Quy định hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đòi hỏi các ngành chức năng phải có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh...
Cộng đồng doanh nghiệp đều hoan nghênh việc hạn chế thanh tra, kiểm tra
Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị nhằm chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN). Vì vậy, đòi hỏi các ngành chức năng phải có các giải pháp cụ thể để quản lý DN vừa hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.
Gỡ khó cho doanh nghiệpNhững năm trước, việc quản lý nhà nước đối với các DN chủ yếu được thực hiện bằng biện pháp thanh tra, kiểm tra. Qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước xử lý được DN vi phạm, đồng thời giúp DN hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh công tác thanh tra, kiểm tra hiện còn bị trùng lặp, chồng chéo về nội dung. Thanh tra, kiểm tra kéo dài khiến DN mất nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu. Cán bộ thanh tra có tình trạng lợi dụng, lạm quyền gây khó khăn cho DN, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, ngày 17.5.2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20; tháng 6.2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16 về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN. Nội dung các chỉ thị đều nhấn mạnh khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với 1 DN. Trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì cần chủ động phối hợp, trao đổi để thống nhất phương án xử lý, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN. Các chỉ thị cũng chỉ rõ các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp, quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm.
Đại diện DN Thương mại Bình Minh ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) cho biết không chỉ đối với các DN lớn hoặc DN nước ngoài, các DN tư nhân với hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ nếu bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần/năm sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh giúp DN có tâm lý thoải mái, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.
Khoanh vùng quản lý
Hạn chế thanh tra, kiểm tra đối với DN, vậy cơ quan nhà nước cần làm gì để quản lý DN hiệu quả? Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cần khoanh vùng đối tượng phải quan tâm, giám sát đặc biệt như các DN đang xảy ra tranh chấp, thua lỗ, vay nợ nhiều hoặc có thuê đất của Nhà nước mà phát sinh những hoạt động bất thường như việc kê khai lớn số lượng thuế giá trị gia tăng…
Hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra có nội dung chồng chéo giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Trong ảnh: Xưởng sản xuất
quần áo thể thao xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU tại Công ty TNHH Haivina ở xã Gia Tân (Gia Lộc). Ảnh: Thành Chung
Cần xây dựng hệ thống quy định hoạt động đầy đủ, chặt chẽ, chuẩn mực để DN căn cứ vào đó thực hiện. Cán bộ thanh tra, kiểm tra phải có kiến thức, chuyên môn sâu và có kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm để làm gương và răn đe các DN khác. Cần thay đổi tư duy, thay đổi cách thức quản lý thì mới xử lý được DN chưa tốt, giúp đỡ các DN làm ăn chân chính yên tâm phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết các cơ quan nhà nước nên tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn DN về các quy định mới để DN có thời gian chuẩn bị. Không nên để tình trạng luật vừa có hiệu lực thi hành được vài ngày hoặc DN mới được thành lập thì cơ quan nhà nước đã đến thanh tra, kiểm tra.
Để tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội đối với hoạt động sản xuất của DN thì khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra cần thông báo cho lãnh đạo hội, hiệp hội của DN nắm bắt để kịp thời bảo vệ quyền lợi của DN. Cơ quan nhà nước chỉ là một kênh phát hiện, xử lý vi phạm của DN. Công luận, người tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh sẽ theo dõi, giám sát và quyết định sự sống còn của mỗi DN.
PHAN ANH