Thực tế, rất nhiều người khi mua hàng trên mạng gặp phải tình trạng mất tiền oan vì mua phải hàng kém chất lượng.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều người mua hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc trên mạng xã hội
Việc bổ sung mạng xã hội là một trong những hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về TMĐT, góp phần hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng khi mua bán trên mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung ở xã Tân Hương (Ninh Giang) thường có thói quen mua sắm trên các sàn TMĐT và trên Facebook. Một lần săn hàng giảm giá tại livestreams của một tài khoản Facebook, chị Dung mua được 1 bộ quần áo với giá 149.000 đồng, giảm một nửa so với quảng cáo. Mấy ngày sau, nhận hàng chị Dung rất bất ngờ vì sản phẩm không giống quảng cáo. Thay vì một bộ quần áo chất liệu vải lụa, mềm mịn, không nhăn như trên livestreams thì chị nhận được là 1 bộ quần áo vải cứng, đường chỉ may cẩu thả. Tuy bức xúc nhưng chị Dung đành ngậm ngùi cho qua.
Thực tế, rất nhiều người khi mua hàng trên mạng gặp phải tình trạng mất tiền oan vì mua phải hàng kém chất lượng như chị Dung. Do người mua không được trực tiếp nhìn, cầm, nắm, thử nghiệm sản phẩm nên nhiều đối tượng lợi dụng kinh doanh trên các sàn TMĐT hoặc mạng xã hội để bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng giả… Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định pháp luật liên quan còn vướng mắc, bất cập.
Ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT quy định về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động TMĐT sau hơn 8 năm thi hành đã bộc lộ những nhược điểm gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng TMĐT và cả người tiêu dùng. Ông Ngọc phân tích, do không ràng buộc trách nhiệm của việc cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng nên nhiều doanh nghiệp thiếu minh bạch, trung thực trong cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình trên mạng, dẫn đến khó khăn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều cá nhân, đơn vị dùng tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... ảo hoặc đi thuê tài khoản của người khác, không xác định được địa chỉ. Nhiều quảng cáo trên mạng xã hội không đúng sự thật, không có địa chỉ cụ thể, thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh. Do đó, công tác quản lý thuế cũng gặp khó khăn. Mặc dù Nghị định 52 đã quy định chế tài xử phạt về gian lận TMĐT nhưng thực tế chưa phát huy hiệu quả...
Ngày 25.9 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 về TMĐT. Nghị định 85 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 với nhiều điểm mới khắc phục những bất cập của Nghị định 52, được kỳ vọng sẽ bảo vệ người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch TMĐT.
Một trong những điểm mới đáng chú ý là công nhận mạng xã hội như Facebook, Zalo... là một trong những hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT. Khoản 15, điều 1, Nghị định 85 quy định các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT gồm website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Nghị định cũng bổ sung hình thức nữa là mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động như trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Cũng theo ông Nguyễn Lương Ngọc, để Nghị định 85 sớm đi vào cuộc sống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được cách thức mua bán trên mạng. Doanh nghiệp cần trung thực trong việc cung cấp thông tin trên internet. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát quản lý thuế, quản lý thị trường, chống tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ; xây dựng chế tài đủ mạnh để quản lý các hoạt động kinh doanh TMĐT; đưa các cách thức kinh doanh trên mạng xã hội vào quản lý một cách đồng bộ, chặt chẽ và cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, các ngành với nhau trong công tác này.
HÀ NGA