Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
Điều đó nói lên vai trò vô cùng quan trọng của con người trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Lịch sử phát triển của loài người cho phép chúng ta khẳng định: con người là nhân tố quyết định tất cả. Chính con người bằng trí tuệ của mình đã sáng tạo ra xã hội loài người. Đúng như câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Có thể nói giá trị cao quý nhất của phẩm chất con người được thể hiện ở nhân cách của họ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể đánh giá được nhân cách con người một cách đúng đắn và chính xác ?
Khi đánh giá nhân cách một con người, chúng ta không thể chỉ dựa vào lời nói mà phải xét đoán qua hành động, việc làm cụ thể, vì thông qua hành động con người mới tạo ra sản phẩm - bằng chứng xác thực nhất chứng minh cho giá trị của nhân cách. Có điều là, trong hành động chúng ta phải nhớ: cái vĩ đại được làm nên từ những điều bình thường, sự chiến thắng được bắt nguồn từ đức tính kiên trì và lòng dũng cảm. Vì thế, không nên vội vàng, hấp tấp, ngược lại, phải thận trọng, bình tĩnh, thực hiện những bước đi chắc chắn, có hiệu quả, với phương châm: Việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được, hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.
Cuộc sống luôn luôn biến động, không phải lúc nào con người cũng gặp được những thuận buồm xuôi gió mà có biết bao trắc trở luôn rình rập. Do đó trong khi hành động, chúng ta phải có thái độ nhiệt tình, say sưa thì mới có thể vượt qua được những khó khăn, tìm thấy trong đó niềm vui lao động, nảy sinh những sáng kiến, kinh nghiệm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Sự vô tận của kiến thức trong kho tàng trí tuệ của nhân loại khiến cho mỗi người chúng ta phải có thái độ sáng suốt để lựa chọn cách thức hành động sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Xã hội ngày nay chỉ thừa nhận và tôn trọng những con người có nhân cách được chứng minh bằng những hành động với các việc làm cụ thể. Có điều, sự đánh giá về nhân cách con người là một việc làm không đơn giản. Nó liên quan tới nhiều khía cạnh khác nhau đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn nhận khoa học, biện chứng. Vì tục ngữ đã có câu: “Lòng sông lòng bể dễ dò/Ai từng bẻ thước mà đo lòng người”. Đặc biệt đối với những người có hành vi tiêu cực, tham nhũng thì việc kiểm tra, xét đoán nhân cách của họ lại càng khó hơn, bởi vì: “Sông sâu còn thể bắc cầu/Lòng người nham hiểm biết đâu mà dò”. Chính vì tính phức tạp của sự nhận diện nhân cách con người, cho nên chúng ta phải chú ý đến quá trình cống hiến của họ, không nên vội vàng kết luận khi mới chỉ thấy một vài hiện tượng nảy sinh. Kinh nghiệm cuộc sống đã cho hay: “Thức lâu mới biết đêm dài/Ở lâu mới biết con người có nhân”.
Trong nhiều năm nay chúng ta đã và đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiều nội dung phong phú khác nhau. Và hiện nay, chúng ta đang học tập chuyên đề: “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm”. Đây là một chuyên đề mà nội dung của nó thể hiện rõ nhất nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Điều đó được biểu hiện ở chỗ: nói phải đi đôi với làm, không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm, “nói một đàng làm một nẻo”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh lời nói chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phái chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đúng là: “một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một hành động gương mẫu”. Đáng tiếc là “trong Đảng và xã hội ta hiện nay, tình trạng: “nói không đi đôi với làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, “nói mà không làm”, “nghĩ một đàng, làm một nẻo”, “nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác” đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người. Bệnh nói dối, làm sai, dối cấp trên, dối dân để bớt xén vì lòng tham, bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái cánh hẩu... đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân”. Đây chính là những con người đang có sự thoái hóa, biến chất về nhân cách cần phải lên án, xét xử để bảo đảm sự công bằng cho xã hội.
Nói tóm lại, “mỗi một bước vận động thật sự quan trọng hơn tá cương lĩnh”. Triết lý ấy của Mác đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa thành quan điểm “nói đi đôi với làm”. Làm chính là hành động góp phần tô thắm thêm “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Đó cũng là thước đo giá trị nhân cách của con người trong xã hội ngày nay.
PHẠM TRUNG THANH