Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến 4.500 container đường biển ùn ứ tại cảng Rotterdam ở Hà Lan.
Theo Bloomberg, Giám đốc điều hành cảng Rotterdam, ông Allard Castelein, nói rằng quá trình kiểm tra hàng nghìn container vận chuyển liên quan đến Nga đã trở thành một cơn ác mộng.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì đưa quân vào Ukraine, các container liên quan Nga đã được kiểm tra riêng một cách cẩn thận nhằm xác nhận rằng cho phép các container di chuyển sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt nào.
Ông nói: “Việc kiểm tra này đã gây tắc nghẽn chuỗi giá trị về mặt không gian, nhân lực và thời gian”.
Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) đã mở rộng danh sách trừng phạt đối với Nga nhằm hạn chế xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang nước này. Vào tháng 3, Mỹ đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu Nga, nhưng các nước châu Âu đã ngần ngại hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga.
Ba Lan đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga vào ngày 30.3 và kêu gọi các nước khác trong EU làm theo. EU nhận khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga và cảng Rotterdam đóng vai trò là trung tâm nhập khẩu năng lượng chính.
Theo ông Castelein, khoảng 10% tàu đi qua cảng Rotterdam có liên quan đến Nga, trong đó có nhiều tàu liên quan đến năng lượng. Cảng Rotterdam nhập khẩu khoảng 30% dầu thô Nga.
Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Rotterdam xảy ra vào thời điểm các cảng trên toàn thế giới chỉ mới bắt đầu phục hồi sau những rắc rối trong chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Giữa những lo ngại về việc cảng sẽ tiếp tục xử lý các container liên quan Nga như thế nào, ông Castelein nói rằng trong trường hợp số lượng container tiếp tục tăng lên hoặc số container này chặn hoàn toàn các lối vào, ông sẽ xem xét thiết lập không gian riêng cho các container liên quan Nga.
Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Rotterdam chỉ là một dấu hiệu cho thấy tác động lớn hơn của cuộc chiến tranh Ukraine-Nga đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Tháng trước, các chuyên gia cảnh báo giá vận tải đường biển có thể tăng gấp ba lần do xung đột ở Biển Đen khiến giá bảo hiểm cao hơn và khiến nhiều nhà vận tải đường biển chuyển tuyến đường.
Ba trong số các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới đã tạm dừng tất cả các chuyến hàng đến và đi từ Nga. Vào tháng 2, Anh đã yêu cầu các cảng cấm tàu Nga ra vào, bao gồm tàu do người có liên hệ với Nga sở hữu, kiểm soát, thuê hoặc điều hành. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia nào cấm tàu Nga vào cảng.
Theo báo Tin tức