Yêu thích các môn khoa học tự nhiên lại sinh hoạt trong Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học của Trường THPT Nam Sách nên Nghĩa và Bảo luôn ấp ủ sẽ có những đóng góp vào phong trào chung của trường.
Hai em Lê Quang Nghĩa và Ngô Gia Bảo cùng cô Nguyễn Thị Lý (3 người bên phải) làm thực nghiệm tại Học viện Quân y
Hai học sinh Lê Quang Nghĩa và Ngô Gia Bảo, lớp 11A, Trường THPT Nam Sách vừa giành giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm học 2021-2022 với Dự án “Nghiên cứu hiệu quả của thuốc Alpha - Chymotrypsin làm giảm độc tính của nọc độc rắn cạp nia Bắc trên thỏ thực nghiệm”.
Yêu thích các môn khoa học tự nhiên lại sinh hoạt trong Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học của Trường THPT Nam Sách nên Nghĩa và Bảo luôn ấp ủ sẽ có những đóng góp vào phong trào chung của trường. Gia đình vốn có truyền thống làm nghề y, sinh sống ở nông thôn, nhiều lần Nghĩa chứng kiến cảnh người dân bị rắn độc cắn nhưng không được cứu chữa kịp thời dẫn đến tử vong nên em luôn ấp ủ tìm ra bài thuốc chữa rắn cắn hiệu quả. Nghĩa đã chia sẻ ý tưởng này với Bảo. Hai em bàn bạc, tìm hiểu thêm một số thông tin về phương pháp chữa rắn cắn và trình bày với cô giáo Nguyễn Thị Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ý tưởng của 2 em đã được cô Lý và lãnh đạo Trường THPT Nam Sách đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ thực hiện dự án.
Khi bắt tay thực hiện, khó khăn nhất của 2 em là thiếu nguồn nọc và thiết bị kỹ thuật nghiên cứu. Cô Lý đã giúp các em kết nối với các nhà khoa học, bác sĩ đầu ngành về chống độc ở Bệnh viện Bạch Mai, Học viện Quân y... nhằm tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, sử dụng phòng thí nghiệm.
Để có nọc độc, Nghĩa và Bảo được các nhà khoa học kết nối, đưa đến làng chuyên nuôi rắn ở Vĩnh Phúc lấy nọc, hướng dẫn pha chế với tỷ lệ phù hợp, chuẩn xác trước khi sử dụng. 30 con thỏ cũng được mua, nuôi dưỡng cẩn thận để thực nghiệm. Hai em chia thỏ làm 6 nhóm để nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu khẳng định liều thuốc Alpha - Chymotrypsin từ 5.000-10.000UI có tác dụng cứu sống thỏ, việc trộn thuốc và nọc độc đã làm giảm hoặc mất độc tính của nọc và thỏ không chết…
Dự án “Nghiên cứu hiệu quả của thuốc Alpha - Chymotrypsin làm giảm độc tính của nọc độc rắn cạp nia Bắc trên thỏ thực nghiệm” đã được Hội đồng Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm học 2021-2022 đánh giá là đề tài khoa học đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới thử nghiệm thành công thuốc Alpha - Chymotrypsin trên thỏ được gây độc bằng nọc rắn cạp nia Bắc. Nghiên cứu của các em và nhóm hỗ trợ có thể sẽ mở ra một phương pháp điều trị rắn cạp nia Bắc cắn mới đơn giản, hiệu quả, có thể áp dụng được cho nhiều tuyến y tế, người dân…
Để có được thành công này, Nghĩa và Bảo cùng cô Lý đã phải trải qua hơn 1 năm nghiên cứu với nhiều vất vả. Em Nghĩa cho biết mỗi lần làm thực nghiệm, các em cùng với cô giáo phải sắp xếp công việc, bố trí thời gian cho hợp lý, đồng thời tính toán phù hợp để giảm tốn kém chi phí mua vật tư thử nghiệm.
Nói về dự định trong tương lai, hai em sẽ tiếp tục nghiên cứu tác dụng của thuốc Alpha - Chymotrypsin ở các khoảng thời gian khác nhau sau tiêm nọc. Nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế tác dụng của thuốc Alpha - Chymotrypsin với nọc độc rắn cạp nia… Cả 2 em cùng có ước mơ sau này tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu khoa học để tìm hiểu chuyên sâu về các lĩnh vực, đặc biệt là khoa học sức khỏe.
THANH HÀ