Môi trường

Hai tháng mưa lũ bất thường ở miền Bắc

T.H (theo VnExpress) 02/08/2024 21:40

Tháng 6-7, miền Bắc không quá nóng, tổng lượng mưa lớn hơn dự báo và nhiều kỷ lục mưa xuất hiện gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Sáng 24/7, nước từ sông Bùi tràn vào tổ dân phố Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Giang Huy
Sáng 24/7, nước từ sông Bùi tràn vào tổ dân phố Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ

Từ tháng 6, đang trong giai đoạn chính hè và chưa phải cao điểm mưa lũ (tháng 7-9), nhưng miền Bắc đã ghi nhận 12 ngày mưa lớn diện rộng vào hai đợt 4-10/6 và 23-27/6, tập trung ở các tỉnh phía Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tổng lượng mưa tháng 6 ở miền Bắc phổ biến 200-600 mm, cao hơn 40-80% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng ven biển Bắc Bộ nhiều nơi cao hơn 100%. Trước đó trong bản tin dự báo đầu tháng, cơ quan khí tượng nhận định tổng lượng mưa ở miền Bắc chỉ cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tháng 6 xác lập 13 kỷ lục mưa ngày và tổng lượng mưa tháng. Trong đó lượng mưa ngày lớn nhất là ở Tiên Yên (Quảng Ninh) 333 mm ngày 9/6, vượt mốc năm 2001 khoảng 84 mm. Kỷ lục mưa 180 mm ngày 24/6 tồn tại 50 năm ở Kim Bôi (Hòa Bình) bị phá vỡ với mốc mới 195 mm. Tại Quảng Hà (Quảng Ninh), tổng lượng mưa tháng 6 đạt 1.100 mm, vượt kỷ lục năm 1991 hơn 120 mm.

Trong bản tin dự báo khí hậu đầu tháng 7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định tháng này tổng lượng mưa trên cả nước xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, diễn biến một tháng qua đã cao hơn dự báo. Miền Bắc xuất hiện nhiều đợt mưa ngày 2-3/7 và 15-19/7 tại đồng bằng Bắc Bộ, trong đó ngày 18-19/7 mưa lan ra toàn miền. Hay đợt ngày 23-24/7, 29-31/7 mưa ở toàn miền Bắc và tiếp diễn đến đầu tháng 8.

Tổng lượng mưa tháng 7 ở Tây Bắc phổ biến 350-500 mm, có nơi trên 600 mm; Đông Bắc 250-500 mm, có nơi trên 600 mm; đồng bằng Bắc Bộ 350-600 mm, cao hơn trung bình nhiều năm 30-60%. Cá biệt trạm Hoài Đức (Hà Nội) mưa 685 mm, cao hơn 148%; Phủ Lý 638 mm, cao hơn 108 mm.

Tháng 7 ghi nhận 12 kỷ lục mưa ngày và tổng lượng mưa tháng. Trong đó, tổng lượng mưa tháng 7 ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) 950 mm, vượt kỷ lục năm 2015 khoảng 50 mm. Tại Sơn La, hai kỷ lục lượng mưa tháng tồn tại 30 năm bị phá vỡ là TP Sơn La gần 600 mm, vượt mốc năm 1994 khoảng 77 mm; Cò Nòi mưa 577 mm, vượt kỷ lục gần 140 mm.

Mưa nhiều khiến nền nhiệt độ tháng 6 và 7 đều thấp hơn so với trung bình 5 năm qua. Đơn cử nền nhiệt trung bình tháng 6 của trạm Láng (Hà Nội) giai đoạn 2019-2023 đều trên 31 độ C, nhưng năm nay chỉ 31 độ. Tháng 7 năm nay chỉ ngưỡng 30,5 độ C. Không quá nóng, nhưng thời tiết oi bức khó chịu do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm không lớn, độ ẩm không khí cao.

Cảnh sát cứu một người bị đất đá vùi lấp ở Hà Giang ngày 13/7. Ảnh: G.C
Cảnh sát cứu một người bị đất đá vùi lấp ở Hà Giang ngày 13/7

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lý giải tháng 6 mưa nhiều do rãnh gió mùa ở phía Bắc hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, khiến cho khu vực luôn tồn tại một dải mây đối lưu.

Sang tháng 7 xảy ra ba đợt mưa lớn do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc và Trung Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Đợt ngày 23-25/7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Prapiroon. Còn đợt đang diễn ra do rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp nằm trên Bắc Bộ phát triển từ mặt đất lên tới 5.000 m.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, phân tích theo quy luật khí hậu, mùa mưa ở Tây Bắc là tháng 4-9, Đông Bắc tháng 5-10, cả hai khu vực đều mưa lớn nhất trong ba tháng 6-8. Đồng bằng Bắc Bộ mùa mưa 5-10, ba tháng mưa lớn nhất 7-9. Do đó tháng 6-7 thuộc vào giai đoạn chính mùa mưa ở miền Bắc. "Mưa lũ tháng 7 có thể khốc liệt hơn năm 2023, chứ không hơn so với một số năm trước", bà Ngà nói.

Mưa lớn kích hoạt sạt lở đất, lũ quét

Tâm điểm mưa lũ, thiệt hại về người làHà Giang. Ngày 9-10/6, tại huyện Hoàng Su Phì, hai bố con đi qua suối bị cuốn tử vong, huyện Quản Bạ một phụ nữ chết do sạt lở đất. Tháng 7, Hà Giang ghi nhận 13 người chết do đất đá vùi lấp, trong đó 11 người ở vụ sạt lở quốc lộ 34.

Bão Prapiroon đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 23/7 sau đó gây mưa lớn cho hầu hết miền Bắc, làm 11 người chết, 5 người mất tích tại TP Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang. Trong đó, tại huyện Mai Sơn (Sơn La), đất đá đã sạt lở vào hai hộ gia đình khiến 4 người chết, 2 người mất tích. Tại Điện Biên, lũ ống rạng sáng 25/7 đã san phẳng 18 ngôi nhà, khiến 3 người chết, 4 người mất tích.

Máy móc tìm kiếm nạn nhân ở xã Mường Pồn, tỉnh Điện Biên. Ảnh: T.H
Máy móc tìm kiếm nạn nhân ở xã Mường Pồn, tỉnh Điện Biên

Những ngày cuối tháng 7, một rãnh áp thấp lại gây mưa diện rộng cho miền Bắc. Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết hiện đã ghi nhận 8 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất ở Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Ngoài các tỉnh trên, trong gần 2 tháng qua, các tỉnh thành như Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng xảy ra ngập úng cục bộ do mưa lớn cùng hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã gây chia cắt giao thông.

Tại Hà Nội, từ ngày 23/7 mưa xối xả kết hợp với lũ rừng ngang từ Ba Vì, Lương Sơn (Hòa Bình) đổ về khiến lũ sông Bùi lên vượt báo động ba khoảng 40 cm. Nước tràn qua đê hữu Bùi khiến 2.500 dân ở chuyện Chương Mỹ và Quốc Oai bị ngập suốt 10 ngày qua, buộc phải sơ tán.

Đến ngày 1/8, mức ngập ở khu dân cư vẫn là 0,5-1,5 m, trên cánh đồng 3-4 m, giảm khoảng 0,2-1 m so với lúc cao nhất. Đây là đợt ngập thứ tư trong 15 năm qua ở Hà Nội, sau các đợt tháng 10-11/2008, tháng 10/2017, tháng 7/2018.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai tháng mưa lũ bất thường ở miền Bắc