Phải di dời đến nơi ở tạm để đề phòng ngập lụt, hàng nghìn người dân ở Hải Dương đã cơ bản ổn định cuộc sống nhờ sự quan tâm chu đáo của chính quyền, người thân.
Hầu hết tới nhà người thân
Nghe chính quyền vận động, từ ngày 11/9, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Dẫu (90 tuổi) và Ngô Thị Thịnh (91 tuổi) ở khu dân cư Nhân Hưng đã chuyển tới nhà con rể ở khu dân cư Văn Giai (cùng phường Chí Minh, TP Chí Linh) ở tạm. Gia đình con rể bố trí một căn phòng rộng rãi, thoáng đãng với đầy đủ tiện nghi để bố mẹ yên tâm nghỉ dưỡng.
Sáng 12/9, trò chuyện cùng các đồng chí lãnh đạo phường xuống thăm, cụ Thịnh chia sẻ: "Nơi này cao ráo, nếu không may có ngập lụt thì cũng ít phải lo. Lương thực, thực phẩm, thuốc men các con cũng chuẩn bị chu đáo cho vợ chồng tôi hết rồi".
Phường Chí Minh có 597 hộ dân với 1.759 nhân khẩu ở 6 khu dân cư thuộc diện phải di dời đề phòng ngập lụt, nhiều nhất là khu dân cư Nhân Hưng (thấp trũng nhất phường) với 387 hộ, 1.188 nhân khẩu. Đến sáng 12/9, khu dân cư này vẫn an toàn nhưng đề phòng những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, tất cả người già, người yếu thế trong khu đã di dời đến ở tạm tại nhà người thân.
Ông Vũ Văn Nho, Chủ tịch UBND phường Chí Minh cho biết phường đã cử người đi rà soát, vận động được nhiều gia đình ở 2 khu dân cư Mật Sơn, Chùa Vần và các khách sạn, nhà nghỉ sẵn sàng đón người dân ở các khu vực thuộc diện phải di dời đến ở. Các gia đình ở 2 khu dân cư này có thể tiếp nhận 2.997 người đến ở tạm, ngoài ra còn 54 phòng ở các nhà nghỉ, khách sạn và nhà văn hoá. "Chúng tôi đã bố trí lực lượng cùng 7 xe ô tô khách, sẵn sàng di dời người dân vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn nếu có tình huống xấu xảy ra. Những bà con đã di dời đến nhà người thân, cuộc sống cơ bản ổn định", ông Nho cho hay.
Sáng 12/9, toàn bộ 147 hộ dân, 560 nhân khẩu sống ở ngoài bãi đê sông Luộc thuộc xã Hưng Long (Ninh Giang) đã di dời đến các gia đình người thân phía trong đê ở tạm. 5 thành viên trong gia đình anh Trần Văn Thắng đang ở căn nhà 2 tầng tại khu vực ngoài bãi đê cũng di chuyển vào nhà người dì ruột. "Mẹ tôi năm nay đã 80 tuổi, các con thì còn nhỏ. Vào nhà dì ở tạm với đầy đủ điện, nước sinh hoạt nên yên tâm hơn nhiều. Hy vọng nước ngoài đê sớm rút để cuộc sống trở lại bình thường” anh Thắng chia sẻ.
Đến 7 giờ ngày 13/9, huyện Ninh Giang đã vận động di dời 581 hộ với 1.779 người ở vùng ngập lụt, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. Hầu hết người dân thuộc diện di dời đều chuyển đến nhà người thân ở tạm. Tuy nhiên, các địa phương vẫn bố trí nhà văn hoá, trường học để người dân tránh trú khi cần thiết.
Nhiều người dân khó khăn, yếu thế đã chọn đến ở tạm tại trường học, doanh nghiệp. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lợi và vợ ở khu dân cư số 2, phường Phú Thứ (Kinh Môn) đã được Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương (cùng phường Phú Thứ) cho ở tạm từ ngày 11/9. Doanh nghiệp này bố trí một căn phòng khang trang, có điện, nước, bình nóng lạnh để gia đình ông ở tạm tránh lũ. Ông Lợi cho biết: "Đi di dời mà điều kiện sống đầy đủ thế này thấy cảm động và yên tâm lắm".
Khoảng 700 người thuộc 3 thôn ở ngoài đê sông Luộc thuộc xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) cũng đã di dời về nơi an toàn, chủ yếu ở tạm nhà người thân. Toàn xã chỉ có 8 người cao tuổi, yếu thế được bố trí ở tạm tại Trường THCS. Họ được chính quyền địa phương quan tâm, cung cấp suất ăn miễn phí hằng ngày. Chủ tịch UBND xã Hà Thanh Phạm Xuân Thức nói: "Xã đã bố trí 40 phòng ở các trường tiểu học, THCS và vận động các hộ thuộc 3 thôn phía trong đê gồm Hàm Cách, Kiều Long, Thanh Bình sẵn sàng đón người dân thuộc diện di dời đến ở tạm".
Chính quyền quan tâm
Giữa đêm 11/9, các đồng chí lãnh đạo phường Chí Minh vẫn đến từng gia đình thuộc diện di dời để rà soát, sẵn sàng hỗ trợ các gia đình chuẩn bị chống lũ. Ông Nguyễn Xuân Len (74 tuổi) ở khu dân cư Nhân Hưng thông tin: "Cả ngày lẫn đêm chính quyền đều tới thăm hỏi. Vợ tôi bị liệt hai chân được hỗ trợ di chuyển tới nhà con gái. Mọi đồ đạc có giá trị cũng được thôn hỗ trợ di chuyển lên tầng 2 để đề phòng ngập lụt".
Xã Hồng Phong (Thanh Miện) có khoảng 700 hộ với 3.000 nhân khẩu nằm ngoài đê sông Luộc. Những ngày qua, cùng với hỗ trợ người già và trẻ nhỏ di dời đến nơi an toàn, xã còn bố trí lực lượng thường xuyên đi tuần tra để bảo vệ tài sản ngoài đê cho các hộ dân. Các thôn có trách nhiệm hỗ trợ người dân thuộc diện sơ tán về nhu yếu phẩm khi có yêu cầu.
Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (48 tuổi) ở thôn My Động 2, xã Hồng Phong có 20 ha trồng rau màu ngoài đê sông Luộc. Trước tình trạng nước lũ dâng cao, chính quyền địa phương đã vận động nhiều người dân trong thôn hỗ trợ gia đình chị thu hoạch sớm một số diện tích ngô và dưa có nguy cơ bị ngập úng. "Gia đình tôi đã thu hoạch xong khoảng 5 ha ngô và dưa. Mặc dù giá bán không cao nhưng tiêu thụ được hết cũng vui lắm rồi", chị Oanh thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hải Dương, chính quyền các địa phương nơi có khu dân cư phải di dời đề phòng ngập lụt đã và đang tích cực hỗ trợ các gia đình vận chuyển đồ đạc, bảo vệ tài sản, tiêu thụ gia súc, gia cầm, thuỷ sản hoặc vận chuyển đến nơi an toàn. Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ người dân là nhiệm vụ hàng đầu được các địa phương đặc biệt ưu tiên, quan tâm.
Mưa hết, nước trên các sông rút, cuộc sống của người dân thuộc diện phải di dời sẽ trở lại bình thường.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến 7 giờ ngày 13/9, toàn tỉnh có 4.447 hộ với 10.063 nhân khẩu được di dời ra khỏi vùng ngập lụt, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Thanh Hà nhiều nhất, 1.670 hộ với 2.684 người, tiếp đến là huyện Ninh Giang 581 hộ với 1.779 người, huyện Tứ Kỳ 500 hộ với 1.530 người, thị xã Kinh Môn 430 hộ với 1.298 người, huyện Cẩm Giàng 428 hộ với 1.205 người…