Hàng nghìn giếng bỏ hoang: "Cầu nối" ô nhiễm nguồn nước ngầm

13/05/2021 11:50

Nếu không được trám lấp kịp thời, các giếng khoan, giếng đào không còn sử dụng trong tỉnh sẽ là "cầu nối" làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.


Chiếc giếng khoan không còn sử dụng của gia đình ông Phạm Đức Quân ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) nhưng chưa được trám lấp

Nguy cơ ô nhiễm

Trước đây, do phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động thăm dò, nghiên cứu, hầu hết các gia đình và nhiều doanh nghiệp trong tỉnh khoan, đào giếng lấy nước sử dụng. Các loại giếng này phần lớn là tự phát, không được cấp phép. 

Những năm gần đây, hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. 100% số dân đang được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 95% số dân được dùng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia. Phần lớn người dân không còn dùng nước giếng nên nhiều giếng bị bỏ hoang. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tỉnh có 14.407 giếng, gồm 6.735 giếng đào, 7.612 giếng khoan dạng UNICEF, 30 giếng công nghiệp và 30 giếng thăm dò. 

Các giếng đào thường nông, có độ sâu từ 7 m trở lại và khai thác tầng nước trên cùng. Do được khai thác trong tầng nông, miệng rộng nên giếng trở thành nơi thu nguồn nước thải, nước ô nhiễm từ trên mặt đất xuống, nguy cơ ô nhiễm tầng chứa nước. Mặc dù các giếng khoan dạng UNICEF khai thác nước ở tầng sâu hơn nhưng cũng như các cửa sổ thu nước ô nhiễm từ phía trên dẫn xuống các tầng chứa nước bên dưới, nhất là ở những nơi sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật như các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng... Trong tỉnh còn một số giếng công nghiệp, giếng khoan thăm dò đã ngừng sử dụng. Qua đánh giá, những giếng này đã bị ô nhiễm, nước có hàm lượng sắt rất cao, nhiễm mặn... 

Sớm trám lấp khi không sử dụng

Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29.12.2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các giếng khoan, giếng đào không còn sử dụng, cấu trúc giếng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cần được xử lý, trám lấp. Việc này nhằm ngăn chặn nước bị ô nhiễm từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước ngầm và lưu thông giữa các tầng chứa nước khác nhau qua các giếng. Sau khi thống kê danh sách giếng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo gửi các địa phương để yêu cầu người dân trám lấp. Chị Cao Thị Thúy, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tứ Kỳ cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã đề nghị cán bộ chuyên môn của các xã, thị trấn thông báo đến từng chủ giếng. Huyện có 1.007 giếng các loại. Những gia đình không có nhu cầu sử dụng sẽ trám lấp theo quy định".

Mặc dù nhiều gia đình có giếng không sử dụng nhưng do chưa nhận thức được nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước nên chưa lấp. Gia đình ông Phạm Đức Quân ở thôn Châu Bộ, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) có 2 giếng khoan. Trong đó có 1 giếng sâu khoảng 30 m, được gia đình ông khoan cách đây 10 năm. Hiện giếng đã hết nước, không dùng được. Theo ông Quân, ông không nắm được các quy định phải trám lấp giếng khi không sử dụng và cũng không biết nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ những giếng bỏ hoang này.

Việc trám lấp giếng cần được thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, vật liệu dùng để trám lấp phải bảo đảm mới đáp ứng được yêu cầu bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm. Đối với giếng đào, do có đường kính lớn và nông nên sử dụng đất có tính thấm kém, sét tự nhiên hoặc hỗn hợp vữa xi măng đổ đầy giếng. Đối với giếng khoan dạng UNICEF, sử dụng hỗn hợp vữa xi măng đổ lấp đầy giếng. Do giếng có đường kính nhỏ nên phải đổ từ từ, tránh để tắc vữa ở thành giếng khiến giếng không được lấp đầy. Đối với giếng khoan thăm dò, nghiên cứu địa chất thủy văn và giếng khoan khai thác nước công nghiệp cần rút, nhổ cột ống giếng. Khi lấp cần dùng hỗn hợp vữa dạng lỏng, phải bảo đảm vữa được dẫn qua ống tới độ sâu của từng đoạn trám lấp bằng bộ dụng cụ, thiết bị phù hợp, không được đổ vữa trực tiếp qua miệng giếng. Kinh phí trám lấp do các chủ giếng tự chi trả. Đối với giếng không xác định được chủ thì ngân sách nhà nước chi trả.  

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cán bộ cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, trách nhiệm của người dân về bảo vệ tài nguyên nước; hướng dẫn, kiểm tra và có chế tài cụ thể về thực hiện trám lấp. Hằng năm theo định kỳ, các địa phương báo cáo số giếng đã được trám lấp để Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đánh dấu các giếng đã trám lấp lên bản đồ số...

Để bảo vệ nguồn nước ngầm trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ngày càng suy giảm như hiện nay, việc trám lấp giếng khi không còn nhu cầu sử dụng là cần thiết.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng nghìn giếng bỏ hoang: "Cầu nối" ô nhiễm nguồn nước ngầm