Ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh khẳng định Hải quan ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã làm đúng quy trình kiểm tra.
Thông tin trên được ông Thông đưa ra sáng 2-12, tại cuộc gặp mặt báo chí liên quan đến vụ vận chuyển 600 bánh heroin (nặng 230 kg) từ sân bay Tân Sơn Nhất và bị bắt giữ ở Đài Loan.
|
“Do làm đúng quy trình nên chúng tôi chưa kỷ luật ai. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chờ kết quả điều tra cuối cùng để xem xét việc kỷ luật. Chưa kể vụ này đã được Phó Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm”, ông Thông khẳng định.
Hàng thuộc “luồng xanh” nên không kiểm tra
Sau khi sự vụ xảy ra, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã làm rõ vụ việc. Ông Thông cho biết lô hàng có chứa 600 bánh heroin thuộc vào “luồng xanh”, tức là chỉ làm thủ tục chứ không phải kiểm tra (kể cả kiểm tra bằng máy hải quan - PV).
“Đối với lô hàng này khi thuộc vào luồng xanh, doanh nghiệp tự làm tờ khai, hải quan đối chiếu thông tin rồi cho thông quan ngay chứ không qua bất cứ thủ tục kiểm tra nào. Chưa kể đây lại là lô hàng xuất khẩu”, ông Thông nói.
Ông Thông lý giải thêm, theo quy định hiện nay lô hàng thuộc vào “luồng vàng”, “luồng đỏ” hay “luồng xanh có điều kiện” thì hải quan mới kiểm tra kỹ còn thuộc vào “luồng xanh” thì chỉ phải làm thủ tục chứ không phải kiểm tra kỹ.
Trong vụ này hải quan có dùng chó nghiệp vụ để kiểm tra hay không? Ông Thông trả lời hải quan chỉ sử dụng chó nghiệp trong những vụ trọng điểm, còn đối với vụ này do thuộc vào lô hàng “luồng xanh” nên hải quan không sử dụng chó nghiệp vụ.
Lô hàng này trước khi lên sân bay được dán nhãn hàng nguy hiểm, tại sao không kiểm tra kỹ? Ông Thông giải đáp trong tờ khai đăng ký thủ tục không có mục này nên doanh nghiệp không khai báo. Mà việc dán nhãn hàng nguy hiểm chỉ được thực hiện sau khi đã thông quan và do cơ quan an ninh ở sân bay thực hiện.
Vì sao phía Đài Loan không phối hợp?
Phóng viên đặt câu hỏi việc phá án vận chuyển ma túy giữa hai nước liên quan thường do các nhà chức trách hai nước phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, trong vụ này, Đài Loan theo dõi từ trước sao không phối hợp với hải quan và nhà chức trách Việt Nam thực hiện phá án. Theo một số thông tin thì đã có một số vụ tương tự lọt lưới nên Đài Loan không tin tưởng Hải quan Việt Nam, ở đây là Hải quan TP Hồ Chí Minh. Hiện Hải quan TP Hồ Chí Minh đã có yêu cầu Đài Loan phối hợp điều tra chuyên án này hay chưa?
Ông Thông cho hay từ sau khi vụ việc xảy ra, Đài Loan không hề có thông tin gì với Hải quan TP Hồ Chí Minh. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị phía bạn cung cấp thông tin nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
“Còn việc tại sao họ biết, theo dõi trong một thời gian dài nhưng không phối hợp cho mình thì chúng tôi đang tìm hiểu. Cũng có thể do họ đang điều tra bí mật nên không thông báo. Việc bắt giữ, khởi tố về phía Việt Nam cũng còn phụ thuộc vào kết quả điều tra”, ông Thông nói.
Liên quan đến việc xử lý kíp trực để xảy ra vụ việc hay những người có liên quan, ông Thông cho hay do lô hàng được kiểm tra đúng quy trình (ở đây là quy trình kiểm tra lô hàng thuộc “luồng xanh” - PV) và chưa phát hiện sai phạm của nhân viên hải quan nên chưa kỷ luật đối với ai.
“Còn an ninh sân bay xử lý kỷ luật 4 nhân viên vì họ thấy rằng tất cả các lô hàng sau thông quan đều phải soi chiếu an ninh mà vẫn lọt thì họ kỷ luật, đây là việc của an ninh”, ông Thông nói.
Tuy nhiên ông Thông khẳng định Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm nhân viên dưới quyền nếu cơ quan công an kết luận điều tra có dính líu.
TRUNG HIẾU (Thanh niên)