Xét điểm thi tốt nghiệp THPT không còn là phương thức tuyển sinh chính của nhiều trường đại học, thay vào đó xét học bạ hoặc xét tuyển riêng "lên ngôi".
Năm 2023, Đại học (ĐH) Quốc gia TP Hồ Chí Minh dành ít nhất 45% chỉ tiêu tuyển sinh cho thi đánh giá năng lực.
Việc này đồng nghĩa các trường thành viên của ĐH này như: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Khoa Y, Trường ĐH An Giang… sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực, giảm chỉ tiêu xét từ điểm thi tốt nghiệp.
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn là một thành tố trong phương thức xét tuyển tổng hợp.
Phương thức này sẽ bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác, hoạt động xã hội.
Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, cho biết phương thức xét tổng hợp kết hợp các tiêu chí nhằm phục vụ chiến lược đào tạo xuất sắc của nhà trường và quốc tế hóa.
Năm 2022, lần đầu tiên trường tuyển sinh phương thức tổng hợp. Trong đó hơn 43% thí sinh vào trường thuộc top 6% thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực cao và hơn 43% có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 26 điểm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT
Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lên tối đa 40% tổng chỉ tiêu, tăng gấp đôi năm ngoái.
Phương thức này là sự kết hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ với điểm 1 bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Nhà trường tăng chỉ tiêu cho phương thức này là do lần đầu xét tuyển năm ngoái, các thí sinh trúng tuyển đáp ứng tốt việc học.
Tuyển 6.610 chỉ tiêu trong năm 2023, nhưng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh dành tới 70% tổng chỉ tiêu (tương đương 4.627 thí sinh) xét tuyển học bạ, trong đó 30% xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, 40% xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.
Năm nay nhà trường chỉ dành 25% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 5% cho phương thức khác.
Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tuyển hơn 8.000 chỉ tiêu cho năm 2023, nhưng đã dành 50% tổng chỉ tiêu xét học bạ, xét từ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức và xét tuyển thằng. 50% chỉ tiêu còn lại sẽ xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tuyển 855 chỉ tiêu nhưng 70% tổng chỉ tiêu trường sẽ xét học bạ, xét tuyển thẳng, xét từ thi đánh giá năng lực, chỉ 30% tổng chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Dự kiến tuyển 9.900 chỉ tiêu, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dành 53% tổng chỉ tiêu cho xét học bạ. Trong số này trường phân ra xét học bạ theo tổng điểm 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) là 35%, xét học bạ theo tổ hợp 3 môn của năm lớp 12 là 18%.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây thí sinh có xu hướng quan tâm đến phương thức xét tuyển học bạ, xét tuyển riêng nên hầu hết các trường đại học đều tăng chỉ tiêu cho các phương thức này hơn so với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Có thể thấy, phương thức xét học bạ đã dần trở nên phổ biến vì những ưu điểm như giúp thí sinh chủ động lựa chọn thời gian xét tuyển, giảm áp lực thi cử đối với kỳ thi tốt nghiệp, cơ hội chọn ngành nghề đa dạng, tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình chứ không bị phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất.
Theo Vietnamnet