Hầm bi-ô-ga giảm ô nhiễm môi trường nông thôn

24/08/2012 08:32

Trong 10 năm qua, các hầm bi-ô-ga đã giúp xử lý một lượng lớn chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nguồn năng lượng sạch phục vụ cuộc sống...



Khoảng 50 hộ dân ở thôn Kinh Dương, xã Thái Dương (Bình Giang) có hầm bi-ô-ga.
Trong ảnh: Hầm bi-ô-ga của nhà chị Bùi Thị Hương tạo khí ga đủ đun nấu cho 2 gia đình


Thái Dương (Bình Giang) là một trong những xã có nhiều hầm bi-ô-ga nhất tỉnh. Theo chị Lê Thị Hưởng, khuyến nông viên cơ sở ở đây, toàn xã có khoảng 150 hầm bi-ô-ga. Chỉ tính riêng năm 2011, nhân dân trong xã đã xây 56 hầm mới.

Trực tiếp dẫn chúng tôi tới xem hầm bi-ô-ga ở góc vườn, chị Bùi Thị Hương ở thôn Kinh Dương cho biết: "Khi chưa làm hầm bi-ô-ga thì không thể đứng ở đây lâu được vì mùi hôi thối của phân lợn. Nhiều nhà gần đây nuôi lợn, chất thải xả ra gây ô nhiễm môi trường, nước giếng khoan cũng không dùng được. Vì sức khỏe chính mình, năm 2011, tôi đã làm 1 hầm bi-ô-ga. Từ đó môi trường sạch sẽ hơn, tôi còn có ga để đun nấu, mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 100 nghìn đồng".

Chị Hương nuôi 2 con lợn nái sinh sản. Tháng 8 năm ngoái, chị đầu tư 10 triệu đồng để xây 1 hầm bi-ô-ga có dung tích 12 m3, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,2 triệu đồng. Toàn bộ nguồn phân lợn được đổ vào hầm bi-ô-ga. Nước thải từ hầm bi-ô-ga xả ra môi trường đã được xử lý bảo đảm vệ sinh. Hầm bi-ô-ga còn sản sinh ra chất đốt đủ dùng cho nhà chị Hương và một hộ lân cận.

Hàng xóm của chị Hương là chị Tạ Thị Tưởng cũng có 1 hầm bi-ô-ga xây năm 2011 cho biết thêm: Một nhà chỉ cần nuôi 1 con lợn và tận dụng thêm các nguồn phân khác thì cũng có thể làm hầm bi-ô-ga để có chất đốt.

Nhà anh Nguyễn Xuân Hiệp nuôi 20-40 con lợn nái. Tháng 8-2011, anh đã làm 1 hầm bi-ô-ga 12 m3. Lượng khí ga sinh ra giúp gia đình anh đun nấu thoải mái và còn cho nhiều hộ dân lân cận dùng để đun nước. Tuy nhiên, do kích cỡ bể còn nhỏ, anh Hiệp dự tính sang năm sẽ làm tiếp 1 hầm bi-ô-ga nữa để xử lý nguồn phân, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Phong trào làm hầm bi-ô-ga không chỉ có ở xã Thái Dương mà còn ở rất nhiều địa phương khác. Anh Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho hay: "Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng người dân vẫn xây hầm bi-ô-ga... Bởi vì, hầm bi-ô-ga đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc sống”.

Tỉnh ta đã thí điểm xây hầm bi-ô-ga từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, do công nghệ chưa hoàn chỉnh và nhu cầu xử lý chất thải chăn nuôi chưa bức thiết nên những mô hình ban đầu chưa được nhân rộng. Năm 2001, mô hình bi-ô-ga dạng túi ni-lông xuất hiện ở nhiều địa phương. Hầm bi-ô-ga làm bằng vật liệu ni-lông, sau đó khí ga cũng được chứa ở các túi ni-lông treo trên trần nhà. Hầm bi-ô-ga dạng này có ưu điểm là thi công nhanh, giá thành rẻ, chỉ 500-800 nghìn đồng/hầm 10 m3. Tuy nhiên, loại này lại có nhiều nhược điểm như: vật liệu ni-lông dễ bị hỏng, dễ gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng. Do vậy, hầm bi-ô-ga dạng ni-lông không được tiếp tục sử dụng.

Năm 2003, tỉnh ta tham gia thực hiện dự án "Hỗ trợ khí sinh học cho ngành chăn nuôi" do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Lúc đầu, việc vận động nhân dân xây hầm bi-ô-ga cũng gặp nhiều khó khăn do đây là mô hình mới và nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân. Không ít ý kiến cho rằng, sử dụng khí ga từ hầm bi-ô-ga để đun nấu thì không vệ sinh. Nhờ sự thành công của các mô hình nên số hộ xây hầm bi-ô-ga ngày càng nhiều. Dự án hỗ trợ mỗi hầm bi-ô-ga 1,2 triệu đồng, người  dân phấn khởi đầu tư. Hệ thống khuyến nông trong tỉnh trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân xây hầm. Đa số các hộ làm hầm bi-ô-ga cỡ nhỏ, dung tích bể 10-50 m3, có dạng hình cầu. Các hộ tham gia dự án đều được tập huấn kỹ năng vận hành, bảo dưỡng công trình. Đến hết năm 2011, dự án "Hỗ trợ khí sinh học cho ngành chăn nuôi" kết thúc, toàn tỉnh đã làm được 6.260 công trình. Trong 2 năm 2011-2012, tỉnh ta tham gia dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học", sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Kết thúc dự án, tỉnh ta có thêm 838 hầm bi-ô-ga. Nét mới của dự án này là có thêm hầm bi-ô-ga hình cầu làm bằng vật liệu com-po-dít. Người dân chỉ cần mua hầm làm sẵn, không phải xây bằng gạch.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tính đến hết tháng 3-2012, toàn tỉnh có 12.758 hầm bi-ô-ga, trong đó 7.098 công trình thực hiện có sự hỗ trợ của 2 dự án trên và 5.660 công trình do người dân tự đầu tư toàn bộ kinh phí. Các địa phương có nhiều hầm bi-ô-ga là: Kim Thành 1.640 hầm, Nam Sách 1.553 hầm, Kinh Môn 1.444 hầm, Thanh Hà 1.426 hầm. Trong 10 năm qua, các hầm bi-ô-ga đã giúp xử lý một lượng lớn chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nguồn năng lượng sạch phục vụ cuộc sống. Trong khi đó, chi phí xây dựng hầm bi-ô-ga không nhiều. Mỗi m3 bể chỉ cần đầu tư 700-900 nghìn đồng. Qua quá trình vận hành, đến nay, chưa có trục trặc đáng kể xảy ra ở các hầm bi-ô-ga.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 61 nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, còn nhiều hộ dân có nhu cầu xây hầm bi-ô-ga. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2012, mặc dù không có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng đã có tới 281 hộ dân trong tỉnh tự đầu tư làm hầm. Nhiều hộ dân đã liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để hỏi về chính sách hỗ trợ khi làm hầm bi-ô-ga. Mặt khác, người chăn nuôi đang có xu hướng chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu dân cư. Năm 2011, toàn tỉnh có 23.407 hộ chăn nuôi gia trại, trang trại. Loại hình chăn nuôi này cần các hầm bi-ô-ga cỡ trung bình hoặc lớn. Tuy nhiên, phần lớn hầm bi-ô-ga ở tỉnh ta có cỡ nhỏ.

Nếu Nhà nước không có chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ khi xây hầm bi-ô-ga thì nhiều hộ dân vẫn tiếp tục làm vì nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp phong trào xây hầm càng lan tỏa mạnh mẽ hơn. Do vậy, tỉnh ta cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ làm hầm bi-ô-ga; có công nghệ xây hầm bi-ô-ga phù hợp với xử lý chất thải chăn nuôi ở các trang trại, gia trại, khu chăn nuôi tập trung.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hầm bi-ô-ga giảm ô nhiễm môi trường nông thôn