Phát triển giao thông xanh được coi là "chìa khóa", giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững. Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều hành động để hiện thực hóa chiến lược giao thông xanh.
Mục tiêu lớn
Ngày 23/5/2023, UBND tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Trong đó, Hải Dương xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050, kế hoạch được xây dựng theo lộ trình gồm 2 giai đoạn: từ năm 2022-2030 và từ năm 2031-2050 gồm 4 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giao thông đô thị.
Cụ thể về đường bộ, giai đoạn 2022 – 2030, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sử dụng xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2050, tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh...
Về đường sắt, khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh. Về đường thủy nội địa, giai đoạn 2022 – 2030, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2040, 100% phương tiện thủy nội địa đóng mới sử dụng điện, năng lượng xanh, tất cả các cảng thủy nội địa xây dựng mới áp dụng tiêu chí cảng xanh.
Về giao thông đô thị, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 5%. Từ năm 2030, phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh...
Từng bước thực hiện
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu giao thông xanh, ngành giao thông vận tải Hải Dương đã triển khai nhiều phần việc. Từ năm 2012 đến cuối năm 2022, ngành đã tổ chức trồng gần 94.400 cây xanh hai bên các đường tỉnh để tạo bóng mát, cảnh quan xanh, giúp thanh lọc không khí, giảm ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình thi công các công trình giao thông, ngành giao thông ứng dụng các vật liệu thân thiện môi trường như vật liệu composite, sử dụng cấu kiện bê tông đúc sẵn bằng việc phối trộn bê tông trực tiếp tại công trường… Ngoài ra, thay thế hệ thống chiếu sáng đường giao thông từ đèn sợi đốt bằng đèn LED, chiếu sáng thông minh giúp tiết kiệm điện, thân thiện môi trường.
Từ ngày 26/10, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM chính thức ra mắt dịch vụ taxi xanh SM tại Hải Dương với 95 xe VF5 và VFe34. Hải Dương là tỉnh thứ 19 trên cả nước triển khai dịch vụ này. Sự hiện diện của taxi Xanh SM mang đến phương thức di chuyển bằng taxi điện văn minh, không tiếng ồn, không mùi xăng dầu, không phát thải, giảm thiểu tác hại cho sức khỏe của người dùng và thân thiện môi trường.
Ngoài ra, từ đầu tháng 10, ô tô điện mini Wuling Hongguang (của Trung Quốc) bán chạy nhất thế giới cũng đã có mặt tại Hải Dương và đã có những khách hàng Hải Dương mua xe.
Các trạm sạc điện cũng được lắp đặt ngày càng nhiều ở Hải Dương. Theo số liệu tổng hợp từ Showroom VinFast Bình Bảo Minh (Ngô Quyền, TP Hải Dương) cập nhật đến ngày 13/10, toàn tỉnh hiện có 20 trạm sạc ô tô điện VinFast đang hoạt động. Trong đó, TP Hải Dương nhiều nhất với 7 trạm, 31 cổng sạc; xếp thứ 2 là TP Chí Linh với 5 trạm, 15 cổng sạc; thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Nam Sách, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thanh Hà mỗi nơi có 1 trạm sạc. Dự kiến, đến cuối năm 2023, VinFast sẽ đưa vào hoạt động thêm 14 trạm sạc khác trên địa bàn TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Gia Lộc, Nam Sách, Tứ Kỳ, Bình Giang, Ninh Giang.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng - một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và xe tuyến cố định, để thực hiện được mục tiêu giao thông xanh đòi hỏi một lộ trình dài. Trên thực tế, hiện nay hầu hết số phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn Hải Dương vẫn sử dụng động cơ diesel. Từ sau dịch Covid-19, ngành vận tải hành khách đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, có nguy cơ phá sản nên để có thể chuyển đổi sang xe buýt điện không phải là điều đơn giản.
Muốn làm được điều này cần cụ thể hóa các giải pháp về chính sách; chuyển đổi phương tiện, năng lượng xanh; phát triển hạ tầng bến xe, trạm dừng chân, trạm sạc điện… để người dân, doanh nghiệp không ngần ngại khi chuyển đổi sang giao thông xanh, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.
HN