Hàng loạt người mắc bẫy kẻ lừa đảo đấu giá máy tính online

25/12/2010 06:34

Bằng cách khởi tạo và khéo léo sử dụng một số nick giao dịch trên các trang thương mại điện tử, Hoàng Thế Anh đã lừa được nhiều người và thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.

Đội chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14) thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trậ tự xã hội (PC 45), Công an TP Hà Nội, phát hiện Hoàng Thế Anh, sinh năm 1987 trú tại Từ Liêm, Hà Nội, từng là sinh viên khoa Tin tr­ường Trung cấp luyện kim Thái Nguyên và đã có một tiền án tội trộm cắp tài sản.

Khoảng tháng 8 năm nay, Thế Anh lập nick shopzinzin với hòm thư shopzinzin@yahoo.com.vn trên trang chodientu, đồng thời lập tiếp một nick thuonggianet và hòm thư thuonggianet@yahoo.com.vn với tên là Nguyễn Đức Kiên.

Sau đó Thế Anh vào nick shopzinzin đăng đấu giá sản phẩm laptop Apple Macbook, đồng thời dùng nick thuonggianet vào tham gia đấu giá với giá là 16 triệu đồng và dùng nick này đăng bán lại sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hương trú tại thành phố Buôn Mê Thuột đã đăng ký mua lại và được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản tên Nguyễn Đức Kiên tại Ngân hàng Đông Á. Chị Hương tin tưởng chuyển tiền và bị Thế Anh chiếm đoạt.

Người dùng cần cẩn thận khi mua hàng trực tuyến.

Tiếp đến tháng 9, Thế Anh dùng địa chỉ vn0247@yahoo.com.vn trên trang chodientu để rao bán máy tính Lenovo Y550P với giá 12,5 triệu đồng. Ngày 21-9, anh Phạm Thành Đạt ở Hà Nội đấu giá trực tuyến và thắng với giá 10 triệu đồng.

Sau đó, Thế Anh hướng dẫn anh Đạt chuyển tiền thanh toán vào tài khoản tên Nguyễn Tiến Sơn tại Ngân hàng Công thư­ơng Việt Nam. Khi tiền đã chuyển, Thế Anh nhờ anh Sơn rút hộ tiền cho mình nhưng không giao máy cho anh Đạt.

Tại cơ quan điều tra, anh Nguyễn Tiến Sơn - chủ tài khoản, cho biết có quen một ngư­ời có tên là Thế Anh, quê tại Thái Nguyên thông qua nick chat yahoo là theanhmlm. Cuối tháng 9, Thế Anh hỏi m­ượn tài khoản của anh Sơn để bạn gửi tiền vào. Ngay sau khi tiền vào tài khoản của anh Sơn, Thế Anh đã đến lấy toàn bộ 10 triệu đồng.

Cũng trong tháng 9, Thế Anh lập nick tranhanhpc và nick ưtGsvip007@gmail.com trên trang chodientu đấu giá laptop Macbook. Anh Lâm Hoàng Thanh (TP HCM) thắng đấu giá 23 triệu đồng. Thế Anh yêu cầu anh Thanh chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nhưng anh Thanh không đồng ý.

Do vậy, Thế Anh lên mạng và mạo danh anh Thanh đặt mua 2 chiếc máy tính để bàn của anh Nguyễn Đình Nghĩa (Hà Nội) với giá 23 triệu đồng. Sau đó Thế Anh bảo anh Thanh chuyển tiền vào tài khoản của anh Nghĩa trên trang web nganluong. Sau khi anh Thanh chuyển tiền, Thế Anh lập tức lấy từ anh Nghĩa 2 chiếc máy tính và bán lại trên mạng được 12 triệu đồng.

Tiếp tục kịch bản cũ, tháng 10-2010, Thế Anh lập nick Dangkhoashop và hòm thư nguyendangkhoait@yahoo.com.vn rao bán, đấu giá máy tính laptop. Anh Phạm Văn Hùng (Đồng Nai) đấu giá 13,8 triệu đồng.

Thế Anh yêu cầu anh Hùng chuyển tiền trực tiếp như­ng anh Hùng không đồng ý, nên dùng tên Hùng đặt mua của anh Trần Công Thành 2 điện thoại Nokia X6 giá 13 triệu đồng. Sau đó anh ta gọi điện cho anh Hùng chuyển tiền vào tài khoản trên nganluong của anh Thành.

Một số website mua bán trực tuyến đóng dấu Người bán bảo đảm giúp người mua nhận diện được website bán hàng an toàn.

Cũng bằng cách này, Thế Anh lừa anh Bùi Hữu Tân (Quảng Ninh) chuyển hơn 15 triệu vào tài khoản của anh Thành để đặt mua 2 chiếc điện thoại Nokia X6. Sau khi anh Hùng và Tân chuyển tiền, sáng 3-11 Thế Anh đã ra cửa hàng anh Thành để lấy 4 chiếc điện thoại Nokia và bán lại tại một cửa hàng điện thoại khác chỉ 15 triệu đồng.

Theo đại diện Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn này không mới nhưng chiêu thức lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Đối tượng sử dụng kẽ hở từ tâm lý mua bán nhẹ dạ cả tin và thói quen online mua hàng nhưng thích thanh toán bằng tiền mặt của người dân khi tham gia mua bán trên mạng.

Hiện nay, trên một số website bán hàng trực tuyến đã thực hiện mua bảo hiểm cho người mua với tên gọi “Người bán đảm bảo”. Theo đó khách hàng có thể nhận diện được các doanh nghiệp uy tín một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng hoàn toàn yên tâm vì nếu gặp rủi ro thì được hoàn lại số tiền đã mất.

Một số kinh nghiệm khi mua hàng trên mạng

1. Chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch uy tín, bảo đảm quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra.

2. Tìm kiếm đầy đủ thông tin về mặt hàng như đặc tính kỹ thuật, hình ảnh ở nhiều góc độ.

3. Lựa chọn người bán đảm bảo, có uy tín (dựa trên phản hồi của những người đã mua trước đó hoặc dựa vào chứng nhận người bán đảm bảo của các trang mua bán trực tuyến).

4. Kiểm tra thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, e-mail…), có thể sử dụng công cụ tìm kiếm trên Google để kiểm tra.

5. Tìm hiểu kỹ chính sách mua bán, quy định, bảo hành…

6. Chọn lựa hình thức thanh toán an toàn (Chọn phương thức thanh toán có độ an toàn cao, kèm các chính sách hoàn trả lại tiền khi gặp rủi ro…)

7. Nên sử dụng phương thức thanh toán tạm giữ để đảm bảo được bồi hoàn tiền khi có sự cố xảy ra


(Nguồn: Vnexpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng loạt người mắc bẫy kẻ lừa đảo đấu giá máy tính online