Mất từ 1 đến vài triệu đồng đăng ký học trực tuyến qua mạng mà con không được học, nhiều phụ huynh đang bức xúc vì bị lừa.
Phụ huynh bức xúc vì đóng tiền mà con em họ không được học
"Nói hay, làm dở"
Anh Nguyễn Văn Việt ở xã Thanh Giang (Thanh Miện) đã đăng ký cho 2 con tham gia khóa học và nộp hơn 3 triệu đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Phần mềm Quốc Cường (gọi tắt là Doanh nghiệp Quốc Cường) có địa chỉ ở huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội). Hợp đồng ký từ ngày 31.1.2018 nhưng đến nay các con của anh vẫn chưa được học buổi nào. Anh đã gọi tổng cộng hơn 200 cuộc điện thoại vừa số cố định vừa số di động nhưng đầu dây bên kia hoặc không nghe máy, hoặc trả lời vòng quanh.
Ngày 2.4.2018, chị Trịnh Thị Nhật ở xã Hồng Thái (Ninh Giang) cũng đăng ký cho 2 con tham gia khóa học trực tuyến của Doanh nghiệp Quốc Cường. Chị đã nộp tổng cộng 2.470.000 đồng nhưng các con của chị không được tham gia khóa học như những gì doanh nghiệp cam kết. Các con của chị Nhật học môn tiếng Anh do giáo viên ở Hà Nội dạy bằng phần mềm Skype nhưng thường xuyên gián đoạn, lịch học bị thay đổi. Đến ngày 17.7, việc học ngừng hẳn. Hiện chị Nhật cũng không thể liên hệ với cơ sở giảng dạy vì đầu dây bên kia tắt máy. Nhiều phụ huynh ở các huyện khác trong tỉnh cũng gặp trường hợp tương tự. Người nộp ít cũng gần 1,5 triệu đồng tiền học phí, người nộp nhiều lên tới gần 6 triệu đồng. Cô Nguyễn Thị Lý ở Hà Nội, người từng là giáo viên dạy toán của Doanh nghiệp Quốc Cường cho biết đã dạy từ tháng 11.2017 đến tháng 6.2018 nhưng vẫn chưa nhận được tiền lương. Cô Lý cung cấp danh sách học sinh tham gia học trực tuyến tại Hải Dương của doanh nghiệp này. Danh sách gồm hơn 800 học sinh, ghi rõ họ tên, tên tài khoản, số điện thoại, lớp, lịch học từng môn. Theo các phụ huynh, lượng học sinh đăng ký học trực tuyến tại doanh nghiệp có thể chưa dừng lại ở con số này mà lên tới hàng nghìn học sinh vì một giáo viên khác đã báo thêm danh sách hơn 300 học sinh tiểu học Hải Dương tham gia học trực tuyến.
Cơ sở của Doanh nghiệp tư nhân Phần mềm Quốc Cường tại 16 Bùi Thị Xuân (TP Hải Dương) thực chất là nơi kinh doanh bể cá cảnh, đá phong thủy
Dấu hiệu lừa đảo
Theo lời chị Nhật, đầu tháng 4.2018, có một nhóm thanh niên khoảng 3-4 người đã vào tận lớp học của con chị tư vấn học tập qua mạng. Họ tự giới thiệu là người của Doanh nghiệp Quốc Cường đến triển khai chương trình học trực tuyến. Nhóm người này phát cho mỗi học sinh một tờ phiếu yêu cầu các em ghi số điện thoại của bố mẹ vào đó, khảo sát số lượng học sinh có máy tính, iPad trong lớp. Sau đó, người của trung tâm đã gọi điện tư vấn và chào mời chị cho con tham gia chương trình hỗ trợ học tập trực tuyến qua mạng. Khi chị Nhật đồng ý, ngay hôm sau, nhân viên của công ty đã đến tận nhà ký hợp đồng, cài đặt phần mềm và thu tiền. Phần mềm mà doanh nghiệp này cài trên máy tính cho học sinh là Skype, một phần mềm chat, nhắn tin, gọi điện miễn phí trên máy tính, điện thoại chứ không phải phần mềm hỗ trợ học tập chuyên dụng.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, học sinh tham gia học trực tuyến 4 môn: toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học. Mỗi môn học 2 buổi/tuần. Mỗi buổi học kéo dài 1 tiếng. Học sinh có thể lựa chọn theo 3 khung giờ từ 18-19 giờ; từ 19 giờ 15 - 20 giờ 15 và từ 20 giờ 30 - 21 giờ 30 vào các tối trong tuần trừ chủ nhật. Với mỗi môn học, học sinh đóng 600.000 đồng cho khóa học 6 tháng hoặc 990.000 đồng cho khóa học 12 tháng. Tham gia chương trình học 12 tháng học viên được miễn phí năm học tiếp theo vì kinh phí do "Phòng Giáo dục" tài trợ (không ghi rõ Phòng Giáo dục và Đào tạo ở đâu). Ngoài ra, học sinh còn phải đặt cọc 490.000 đồng tiền thiết bị là một tai nghe để học trực tuyến. Kết thúc khóa học, công ty sẽ đến thu lại tai nghe và trả lại tiền đặt cọc. Song tiền đặt cọc mà doanh nghiệp này thu của mỗi học viên một khác. Nhiều phụ huynh cho biết đến nay tai nghe đã hỏng không thể sử dụng được.
Ông Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang khẳng định không có bất cứ doanh nghiệp nào làm việc với phòng về vấn đề này. Gần đây, phòng nắm bắt thông tin về việc học trực tuyến qua mạng là do phụ huynh và giáo viên phản ánh. Không có chuyện cấp kinh phí năm học tiếp theo cho khóa học trực tuyến 12 tháng như trong hợp đồng của doanh nghiệp và phụ huynh đã ký. Thực tế, Ban Giám hiệu nhiều trường, giáo viên cũng là nạn nhân của chương trình học tập trực tuyến. Nhiều giáo viên đăng ký cho con em tham gia và mất tiền oan. Thầy Ngô Văn Trị, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Thái cho biết hợp đồng học tập do phụ huynh và doanh nghiệp cam kết không thông qua nhà trường, doanh nghiệp cũng không xin phép Ban Giám hiệu nhà trường về việc lên lớp học tư vấn.
Trên hợp đồng thể hiện thông tin Doanh nghiệp Quốc Cường do ông Nguyễn Văn Sáu làm giám đốc có 8 cơ sở trên cả nước. Cơ sở số 8 tại Hải Dương có địa chỉ tại số 16 Bùi Thị Xuân, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Phóng viên đã tìm tới địa chỉ này song thực tế đây là nơi kinh doanh bể cá cảnh, đá phong thủy. Số điện thoại của doanh nghiệp không thể liên lạc được vì đầu dây luôn trong tình trạng tắt máy.
Đại diện một số phụ huynh đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.
HÀ NGA