Hỏi: Nhà hàng xóm hát karaoke từ sáng đến tối gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình tôi và nhiều người xung quanh.
Tôi góp ý với hàng xóm, họ không hợp tác nên báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tình trạng này không được giải quyết. Pháp luật có quy định xử phạt với hành vi này không? Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt?
TRẦN VĂN H. (Cẩm Giàng)
Trả lời: Đối với trường hợp này, pháp luật hiện hành có chế tài xử phạt hành chính quy định tại Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hành vi hát karaoke gây ồn ào của hàng xóm nhà bạn vi phạm quy định về đảm bảo sự yên tĩnh chung, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Phạt từ 300.000- 500.000 đồng đối với hành vi: dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với chủ thể có hành vi vi phạm.
Hành vi sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép tại khu dân cư cũng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phụ thuộc vào mức dBA tiếng ồn vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn. Mức phạt có thể lên tới 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Về thẩm quyền xử phạt, chương III Nghị định 167/2013/NĐ-CP và chương III Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định chủ tịch UBND các cấp và công an nhân dân có quyền xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp này.
Theo đó, khi hàng xóm có hành vi gây ồn vượt quá quy định như trên, anh nên báo cho tổ trưởng khu phố nhắc nhở và xác nhận sự việc. Nếu họ vẫn tiếp tục hát karaoke gây ồn, anh liên hệ với công an khu vực, yêu cầu đến làm việc và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính dựa vào các căn cứ pháp luật nêu trên. Ngoài ra, anhcó thể làm đơn khiếu nại gửi đến UBND phường, xã để yêu cầu giải quyết.
Luật sư khuyến cáo anh bình tĩnh giải quyết vấn đề này và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Vì thực tế có nhiều trường hợp tự giải quyết bức xúc từ tiếng ồn karaoke mà dẫn đến ẩu đả, vi phạm pháp luật hình sự, nghiêm trọng hơn là gây ra hậu quả chết người.