Hàng Hải Dương đi muôn nơi

26/09/2010 09:05

Mặc dù bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới nhưng với quyết tâm cao của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh.


Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Trong ảnh: Lắp ráp máy in tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền). Ảnh: Ngọc Tuân


5 năm qua, hoạt động xuất khẩu ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Nhưng với quyết tâm cao của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh.

Những ngày tháng 9 này ở Công ty CP Venture Internatinonal Việt Nam (Cẩm Giàng) chuyên may quần áo bảo hộ lao động, đồng phục công ty, quần áo trẻ em, áo sơ mi, áo choàng và các sản phẩm may mặc khác, không khí lao động thật khẩn trương để kịp cho những lô hàng cuối năm. Tại các xưởng sản xuất, hàng nghìn công nhân đang miệt mài với từng đường kim mũi chỉ. Lao động trong công ty phải tăng cường độ sản xuất mới bảo đảm được thời gian giao hàng. Công ty đã đầu tư lắp đặt thiết bị công nghệ mới như máy hai kim điện tử phục vụ công đoạn may phức tạp, máy quấn ống quần áo; có chế độ bồi dưỡng đối với công nhân làm thêm ca, thêm giờ... Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 10 triệu USD, tăng gần 1,5 triệu USD so với năm trước. Riêng 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9 triệu USD.

Hối hả, vội vã, những người công nhân ở Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền), chuyên sản xuất hàng điện tử đang chạy đua với thời gian. Những băng tải sản phẩm tưởng như kéo dài vô tận. Chỗ này, những bóng áo xanh mải miết với việc lắp ráp máy in, máy fax, bên kia sản phẩm đã đóng thùng nối đuôi nhau chờ đợi đưa vào các công-ten-nơ để lên đường đến những phương trời mới. Công ty luôn giữ chữ tín với khách hàng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng mới với công nghệ hiện đại. Đây chính là yếu tố giúp cho đơn vị giữ được sự ổn định và phát triển. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 164 triệu USD, gấp 2,4 lần so với năm 2007. Riêng 8 tháng đầu năm nay, đạt 127,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ trọng của nhóm hàng dây cáp điện và điện tử chiếm gần 52% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng giầy, dép chiếm 10,3%; nhóm hàng nông sản thực phẩm gần 3%. Nhóm hàng dệt may chiếm 20,29%. Đây là nhóm hàng thu hút khá nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 140 triệu USD, gấp gần 3 lần so với năm 2006. Riêng 8 tháng đầu năm nay, đạt hơn 128 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2009. Nếu như mấy năm trước, các doanh nghiệp may mặc có vốn đầu tư nước ngoài thường có kim ngạch xuất khẩu cao hơn hẳn, thậm chí gấp 3 đến 4 lần các doanh nghiệp trong nước, thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp “nội” đã có sự tăng trưởng vượt bậc như Công ty CP May I và Công ty CP May II Hải Dương...


Theo Sở Công thương, giai đoạn 2006-2010, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 49%/năm. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 224,6 triệu USD; năm 2010 ước đạt 960 triệu USD. Giá trị xuất khẩu 5 năm đạt 2 tỷ 724 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 11,6% tổng kim ngạch; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 88,4%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng và giá trị kim ngạch tăng gấp 2 lần so với kế hoạch đề ra. Đây là những con số ấn tượng của hoạt động xuất khẩu ở tỉnh ta trong thời kỳ gặp nhiều khó khăn của tình hình thị trường trong và ngoài nước. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; giảm hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Đến nay, hàng hoá trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu đến 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu hàng hoá truyền thống được duy trì và giữ vững, được khai thác sâu hơn, hiệu quả hơn như các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ; đồng thời từng bước mở rộng sang các thị trường mới có nhiều tiềm năng như châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ...

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh đạt được thành quả như trên là do các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng về số lượng, năng động trong kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá hoạt động ngày càng ổn định. Toàn tỉnh hiện có 122 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Để từng bước khẳng định mình trong xu thế hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp từng bước đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, cách quản lý phù hợp với nền kinh tế hội nhập. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường xuất khẩu có năng lực, chuyên môn giỏi, am hiểu và nắm bắt được các thông lệ quốc tế, phong tục, thị hiếu của từng nước để đưa ra những sản phẩm phù hợp. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế để tạo ra mẫu hàng mới đa dạng, phong phú, có thẩm mỹ cao. Từng bước cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Công tác xúc tiến xuất khẩu ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Nhiều đơn vị đã nhanh chóng tiếp cận với thị trường mới, nhất là các doanh nghiệp ngành may mặc. Nếu như trước đây, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ chủ yếu thì hiện nay đã dần chuyển sang các nước khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khu vực châu Phi, Mỹ la tinh... Một điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp đã giữ uy tín với khách hàng bằng chính chất lượng hàng hoá, bảo đảm đủ số lượng, đúng mẫu mã, giao hàng đúng thời hạn và thanh toán nhanh gọn. Chính vì thế, sản phẩm của các doanh nghiệp đứng vững trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, phải kể đến tỉnh ta có sự chỉ đạo linh hoạt, sát trúng tình hình, chính quyền địa phương, ngành chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, cùng với doanh nghiệp giải quyết kịp thời các vướng mắc về vốn, hạ tầng, cơ chế... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu phát triển. Những kết quả trên chính là “bệ đỡ” quan trọng để xuất khẩu tỉnh nhà ngày càng vươn xa, hội nhập sâu, rộng kinh tế quốc tế.

N.Q

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Hải Dương đi muôn nơi