Tính tới thời điểm này, số lượng hài Tết trình làng không nở rộ như năm trước nhưng vẫn được đánh giá là đa dạng để khán giả có nhiều sự lựa chọn.
Đoàn làm phim “Đại gia chân đất 10” ở di tích Côn Sơn
Đa dạng
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, khán giả lại ngóng đợi các sản phẩm hài Tết để có được tiếng cười vui vẻ. Năm nay không có chương trình “Táo Quân” phát vào đêm giao thừa nên mối quan tâm càng đổ dồn vào các sản phẩm hài Tết. Trong khi phim điện ảnh chiếu Tết vẫn còn là một ẩn số thì các sản phẩm hài đã rục rịch được phát hành trên YouTube. Đến nay đã có: Giấc mộng quan trường, Đại gia chân đất 10, Tết vui phết - Mr. Lù 3, Tết ơi là Tết, Làng ế vợ 6, Tết toang… trình làng.
Các sản phẩm đều cố gắng xoáy sâu, phản ánh những sự kiện thời sự nổi cộm xảy ra trong năm nhưng hiệu ứng từ dư luận lại chưa được như mong đợi. Đơn cử “Đại gia chân đất 10” vẫn tiếp tục mạch câu chuyện của hai anh nông dân “chân đất” tên là Tích và Sự, luôn tự cho mình là đại gia nên có những phi vụ ăn chơi trác táng.
Năm nay, phim có sự đầu tư hơn hẳn các phần trước bởi có lồng ghép chuyện “Táo Quân” vào tác phẩm. Theo đó, các vấn đề thời sự cũng được khéo léo đưa vào câu chuyện như ngộ độc rượu, trao nhầm con, xả rác gây ô nhiễm môi trường, tình nghĩa vợ chồng, anh em rạn vỡ… Bối cảnh Thiên Đình được ghi ở di tích Côn Sơn của Hải Dương với cảnh sắc tuyệt đẹp. Nhưng khi phát hành cảnh sắc này cũng không thể cứu được nội dung bị xem là nhàn nhạt của sản phẩm.
“Giấc mộng quan trường” cũng cố gắng đề cập đến những vấn đề nóng như cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, nước sông Đà nhiễm bẩn, bụi mịn đầu độc không gian sống, sàm sỡ trong thang máy bị phạt 200.000 đồng… Thông qua các sự kiện này, sản phẩm đưa đến thông điệp phê phán thói hư tật xấu của các bậc quan tham trong xã hội phong kiến, hám danh, hám lợi, bị cám dỗ bởi đồng tiền.
Đây cũng là sản phẩm hài duy nhất được làm theo lối dân gian, kỳ vọng sẽ thay thế “vua hài đất Bắc” - cố đạo diễn Phạm Đông Hồng. Nhưng khi phát hành, khán giả đánh giá vẫn chỉ dừng ở mức xem được. Còn các sản phẩm như Tết vui phết - Mr. Lù 3, Tết ơi là Tết, Làng ế vợ 6, Tết toang… vẫn bị chê nhảm và nhạt.
Niềm an ủi hiện tại của khán giả là trông chờ vào chương trình “Gặp nhau cuối năm 2020” thay thế cho Táo Quân và các phim Tết ở thể loại điện ảnh sẽ ra rạp trong dịp này như 30 chưa phải Tết (đạo diễn Nguyễn Quang Huy), Đôi mắt âm dương (đạo diễn Nhất Trung), Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình)…
Cần hướng đi đúng đắn
Nếu trước đây, chương trình hài Tết được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và khắt khe trong thiết kế bối cảnh, phục trang, chỉn chu trong xây dựng kịch bản, mỗi sản phẩm là một thông điệp ý nghĩa gửi gắm đến người xem thì giờ đây, hài Tết đa phần là những sản phẩm bị chê nhạt và dung tục. Hình ảnh các diễn viên ăn mặc hở hang, khoe cơ thể, thậm chí còn xuất hiện những cảnh nhạy cảm, khiến khán giả “tái mặt” khi xem.
Chưa kể, nhan nhản hình ảnh sản phẩm quảng cáo của nhà tài trợ là các doanh nghiệp xuất hiện lộ liễu. Sau khi các sản phẩm phát hành, nhiều khán giả đã phải thốt lên tiếc nuối khi không còn được xem những sản phẩm như Râu quặp, Thầy Rởm, Chôn Nhời… mà cố đạo diễn Phạm Đông Hồng từng làm.
Phải thừa nhận, sau hơn 2 năm cố đạo diễn Phạm Đông Hồng mất đi, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, công chúng lại nhớ đến ông với nhiều tiếc nuối. Bởi thiếu ông, làng hài khuyết hẳn một phong vị hài. Đó cũng là lý do hai năm trở lại đây, sản phẩm hài ngày càng trở nên nhạt nhòa. Mỗi sản phẩm hài được sản xuất, thông thường các nhà sản xuất tìm Mạnh Thường Quân tài trợ nên việc xuất hiện trong sản phẩm là có.
Tuy nhiên, việc này lại đang bị lạm dụng, coi đây là chuyện đương nhiên để nhà sản xuất có thêm kinh phí. Còn nhớ lúc sinh thời, đạo diễn Phạm Đông Hồng kể nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ tiền để diễn viên trong phim quảng cáo sản phẩm của họ, nhưng ông đều từ chối. Bởi ông làm phim hài Tết để thỏa mãn tình yêu nghệ thuật chứ không chịu bị chi phối bởi doanh nghiệp. Ông bảo làm phim dân gian khó về bối cảnh, kinh phí đầu tư nhưng nếu ai cũng né tránh thì những thế hệ sau này làm sao biết được thế nào là con trâu, sân đình, giếng nước...?
Rõ ràng dù là hài Tết được tạo ra với mục đích gợi tiếng cười nhưng không đồng nghĩa với việc được phép dễ dãi. Nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng xin công chúng đừng “soi mói” vì chỉ là sản phẩm mua vui ngày Tết nhưng những sản phẩm này động chạm đến nhận thức của nhiều tầng lớp khán giả. Nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉ có những sản phẩm hài nhảm, khoe cơ thể và quảng cáo quá lộ liễu thì sẽ không nhận được sự ủng hộ từ người xem.
Điều này đã được đạo diễn trẻ Linh Đồng nhận định: “Gu thưởng thức các sản phẩm hài của khán giả ngày càng cao nên nếu các nhà sản xuất chỉ chăm chăm làm những sản phẩm nhạt, câu view bằng các hình ảnh phản cảm, bằng hot boy, hot girl khoe mông, khoe ngực thì sớm muộn gì khán giả cũng sẽ quay lưng với hài Tết”.
HUYỀN ANH