cho biết: “Trong xử lý chất thải, công ty đang chuyển hướng sang thu hồi, tái chế. Đối với những loại chất thải không thể tái chế được thì mới xử lý bằng phương pháp đốt”.


Tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn xảy ra ở nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường.
 Trong ảnh: Một bãi rác tự phát ở gần cầu Phú Lương (xã Nam Đồng, TP Hải Dương)


Bên cạnh mặt tích cực, việc thu gom, xử lý rác thải cũng còn những hạn chế, khó khăn. Tình trạng người dân xả rác bừa bãi vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trên cánh đồng, nhiều xã có bố trí bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng không ít nông dân vẫn vứt bừa bãi. Chính vì vậy, hàng trăm bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường đã xuất hiện ở ven đường, ven đê… Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã không quan tâm bảo vệ môi trường. Họ thường thuê một số đối tượng vận chuyển rác thải lợi dụng đêm tối, địa điểm vắng vẻ để đổ trộm rác. Ngày 15-8, một tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã bắt quả tang một xe ô-tô chở tro, bùn khô, vải vụn… đổ trộm tại khu vực gần bến Hàn thuộc phường Bình Hàn (TP Hải Dương). Ngoài ra, quỹ đất cho các bãi chôn lấp rác sinh hoạt ngày càng hạn hẹp, một số nhà máy xử lý rác còn gây ô nhiễm môi trường…

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay chính là một dịp để tất cả mọi người cùng hành động vì một môi trường không rác. Mỗi người cần có ý thức thu gom, để rác đúng chỗ, tạo điều kiện để các đơn vị xử lý rác đúng quy định. Việc làm tưởng như nhỏ bé ấy chính là đang góp sức để bảo vệ môi trường toàn cầu.

MINH ANH

Năm nay Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn diễn ra từ ngày 15 đến 21-9. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng năm nay là “Hãy hành động vì một môi trường không rác” nhằm nhấn mạnh vai trò mỗi cá nhân trong hoạt động chung cộng đồng sẽ tác động lên toàn cầu. Từ đó, mỗi người cần nâng cao trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu. Để hưởng ứng chiến dịch này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho mọi người; tích cực thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh...



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động vì một môi trường không rác