Theo hãng tin Reuters ngày 3.7, một hạm đội hải quân của Trung Quốc do tàu khu trục Nam Ninh dẫn đầu đã đến Nigeria trong chuyến thăm hiếm hoi của quân đội Trung Quốc tới bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi, nơi Bắc Kinh từ lâu đã nỗ lực mở rộng ảnh hưởng.
Theo một thông cáo, Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria, ông Cui Jianchun ca ngợi chuyến thăm kéo dài 5 ngày của nhóm tàu chiến trên là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Hải quân Nigeria bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các mối đe dọa an ninh hàng hải và duy trì ổn định ở Vịnh Guinea.
Trong một tuyên bố, hải quân Nigeria cho biết tàu khu trục Nam Ninh và tàu chiến Sanya, cùng với tàu tiếp tế Weishanhu đã đến cảng Lagos.
Tây Phi giàu dầu mỏ là một phần của Vịnh Guinea và là một nhà xuất khẩu dầu thô quan trọng trên toàn cầu. Vịnh Guinea, được Cơ quan Hàng hải Quốc tế mô tả là một trong những tuyến vận chuyển quan trọng và nguy hiểm nhất thế giới, có diện tích 11.000 km vuông và trải dài từ Angola đến Senegal.
Theo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kể từ năm 2021, các vụ cướp biển đã giảm nhờ sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và việc triển khai tàu hải quân nước ngoài.
Khu vực này, chủ yếu là Angola và Nigeria, là một trong những nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc. Công ty khai thác dầu mỏ lớn của Trung Quốc CNOOC cũng tham gia vào hoạt động sản xuất ở vùng biển sâu ngoài khơi bờ biển Nigeria.
Vào tháng 1 năm nay, Nigeria đã khai trương một cảng biển nước sâu trị giá hàng tỷ đô la do Trung Quốc xây dựng ở Lagos. Cảng nước sâu Lekki mới, một trong những cảng lớn nhất trong khu vực, trong đó Công ty Harbour Engineering thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và tập đoàn Tolaram có trụ sở tại Singapore có 75% cổ phần.
Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria Cui Jianchun gọi dự án này là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”.
Cũng có suy đoán rằng Vịnh Guinea có thể là địa điểm của một căn cứ cho quân đội Trung Quốc. Vào năm 2017, Trung Quốc đã mở căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, một trong những "nút thắt" quan trọng nhất của thế giới đối với thương mại hàng hải.
Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ở hầu hết các quốc gia châu Phi thông qua đầu tư, thương mại và cho vay.
Theo Báo tin tức