Hải Dương: Thi đua tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội

30/09/2020 06:01

5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái trao bằng khen của Tỉnh ủy cho các bí thư chi bộ có thành tích tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của chi bộ thôn, khu dân cư giai đoạn 2015-2019 (ảnh tư liệu)

Giai đoạn 2015-2020, với quyết tâm cao, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Hải Dương không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước (TĐYN), nỗ lực giành nhiều kết quả quan trọng, đưa tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là bước đầu quyết liệt phòng chống thành công đại dịch Covid-19.

Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện sôi nổi 5 nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội TĐYN toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và 4 phong trào thi đua trọng tâm “Chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Các phong trào thi đua được gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thu hút các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng.

Các phong trào TĐYN phát triển mạnh mẽ đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đưa toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Phong trào TĐYN trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng. Tiêu biểu là các phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, chuyển dịch sản xuất sang mô hình tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng tiến bộ mới trong sản xuất, cơ giới hóa ở hầu hết các khâu.

Đạt kết quả rõ rệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Kết cấu hạ tầng KTXH thiết yếu ở cấp xã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất; thu nhập và đời sống của nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên. Toàn tỉnh đã có 165 trong tổng số 178 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 92,7%. Bình quân mỗi xã trong tỉnh đã đạt 18,84 trong tổng số 19 tiêu chí. Có 8 địa phương cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là thị xã Kinh Môn, TP Chí Linh, TP Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc; 4 huyện còn lại là Thanh Hà, Ninh Giang, Kim Thành và Tứ Kỳ đang hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu về đích NTM trong năm nay.

Các lĩnh vực công thương, xây dựng, giao thông vận tải ngày càng có nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao. Tiêu biểu như phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp.

Phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong ảnh: Công ty TNHH Long Hải được Hội đồng thương hiệu quốc gia (Bộ Công thương) chứng nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia giai đoạn 2018 - 2020

Các phong trào thi đua trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ, du lịch đã góp phần tạo mức tăng trưởng khá, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các phong trào thi đua đã góp phần phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thi đua nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về nông thôn. Lĩnh vực an sinh xã hội, giải quyết việc làm và dạy nghề có nhiều phong trào thi đua gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với nâng cao đời sống người dân, huy động tốt mọi nguồn lực chăm sóc tốt hơn cho người có công, gia đình chính sách...

Nhiều phong trào thi đua trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thanh tra, nội chính, tư pháp, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… được thực hiện hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các phong trào thi đua xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh tiếp tục được đẩy mạnh gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa nơi công sở” và các phong trào thi đua trọng tâm trong lĩnh vực xây dựng chính quyền đã hướng mạnh vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều phong trào thi đua của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội góp phần nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân có những bước phát triển mới, hướng về cơ sở, khơi dậy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Công tác khen thưởng được đổi mới, kịp thời, đúng người, đúng việc, đa dạng lĩnh vực, nội dung khen; chú ý hơn đến việc khen điển hình tiên tiến từ cấp cơ sở, tập thể nhỏ; tăng tỷ lệ khen người lao động trực tiếp, người thuộc khu vực kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, khen chuyên đề.

Trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII sắp tới, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh cần tiếp tục đổi mới, đi sâu vào thực chất. Tỉnh đẩy mạnh các phong trào thi đua với nội dung thiết thực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, đặc biệt là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn.

Thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn”, giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội; hoàn thành hỗ trợ về nhà ở cho người có công theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nâng cao chất lượng các phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”; thi đua thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông...

Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy tổ chức Nhà nước. Hướng các phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thực hiện nghiêm các quy định và trách nhiệm nêu gương; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp. Xây dựng chính quyền vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch...

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Phát huy tinh thần thi đua ái quốc, từng ngành, từng địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức thực hiện các phong trào thi đua; kịp thời phát hiện các nhân tố mới, điển hình tiên tiến để nhân rộng. Kiên quyết khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, không thực chất để các phong trào thi đua thực sự là động lực quan trọng khơi dậy tinh thần, ý chí cách mạng của mỗi tổ chức, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh, xây dựng Hải Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

NGUYỄN DƯƠNG THÁI
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh


Gắn trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong phong trào thi đua

Tôi cho rằng để tiếp tục phát huy mạnh mẽ, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các phong trào thi đua cần gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các cấp; phát huy tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các cấp, ngành, đoàn thể cần chủ động phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Giai đoạn tới, trước nhiều khó khăn, thách thức, nội dung các phong trào thi đua nên tập trung vào các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân, tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết kịp thời khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển tại địa phương. Các phong trào thi đua của MTTQ và các đoàn thể cần đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, gắn với nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương để thu hút người dân tham gia. 

HUỲNH TUẤN DƯƠNG

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh


Thi đua thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Thời gian qua, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã thường xuyên tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua với trọng tâm là đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá giáo dục.

       Từ thực tiễn hoạt động của trường, tôi cho rằng để tiếp tục tạo động lực nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, tỉnh cần quan tâm đặc biệt đến tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Các phong trào thi đua lớn của ngành cần thiết thực, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tạo cơ chế, động lực khích lệ cán bộ, giáo viên tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, học tập ngắn hạn, chuyên ngành trong nước và nước ngoài .

      Với học sinh, cần thu hút, cổ vũ các em hăng hái thi đua theo từng nhóm đối tượng, theo đặc thù chất lượng đào tạo của từng trường. Từ đó, tiếp tục ưu tiên, dành sự quan tâm, hỗ trợ thỏa đáng cho từng đối tượng học sinh...

      Mỗi nhà trường cần tiếp tục duy trì phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, không thi đua dàn trải, nên gây dựng các phong trào thi đua sôi nổi gắn với đặc thù, điều kiện của trường...

TRỊNH NGỌC TÙNG
                                        Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi

Tạo điều kiện cho người lao động thi đua sáng tạo

Những năm qua, tôi thấy các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú. Qua các phong trào thi đua, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực.

Là một đoàn viên công đoàn tham gia lao động trong một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tôi mong rằng các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh tiếp tục cổ vũ, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, người lao động sáng tạo và phát huy tối đa năng lực, sở trường của mình.

Để nâng cao chất lượng các hoạt động thi đua trong sản xuất, kinh doanh, cần nhân rộng các điển hình tiên tiến bằng nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức hội thảo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong cán bộ, công nhân toàn tỉnh hoặc theo từng địa bàn, khu vực. Tăng cường các hoạt động tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho các cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ quản lý trực tiếp trong các doanh nghiệp về cách thức triển khai các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, triển khai nhanh chóng, nhất quán nội dung, ý nghĩa từng phong trào đến với người lao động để họ hiểu và tham gia nhiệt tình, trách nhiệm.

                                                        VŨ VĂN CƯƠNG

  Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam

(0) Bình luận
Hải Dương: Thi đua tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội