Ở tỉnh Hải Dương, đội ngũ lễ tân tại các khách sạn luôn thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng.
|
Là khách sạn 4 sao duy nhất của Hải Dương nhưng hiện tại Khách sạn Nam Cường vẫn gặp khó khăn trong xây dựng đội ngũ lễ tân chuyên nghiệp |
Thiếu chuyên nghiệpAnh Trần Văn Thắng (sinh năm 1992 ở phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) làm lễ tân tại Khách sạn Âu Cơ đã được vài tháng nay. Anh tốt nghiệp Khoa kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương hơi khó xin việc nên trong thời gian chờ cơ hội anh đã xin vào đây làm lễ tân. Vốn đam mê du lịch, đã đi nhiều nơi, gặp nhiều lễ tân nhưng khi vào làm anh mới thấy nghề này không đơn giản và nhàn hạ như mình nghĩ, mà cần nhiều kỹ năng và khá vất vả.
Nhân viên lễ tân kiểu "tay ngang" như anh Thắng không hiếm gặp, mà trái lại đang là tình trạng phổ biến trong nghề lễ tân ở Hải Dương. Có một nghịch lý đang tồn tại ở lĩnh vực này, đó là dù không nhiều khách sạn đông khách lưu trú thường xuyên nhưng vẫn khó tuyển lễ tân đào tạo đúng chuyên ngành. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta chỉ có 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 20 khách sạn 2 sao là những nơi cần đội ngũ lễ tân chuyên nghiệp, với số lượng hơn 100 người. Nhưng đa phần trong số đó được học những ngành nghề khác và đến với nghề lễ tân một cách tình cờ. Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành ít xin việc ở Hải Dương do dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chưa thật sự phát triển. Đa số sinh viên khi tốt nghiệp thường tìm kiếm cơ hội việc làm ở các tỉnh, thành lân cận sôi động về du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Việc phải tuyển dụng người học trái ngành vào làm lễ tân khiến các khách sạn gặp nhiều khó khăn. Tất cả các nhân viên đó đều cần phải được đào tạo tích cực một thời gian thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Anh Trịnh Hoàng Duy, Trưởng bộ phận lễ tân, Khách sạn Nam Cường cho biết: "Nhân viên lễ tân của khách sạn học các ngành nghề rất đa dạng nhưng đều không liên quan gì tới du lịch. Khi tuyển dụng, chúng tôi chỉ có thể chọn những người có tố chất chứ không lựa chọn được những người có chuyên môn. Họ thiếu rất nhiều kỹ năng để làm lễ tân nên chúng tôi phải đào tạo từ những kỹ năng nhỏ nhất như cách nghe điện thoại, chào hỏi, đi đứng...".
Các khách sạn đều mong muốn xây dựng được đội ngũ lễ tân chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ nên thường có một số cách đào tạo đội ngũ này như hướng dẫn hằng ngày, mời chuyên gia về mở lớp, tham dự các khóa tập huấn do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Phối hợp nhiều biện pháp, mất nhiều thời gian, công sức mới có được một lễ tân làm tốt.
Rất nhiều lễ tân xác định sẽ không làm công việc này lâu dài mà chỉ coi đây là công việc tạm thời. Khi có tâm lý này, họ không yên tâm làm việc mà dễ dàng chuyển đi khi có cơ hội khác. Điều này khiến cho đội ngũ lễ tân ở các khách sạn không ổn định, thường xuyên phải tuyển mới, đi kèm sau đó lại là chu trình đào tạo tốn kém kể trên. Sự mất ổn định của đội ngũ lễ tân phần nào cũng ảnh hưởng tới hoạt động của khách sạn, vì lễ tân là những người tiếp xúc với khách, hướng dẫn về các dịch vụ, giải đáp các thắc mắc của khách trong suốt quá trình lưu trú tại khách sạn. Đa số khách có nhu cầu tham quan, mua sắm đều tìm hiểu thông tin qua lễ tân nên đội ngũ này là kênh quảng bá du lịch, tạo ấn tượng với khách rất hiệu quả. Nếu lễ tân thiếu chuyên nghiệp, luôn là những người mới vào nghề thì dịch vụ khó lòng chu đáo, hiệu quả, việc bán sản phẩm của khách sạn, quảng bá du lịch tỉnh nhà cũng sẽ không được như mong muốn.
Chưa được quan tâmVũ Thị Thuý (sinh năm 1989, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương) là một trong số ít nhân viên lễ tân lâu năm của Khách sạn Nam Cường. Trong 4 năm làm ở đây, Thuý đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác. Thuý cho biết: "Em ở thành phố nên gia đình, bạn bè đều khá thông hiểu về công việc lễ tân. Nhưng có nhiều bạn ở nông thôn, do mọi người chưa hiểu rõ về công việc này nên xì xào nọ kia khiến các bạn phải chịu áp lực về tâm lý, muốn chuyển qua làm nghề khác".
Bên cạnh nghề lễ tân chưa được hiểu đúng khiến người làm nghề không cảm thấy hào hứng thì còn có nhiều nguyên nhân khác khiến không ít người ngậm ngùi chuyển sang công việc khác. Đặc thù của nghề là phải có người trực 24/24 giờ nên các khách sạn thường chia thời gian làm việc của lễ tân làm 3 ca. Tất cả đều luân phiên làm các ca, trong đó có ca đêm. Thời gian làm việc ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ, nếp sinh hoạt của người làm nghề. Bên cạnh đó, công việc lễ tân đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhiều việc lặp đi lặp lại, nếu không có lòng yêu nghề thì dễ cảm thấy nhàm chán, không muốn gắn bó.
Đa số lễ tân là phụ nữ thường bỏ nghề khi lập gia đình vì không thu xếp được thời gian hợp lý và người bạn đời không thông cảm với công việc này. Cũng có những lễ tân nam làm việc lâu dài hơn nhưng số này rất hiếm.
Còn một nguyên nhân quan trọng nữa khiến các nhân viên lễ tân không mấy tha thiết với nghề là thu nhập không cao. Các khách sạn hiện nay thường trả lương "cứng" cho lễ tân từ 3-4 triệu đồng/tháng, cộng với thưởng doanh thu thì thu nhập cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi công việc đòi hỏi phải trau dồi kỹ năng liên tục, những người chưa được đào tạo trước đó thì phải học hỏi rất nhiều nên ít người hào hứng với công việc lâu dài.
Để xây dựng được đội ngũ lễ tân chuyên nghiệp, ổn định, hỗ trợ đắc lực cho ngành du lịch thì hơn lúc nào hết các cơ quan năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường quảng bá về du lịch tỉnh nhà; tạo các cơ hội việc làm để thu hút sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành. Các khách sạn cũng cần nâng cao chế độ đãi ngộ để giữ chân lễ tân khi họ đã làm việc thành thạo, chuyên nghiệp. Việc tăng cường tuyên truyền để đại bộ phận công chúng có nhận thức đúng đắn về nghề lễ tân cũng là một biện pháp cần thiết để dỡ bỏ rào cản tâm lý cho những người làm công việc này.
VIỆT HÒA