So với tỏi trắng được sử dụng phổ biến, tỏi tía và tỏi lào quý hiếm hơn, được dùng làm bài thuốc chữa bệnh trong Đông y.
Tỏi tía
Tỏi tía hay còn gọi là tỏi cổ cứng, thường có nhánh đều nhau, bao phủ bởi những dải màu tía. Nhờ có sắc tố "anthocyanidin" mà giống tỏi này có màu tía. Ở Tây Ban Nha, tỏi tía được dùng để nêm gia vị cho các món bánh mì, mì, pizza, các món chính, súp hay các món phụ. Món khoai tây quay tỏi tía ăn kèm cây hương thảo rất nổi tiếng đối với những người sành uống rượu khắp thế giới. Tỏi tía còn dùng làm gia vị trong kem vani. Ở Việt Nam, nhờ khí hậu nóng ẩm việc trồng tỏi tía chất lượng cao hơn hẳn so với tỏi tía trồng ở nhiều nước khác.
Nhờ có sắc tố "anthocyanidin" mà giống tỏi có màu tía. Ảnh: Exporters India |
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Đông y coi tỏi tía là một trong những loại thực phẩm dinh dưỡng tốt nhất. Nếu tỏi trắng (tỏi cổ mềm) được trồng khắp nơi, thì tỏi tía (tỏi cổ cứng) hiếm hơn. Mùi và vị của tỏi trắng rất mạnh, song vị ngọt của tỏi tía lại có thể giữ lại ngay cả sau khi được nấu chín.
Tỏi tía có vị ngọt, cay, tính ôn, tác dụng giải độc, sát trùng, tẩy uế, hạ khí, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đờm tích, trừ giun, chủ trị đầy trướng, đại tiện khó khăn, tả, lỵ.
Lương y cho biết, ăn tỏi tía thường xuyên làm tăng tiết insulin, giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Tỏi tía giàu germanium và selen nên ngăn chặn được sự tổng hợp nitrosamin (tác nhân gây ung thư). Ngoài ra trong tỏi tía còn có allicin là hoạt chất ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Ăn tỏi tía thường xuyên, giúp các thực bào khỏe, tăng cường miễn dịch chống ung thư.
Ngoài ra, tỏi tía tươi rất giàu chất chống oxy hóa nên giảm được nếp nhăn, giảm những chất béo xấu trong máu, ngăn chặn các bệnh động mạch vành tim, xơ vữa động mạch. Allicin trong tỏi có khả năng chống kích ứng, nên có khả năng ngăn ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp. Chất ally sulfide trong tỏi có khả năng chống vi khuẩn cryptosporidium nên phòng các mầm bệnh và ký sinh trùng trong cơ thể.
Người âm hư, nội nhiệt, thai sản, đậu chẩn, đau mắt, răng, cổ, lưỡi, không nên dùng tỏi.
Để tận dụng ưu điểm của tỏi tía, trước đây người ta thường trích xuất làm dầu tỏi tía. Ngày nay với công nghệ hiện đại, con người tận dụng tỏi tía để sản xuất tỏi đen bằng cách lên men. Tỏi đen khi đó vừa giữ được các tinh chất có trong tỏi tươi, vừa tăng được hàm lượng allicin và germanium, tăng gấp đôi chất chống oxy hóa anthocyanidin, lại rất dễ ăn và ngon miệng. Nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào và được sản xuất tại chỗ nên giá thành của tỏi đen trong nước cũng rất phải chăng, lý tưởng dùng lâu dài để trị bệnh trong gia đình.
Tỏi lào
Tỏi lào hay còn gọi là sâm đại hành, tỏi đỏ, tỏi mọi, phong nhan, hom búa lượt (Thái), thuộc họ Lá đơn. Thân hành giống như củ hành, nhưng dài hơn và ngoài phủ vảy màu nâu đỏ đậm, phía trong màu hồng hay đỏ nâu. Lá hình mác, gân lá song song chạy dọc, tựa như lá cau non (có người gọi là sâm cau, trùng tên với cây Curculigo orchioldes Gaertn). Hoa vàng mọc thành chùm, quả nang, nhiều hạt.
Tỏi lào mọc hoang và được trồng lấy thân hành (củ) ăn và làm thuốc, trồng bằng thân hành như trồng hành, tỏi vào mùa đông xuân. Cây này được phát hiện mọc hoang nhiều ở Sơn la, Đăk Lăk, hiện trồng rộng rãi ở nhiều nơi. Khi cây đã tàn lụi thì đào lấy củ, bỏ những lớp vỏ xác, rửa sạch, bóc tách lấy những vảy bên trong, thái dọc, phơi, sấy khô, dùng làm thuốc.
Tỏi lào (sâm đại hành) được ứng dụng vào các bài thuốc trị mụn nhọt, chốc lở, đau lưng... Ảnh: Steemit |
Lương y Sáng cho biết tỏi lào có vị đắng, mùi hơi hắc, tính bình, tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, hành huyết, tiêu độc, chủ trị viêm họng, viêm phổi, viêm amidan, mụn nhọt sưng tấy, phong tê thấp. Người có máu nóng, cơ địa dị ứng không dùng.
Một số bài thuốc từ tỏi lào:
Tỏi lào cùng sài đất, cỏ nhọ nồi sắc uống chữa các bệnh viêm họng, viêm phổi, viêm amidan. Tỏi lào cùng sài đất, bồ công anh sắc uống chữa mụn nhọt sưng tấy. Tỏi lào kết hợp với bồ cốt toái và cẩu tích ngâm uống dần trị phong thấp.
Theo VnExpress