Hàng ngàn doanh nghiệp "tê liệt" bởi dịch, kịch bản nào cho thị trường lao động sắp tới?

15/08/2021 18:30

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó "tấn công" nhiều khu vực kinh tế trọng điểm, thị trường lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), các ngành như du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải,… chưa kịp phục hồi do dịch bệnh năm 2020 thì lại tiếp tục chịu những "đòn" mạnh hơn từ dịch bệnh năm 2021.

Dịch Covid-19 đã tấn công vào các khu vực kinh tế trọng yếu, các doanh nghiệp với quy mô lao động lớn tập trung ở khu chế xuất, khu công nghiệp, các điểm tập kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm,…nên các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất,… bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của người lao động làm công ăn lương, các hộ gia đình, hợp tác xã.


Dịch Covid-19 khiến thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm mà chưa có có dấu hiệu chấm dứt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để chống đỡ cũng như làm sức bật để phục hồi, người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển “ồ ạt về quê” như thời gian qua sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động.

Cục Việc làm dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng sẽ dư thừa lao động ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung – cầu lao động.

3 kịch bản cho thị trường lao động Việt Nam thời gian tới

Theo Cục Việc làm - cơ quan phụ trách chính về lao động, việc làm của Bộ LĐ-TB-XH, thời gian tới, thị trường lao động có thể diễn biến theo những kịch bản sau:

Kịch bản tốt, trong trường hợp dịch được kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương trong tháng 8, các tỉnh dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngay trong nửa đầu tháng 8, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên…

Theo đó, thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề ở những tỉnh có số ca mắc lớn, phải thực hiện Chỉ thị 16 và một số địa bàn lân cận có ảnh hưởng liên quan. Dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trong quý 3.2021 là hơn 22 triệu người, tập trung vào lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phong tỏa, giãn cách như trong khu công nghiệp, khu chế xuất, làm việc trong các ngành chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, bán buôn bán lẻ, nghệ thuật…; số lao động mất việc ước tính 500.000-600.000 người, số lao động ngừng việc, cắt giảm giờ làm khoảng 5 triệu người. Tuy nhiên, thị trường lao động lại có nhu cầu tuyển dụng lớn để phục hồi sản xuất kinh doanh, số lao động có nhu cầu tuyển dự kiến trong quý 3 trên 500.000 người.

Với kịch bản thường, trong trường hợp các tỉnh thành phố phía nam đã áp dụng mạnh mẽ các biện pháp để giãn cách xã hội, hỗ trợ những lao động ngoại tỉnh tạm thời không ồ ạt về quê,… nhưng số ca F0 liên tục tăng, không có chiều hướng giảm, một số tỉnh, thành phố miền bắc, miền trung cũng bắt đầu gia tăng số ca F0 thì dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trên 30 triệu người, tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ,….

Ở một kịch bản xấu hơn, việc triển khai mua và tiêm vaccine cũng đã nỗ lực hết sức nhưng nguồn cung vaccine cho Việt Nam không đáp ứng nhu cầu, không được bàn giao theo đúng tiến độ nên kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng gặp khó khăn, dịch bệnh kéo dài khiến nguồn lực cạn kiệt, người dân rơi vào tình trạng mất việc làm, không đảm bảo được điều kiện sống khiến dịch bùng phát trên toàn quốc với mức độ nguy hiểm, mất kiểm soát. Dự báo thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, sẽ gần 40 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, lao động trong các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Cần giải pháp đồng bộ

Trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng như thị trường lao động nói riêng, đại diện Cục Việc làm cho rằng, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch. Tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.


Cần tăng tốc độ tiêm vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh tốc độ đàm phán để nhập và tổ chức tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu,… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ưu tiên, tiêm vaccine cho người dân ở nơi có mật độ dân số cao trước... Lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn cũng cần được ưu tiên tiêm phòng để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Rà soát sửa đổi kịp thời và tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, đại diện Cục Việc làm cũng cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí,… hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng,…

Có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam chủ động phối hợp với các tỉnh phía Nam cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm tiền điện, tiền nước, hỗ trợ mức tối thiểu sinh hoạt hàng ngày, ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngoại tỉnh để giữ chân họ ở lại chuẩn bị làm việc.

Kịp thời nắm bắt, có các hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu hàng ngày, hỗ trợ y tế cho người dân, người lang thang, cơ nhỡ, người lao động, đặc biệt lao động nghèo, để giữ ổn định xã hội…

Thứ hai, để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội cần có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không đang tham gia học tập đào tạo tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục bổ sung nguồn vốn để cho vay đối với các hộ sản xuất kinh doanh, người lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở,… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất. Nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung – cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch về lao động, việc làm, nâng cao vai trò, hiệu quả của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động và doanh nghiệp giữa nhiều địa phương với nhau.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng ngàn doanh nghiệp "tê liệt" bởi dịch, kịch bản nào cho thị trường lao động sắp tới?