Từ lâu, Hải Dương được biết đến là vùng đất đa dạng sinh học vì có vùng núi, trung du và đồng bằng.
Đảo cò (xã Chi Lăng Nam) là điểm hội tụ của sự đa dạng sinh học vùng đất ngập nước
Miền núi có cả vùng rừng núi đất ở TP Chí Linh và vùng rừng núi đá vôi ở huyện Kinh Môn. Vùng trung du ở phía nam TP Chí Linh và Kinh Môn với nhiều đồi thấp xen kẽ sông ngòi. Vùng đồng bằng có nhiều sông ngòi quần tụ, thực chất là vùng đất ngập nước - nơi giàu tài nguyên động, thực vật. Hải Dương chỉ thiếu vùng ven biển, nhưng thay vào đó có vùng nước lợ với nguồn tài nguyên độc đáo như rươi, cáy, cà ra, cói... ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành.
Vùng đồng bằng như Bình Giang, Cẩm Giàng có sông Sặt chảy qua, với các đặc sản mà người dân truyền tụng "hến cầu Tre, cá mè Lai Cách". Tôm cá trên sông nhiều đến mức nuôi sống cả một làng chài Kim Lai xưa, cả đời chỉ sống lênh đênh trên sông nước. Gần đây, người dân còn phát hiện ở đoạn sông Sặt chảy qua thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) 2 loài trai cánh quí hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam, có thể nuôi lấy ngọc.
Cẩm giàng tên cũ là Cẩm Giang - nghĩa là có sông tô điểm đẹp như gấm, rất giàu tôm cá. Một thời, cứ có xe lửa chạy qua, đỗ ở ga Cẩm Giàng là bà con mang đủ loại tôm, cá tươi, đặc biệt rất nhiều cá quả, đặc sản của vùng đất ngập nước ra bán cho khách đi tàu. Nơi đây cũng có nhiều lúa gạo, có thời thân nhân của nhà văn Nhất Linh đã từng thu mua lúa gạo về ga Cẩm Giàng rồi chở về Hải Phòng để xuất bán ra nước ngoài.
Kim Thành, Tứ Kỳ và Thanh Hà là 3 huyện đồng bằng trồng nhiều lúa. Gạo nếp nơi đây từng tạo nên loại bánh chưng nổi tiếng. Cả 3 huyện đều có nguồn nước lợ giàu tôm cá, đặc biệt rất nhiều tôm, tép, cà ra, cáy và đặc sản là ruốc và rươi. Vùng đất Thanh Hà còn được trời ban cho cây vải thiều đặc sản nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Chùa Thanh Mai (TP Chí Linh) có một rừng cây cổ thụ, đặc biệt có cây sau mùa đông lá đỏ rực như cây phong phương Bắc và cây tu hú hằng trăm năm tuổi, vốn là tổ tiên của cây vải Thanh Hà ngày nay. Rừng Chí Linh xưa có đủ các loài động vật không thua kém gì rừng Cúc Phương như: hổ, báo, gấu lợn, gấu ngựa...; nhiều loài chim quý như công, trĩ, gà sao... Đặc biệt, rừng Chí Linh có nhiều cây thuốc Nam, xưa kia đã cung cấp cho vườn thuốc Dược Sơn thời Trần để chữa bệnh cho quân sĩ và nguời dân. Nơi đây còn lưu giữ nguồn gen của nhiều cây thuốc quý...
Ninh Giang, Gia Lộc và Thanh Miện nằm trên lưu vực sông Luộc là vùng ngập nước điển hình. Sông ngòi ao hồ nơi đây giàu tôm cá. Đặc biệt, vùng tây Thanh Miện liên quan đến vùng sình lầy bãi Sậy xưa kia, ngay dưới ruộng sâu còn nhiều lươn, chạch tự nhiên. Do đó, chim nước và chim di trú rất phong phú. Đảo cò ở xã Chi Lăng Nam là một điểm hội tụ của sự đa dạng sinh học vùng đất ngập nước như thế.
Kinh Môn là một vùng có hệ sinh Thái núi đá vôi. Nếu giữ được nguyên vẹn rừng nguyên sinh nơi đây thì hệ động, thực vật không thua kém rừng quốc gia Cúc Phương vì cùng là rừng trên núi đá vôi. Kinh Môn còn là một vùng đảo với 6 xã nằm cách biệt hẳn với phần còn lại của huyện và có núi đá vôi dày đặc nên cây gỗ quý và cây thuốc rất phong phú. Cuối thế kỷ 20, nơi đây có tới 3 loài khỉ, gồm: khỉ vàng, khỉ cộc và khỉ đuôi lợn sinh sống trên những dãy núi đá vôi. Tuy nhiên, do không được bảo vệ kịp thời và khai thác đá làm xi măng nên hệ sinh thái đã cạn dần. Hiện nay, chỉ còn 19 cá thể khỉ đang được nuôi dưỡng trong nhà lồng do quỹ "Chăm sóc loài vật châu Á" tài trợ, được đặt tại chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân.
Tính đa dạng sinh học luôn chịu tác động của con người. Nếu tác động tiêu cực chúng sẽ mất dần và có thể biến mất vĩnh viễn. Nếu biết gìn giữ và bảo vệ, chúng sẽ tồn tại và phát triển mãi mãi.
NGUYỄN VĂN KHANG