Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị hai bệnh nhân sốt rét đều trở về từ Angola (châu Phi).
Bệnh nhân nam 38 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, sống tại Angola 12 năm, về nước được một tuần. Năm ngày trước khi vào viện, anh sốt cao ngày hai cơn và thường sốt vào buổi chiều, rét run, đau đầu, đi tiểu buốt, tiêu chảy. Cơ sở y tế địa phương không phát hiện ra bệnh, anh đến Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, sau đó tình trạng nặng lên nên được chuyển ra Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ khai thác yếu tố dịch tễ kết hợp xét nghiệm máu, phát hiện bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.
Bệnh nhân thứ hai là nữ, 32 tuổi, mang thai tháng thứ 6, quê Hà Nội đi lao động tại Angola 8 năm và về nước cũng một tuần. Chị từng bị sốt rét vào năm 2021. Lần này ba ngày trước khi vào viện, chị sốt cao, rét run thành cơn, vã mồ hôi, nôn, buồn nôn, đau đầu. Chị đến phòng khám tư, sau đó chuyển vào Viện Sốt rét - Ký sinh trùng côn trùng Trung ương xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán sốt rét. Bệnh nhân mang thai, bị hạ tiểu cầu nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới theo dõi.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, ngày 1/6 cho biết những năm qua Việt Nam đã kiểm soát khá thành công bệnh sốt rét, chỉ còn xuất hiện ở một số tỉnh Tây Nguyên và phía Nam. Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc hầu như không còn bệnh nhân sốt rét. Điều này dẫn đến việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca sốt rét từ nước ngoài trở về còn khó khăn và dễ bị bỏ sót. Đặc biệt, sau đại dịch, các hoạt động giao thương đã trở lại, bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp sốt rét từ nước ngoài về, còn gọi là sốt rét "nhập khẩu".
"Hai bệnh nhân trên bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế ở địa phương không phát hiện ra, không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ châu Phi", bác sĩ nói. Các triệu chứng ban đầu không điển hình, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết, hay nhiễm trùng tiết niệu...
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền chủ yếu qua muỗi Anopheles. Biểu hiện ban đầu của bệnh là rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi. Nhiều trường hợp sốt rét không có cơn sốt điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy ớn lạnh hoặc gai rét. Sốt rét nếu chẩn đoán chậm trễ, có biến chứng nguy hiểm như hôn mê, suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi...) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết.
Bác sĩ khuyến cáo người từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không để khai báo y tế. Khi có biểu hiện sốt, người bệnh cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót.
Bệnh sốt rét nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Các thuốc chữa sốt rét hiện nay có sẵn (Artesunate, Arterakin) được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình. Tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine đầu tiên ngăn ngừa bệnh sốt rét, có thể cứu mạng hàng nghìn trẻ em mỗi năm.
Theo VnExpress