Chính phủ Hàn Quốc hiện rất muốn thiết lập công nghệ phóng vệ tinh với chi phí thấp song lại có độ chính xác cao để có thể thực sự mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp vũ trụ.
Hàn Quốc phóng thử tên lửa tại Trung tâm Vũ trụ Naro của Hàn Quốc vào năm 2018
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch chi 1.600 tỷ won (1,37 tỷ USD) vào năm 2030 để phát triển vệ tinh do thám hiện đại và công nghệ tên lửa liên quan nhằm tăng cường mạng lưới giám sát của nước này.
Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa đạn đạo song phương, đồng nghĩa với việc Seoul đã đạt được chủ quyền về tên lửa sau hơn 40 năm.
Theo một kế hoạch đầu tư được Cơ quan quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc (DAPA) công bố tuần trước, do việc bãi bỏ nguyên tắc trên nên Hàn Quốc giờ đây có thể phát triển tên lửa phóng vệ tinh dựa vào nhiên liệu rắn, dễ sử dụng hơn nhiên liệu lỏng và yêu cầu thiết kế tên lửa đơn giản hơn.
Hiện, Chính phủ Hàn Quốc rất muốn thiết lập công nghệ phóng vệ tinh với chi phí thấp song lại có độ chính xác cao để có thể thực sự mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp vũ trụ.
Theo kế hoạch trên, Chính phủ Hàn Quốc đã phân bổ 18,5 tỷ won để phát triển một cảm biến tiên tiến gắn trên vệ tinh để quan sát hồng ngoại bề mặt Trái đất.
Theo truyền thông sở tại, một cảm biến như vậy sẽ có độ phân giải cao hơn ít nhất 50% so với những cảm biến được gắn trên các vệ tinh hiện có đang hoạt động ở nước ngoài.
Trước đó, hồi tháng Năm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden.
Ngoài một số vấn đề song phương, hai bên đã đạt được thỏa thuận chấm dứt "Hướng dẫn tên lửa Hàn-Mỹ".
Hướng dẫn này được thiết lập năm 1979, với nội dung hạn chế về tầm bắn tối đa và trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc, mức độ hạn chế đã được giảm nhẹ dần qua 4 lần sửa đổi.
Việc chấm dứt hướng dẫn này có nghĩa là Washington dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn tối đa và trọng lượng đầu đạn, đồng nghĩa với việc Seoul đã đạt được chủ quyền về tên lửa sau 42 năm.
Theo TTXVN