Năm nay, các siêu thị và người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn.
Hàng Việt chiếm ưu thế tại các siêu thị
Chiếm tỷ lệ lớn trong siêu thị, chợ dân sinh
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đã tấp nập người mua. Lượng hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý, các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống hàng hóa.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích như: Vinmart, Bách hóa xanh, Co.opmart, BRG Mart… đã trưng bày nhiều loại hàng hóa từ các thương hiệu Việt nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Cầu Tre, Vissan… Do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các siêu thị, hệ thống bán lẻ đều chuẩn bị nước sát khuẩn ở lối ra vào và có nhân viên nhắc nhở người mua đeo khẩu trang.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, doanh nghiệp đã đầy đủ nguồn hàng, số lượng hàng hóa, có tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể trong đó hàng Việt Nam chiếm 90% tại hệ thống siêu thị. Nhiều siêu thị BRGMart là điểm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm của Chương trình OCOP - là sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ địa phương, đặc sản vùng, miền.
Còn tại hệ thống Hapro mart đã chuẩn bị mặt hàng Tết với nhiều sản phẩm mang thương hiệu Hapro như gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói… Cùng với đó là các đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mì gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang…
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc cho biết, các mặt hàng thịt tươi sống, giỏ quà tặng, quà biếu độc đáo dịp Tết, đồ lễ cúng gia tiên truyền thống, trái cây, bánh mứt kẹo, các loại đặc sản Tết theo vùng miền… Với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” nên tỷ trọng hàng Việt vẫn chiếm trên 90%.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi điều kiện
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới, tình hình thời tiết, dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường. Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm.
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Hầu hết các tỉnh, thành phố có báo cáo, kế hoạch dự trữ hàng hoá, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo báo cáo của Sở Công Thương một số địa phương, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và kinh doanh hàng hoá của các doanh nghiệp, người dân có xu hướng giảm chi tiêu nhưng thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ vẫn sôi động, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán vẫn được các điạ phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đến nay, về cơ bản nguồn cung hàng hóa thiết yếu của các địa phương bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa không có biến động bất thường.
Đặc biệt, Vụ thị trường trong nước đã chủ động trao đổi với Sở Công Thương các tỉnh đang bùng phát dịch bệnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… về việc phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa nhu yếu phẩm.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung với nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết như nông sản khô (nhu cầu tăng 25 - 33% so với tháng thường), xăng dầu nhu cầu tăng khoảng 20%, hoa cây cảnh tăng 25 - 35%.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.
Đồng thời, khi có dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Sở Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp, địa phương chủ động đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cấp đầy đủ và có nguồn dự trữ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhu cầu nhân dân trong phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mọi điều kiện.
Theo Báo Tin tức