Hạn chế mạ chết từng chòm

26/12/2012 03:45

Nguyên nhân: Hiện tượng chết từng chòm/đám mạ gieo trên nền cứng chủ yếu là do nấm gây bệnh khô vằn tồn tại trong đất trồng và hạt thóc gây nên.


+ Biện pháp hạn chế bệnh:

- Xử lý giống: Do nấm bệnh tồn dư trên vỏ trấu gây nên. Vì vậy, trước khi tiến hành ngâm ủ thóc giống, nông dân cần áp dụng biện pháp xử lý hạt thóc bằng dung dịch nước muối nồng độ 10-15% để diệt nấm bệnh. Cụ thể: Pha muối ăn thô (không có i-ốt) vào nước theo tỷ lệ 1-1,5 kg muối/10 lít nước. Đổ thóc giống vào ngâm sao cho nước muối ngập hạt thóc. Sau khi xử lý được khoảng 15 phút thì đổ nước muối và rửa sạch thóc rồi tiến hành ngâm ủ bình thường.

* Chú ý: Việc xử lý thóc giống bằng muối ăn chỉ nên áp dụng đối với lúa thuần. Không áp dụng cho lúa lai Trung Quốc vì lúa này đã được nhà sản xuất xử lý nấm bệnh rồi.

- Gieo mạ: Cần gieo mạ ở mật độ vừa phải (trung bình khoảng 1 - 1,5kg thóc giống/m2 đối với lúa thuần, 1 kg/3-4 m2 đối với lúa lai). Không nên gieo dày sẽ làm tăng độ ẩm trong luống mạ do cây hô hấp.

- Tưới nước, làm khung che: Nấm khô vằn xâm nhập dễ dàng cây mạ khi độ ẩm luống mạ cao, nhất là khi ban đêm có giọt sương, nước đọng lại trên thân, lá mạ. Vì vậy, mỗi khi tưới nước cho mạ, cần tưới vào chiều sớm sao cho về đêm, mạ được khô nước trên thân. Không nên để độ ẩm luống mạ quá cao.
Việc làm khung che ni-lông giữ ấm cho mạ xuân là rất cần thiết. Song, nông dân cần làm khung sắt hoặc uốn tre thành vòm khum che mạ, sao cho độ cao của khung che phải đạt từ 0,8 - 1 m. 

Nông dân cần cung cấp dinh dưỡng cho mạ ngay từ khi làm giá thể để gieo, trộn bùn ao hả hơi với phân chuồng hoai mục theo tỷ lệ 2:1 kèm theo 0,5 lạng lân supe/m3 giá thể. Trong thời gian mạ ở trên nền đất cứng, nông dân cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho mạ bằng cách phun phân qua lá định kỳ 3 ngày/lần để cây mạ phát triển được nhanh hơn trong điều kiện thời tiết giá rét.

+ Cách khắc phục khi mạ bị bệnh: Nếu phát hiện sớm thấy từng chòm mạ, nhất là chỗ gieo dày, cây mạ có hiện tượng héo mòn dần thì khẩn trương dùng các chế phẩm thuốc trừ nấm khô vằn như: Validacin, Anvil, Tilsupe, Kalihex... phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 4-5 ngày để diệt nấm. Để việc trừ bệnh có hiệu quả cao, nên phối trộn thêm khoảng 0,5 lạng kalisunphat (kali trắng)/bình 16 lít rồi phun.

* Chú ý:
Khi mạ đang bị nấm gây hại không nên phun phân qua lá có chứa đạm, vì có đạm sẽ thúc đẩy nấm phát triển nhiều hơn. Chỉ nên phun các chế phẩm phân bón vi lượng qua lá để cây chống đỡ bệnh tốt hơn.

 KS TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn chế mạ chết từng chòm