Sáng 14.1, chùa Đồng Neo ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) tổ chức trọng thể lễ rước bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Lễ rước bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Đây là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh được tặng bảo tượng.
108 bức bảo tượng ý nghĩa
Trần Nhân Tông (1258-1308) - vị hoàng đế thứ ba của vương triều Trần nước Đại Việt. Ông là vị vua anh minh, có công đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Sau khi lên làm Thái thượng hoàng, ông rời đến Yên Tử lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà. Ông đã hợp nhất các dòng thiền phái thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được xem là giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam.
Để tri ân vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông, năm 2015 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phát động đúc 108 bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 707 năm ngày Phật hoàng nhập Niết bàn.
Các đại biểu và nhân dân dự lễ rước
Bảo tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, dáng ngồi trên bệ, bên ngoài dát vàng, nặng gần 200 kg, cao 1,26 m, dựa theo mẫu tượng của Phật hoàng đang được đặt trong tháp tổ Huệ Quang trên non thiêng Yên Tử. Bảo tượng được đặt trên đài hoa sen, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, thể hiện sự tĩnh tại, ung dung thư thái. 108 pho tượng thể hiện 108 điều phiền não của con người, để đối trị những phiền não đó, 108 bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ linh ứng diệt trừ.
Phát biểu tại lễ rước, Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Thanh Quyết, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Các bảo tượng sau khi đúc xong sẽ được tặng cho các ngôi chùa của 63 tỉnh, thành phố và một số ngôi chùa vùng biên giới, hải đảo để hộ quốc an dân, diệt trừ phiền não, khẳng định chủ quyền quốc gia. Đến nay, một số nơi đã được tặng bảo tượng như đảo Trường Sa, đảo Cô Tô..."
Mối duyên của Phật tổ Trần Nhân Tông với chùa Đồng Neo
Chùa Đồng Neo có nghĩa là bến sông có thuyền neo đậu. Trước đây cửa chùa là bến sông Thái Bình bao la, rộng lớn, giao thông đường thủy tấp nập. Tương truyền, sau khi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo thường có những chuyến du hành về nhiều vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ để giáo hóa chúng sinh, phật tử bỏ mê tín dị đoan và những nơi thờ không đúng để thờ chính đạo. Khi đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi dọc sông Thái Bình về trấn Thanh Hà và dừng chân tại miếu ở cạnh bến neo. Dựa theo tích đó, sau này người dân đã lập miếu thành chùa Đồng Neo. Đại đức Thích Đạo Mẫn, trụ trì chùa cho biết: "Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tặng cho nhà chùa cũng vì duyên đó".
Thượng tọa Thích Thanh Quyết trao tượng trưng bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông 20 cm cho chùa Đồng Neo
Lễ rước bảo tượng về chùa Đồng Neo thu hút hàng nghìn người dân thập phương đến dự, chiêm ngưỡng. "Chưa bao giờ người dân thôn Cập Thượng lại được đón một lễ rước tượng nghiêm trang và long trọng như vậy. Cầu mong Phật hoàng độ cho nhân dân trong vùng bình an", ông Nguyễn Công Toản ở thôn Cập Thượng vui mừng nói. Bảo tượng được đặt ở bên ngoài cho nhân dân chiêm bái đến ngày 1.12 âm lịch, sau đó nhà chùa sẽ làm lễ an vị.
Bảo tượng Trần Nhân Tông có dáng ngồi thư thái, được đúc với mong muốn hộ quốc an dân, diệt trừ phiền não
Chùa Đồng Neo hơn 300 năm tuổi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như thống đá đựng nước thời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 23 (năm 1702), chuông cổ được đúc từ thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (năm 1700). Phía trước chùa có một cây hương đài bằng đá cao 1,2 m ghi dòng chữ: "Lê triều Chính Hòa, nhị thập niên, Kỷ Mão phi việt cát nhật" (nghĩa là năm 20 niên hiệu Chính Hòa 1699). Chùa còn lưu giữ được hơn 100 mộc bản ghi chép kinh Phật và nhiều tháp cổ khác.
MINH NGUYỆT