Đây là cam kết của lãnh đạo tỉnh trong hội nghị gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với cộng đồng doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam được tổ chức sáng 12.10.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng tặng hoa chúc mừng lãnh đạo các Hiệp hội, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10
Sáng 12.10, Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại tỉnh và truyền hình trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện.
Chủ trì và điều hành hội nghị có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; chủ tịch các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Liên minh HTX tỉnh; đại diện 20 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và gần 300 doanh nghiệp tham gia trực tuyến tại các điểm cầu cấp huyện.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Văn Hiệu điều hành thảo luận
Khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong đó xác định chủ trương xây dựng mô hình Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển bền vững. Tại Hải Dương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; giải quyết, xử lý các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.
Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền, nhân dân cùng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020, Hải Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 8,1%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. 9 tháng năm 2021, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực dịch bệnh, phát triển kinh tế của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,5%, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 25,8%, thu ngân sách nhà nước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; có 1.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 16.950 doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng tặng hoa các doanh nhân
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương lắng nghe, tiếp thu và giải quyết thấu đáo, kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; thường xuyên quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp; quyết liệt đổi mới tư duy quản lý, điều hành, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ, kiến tạo.
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là thách thức từ dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh sẽ đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững; khẳng định Hải Dương cam kết tiếp tục sát cánh, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản đọc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh; vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh thời gian qua và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.
Các đại biểu dự Hội nghị gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh uỷ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thông tin, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hải Dương đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
9 tháng năm 2021, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh vẫn có những điểm sáng. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người lao động, đối tượng gặp khó khăn được quan tâm thực hiện tốt, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh ổn định.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển; tích cực nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng thị trường; đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của đại dịch, các doanh nhân, doanh nghiệp đã thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, chung tay góp sức cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các doanh nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ công tác phòng chống dịch với số tiền trên 100 tỷ đồng, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế và hàng hóa tiêu dùng.
Trong khuôn khổ hội nghị, hơn 10 doanh nghiệp đã tham gia ý kiến. Các nội dung đóng góp chủ yếu liên quan đến các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính. Doanh nghiệp mong muốn chính quyền tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Triển khai đồng bộ việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thuận tiện trong các giao dịch, hoạt động. Liên quan đến thương mại, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, một số doanh nghiệp đề nghị tỉnh có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo thống nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông giữa các tỉnh, thành phố.
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đại An phát biểu tham luận tại hội trường
Một số doanh nghiệp kiến nghị các nội dung liên quan đến phòng chống dịch. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị các địa phương thu hẹp đến mức tối thiểu vùng thực hiện giãn cách, phong tỏa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Ngay tại hội nghị, đại diện các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương đã giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh trong suốt thời gian qua cũng như trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến, đề xuất thẳng thắn, cởi mở và thiết thực của các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân. Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có văn bản trả lời từng ý kiến theo tinh thần “5 rõ”.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh thông điệp của lãnh đạo tỉnh gửi tới các doanh nghiệp, doanh nhân, đó là: “Cấp ủy, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”. Thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung ưu tiên phòng chống dịch với chiến lược mới, cách thức mới, đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng trao đổi với các doanh nhân
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hải Dương sẽ khẩn trương hoàn thành và ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển mạnh thị trường nội địa, lưu thông hàng hoá, thúc đẩy xuất khẩu, khôi phục thị trường lao động gắn với kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của một dự án so với thời gian thực tế hiện nay. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với tăng cường trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong các lĩnh vực quản lý liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện tốt việc giám sát kiểm tra thực hiện phân cấp, ủy quyền. Ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư.
Tiếp tục coi trọng công tác quy hoạch, coi đây là chìa khóa để thu hút, quản lý đầu tư có hiệu quả và đầu tư phát triển bền vững. Trong năm 2021, tỉnh sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư của tỉnh để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến, giới thiệu đầu tư; bảo đảm thực hiện tốt việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế để tạo điểm nhấn quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt khó vươn lên cùng tỉnh; đề nghị cộng đồng doanh nghiệp thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh.
Đây là lần đầu tiên Hải Dương tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hướng rất lớn đến chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh. 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh có 1.010 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10,6%; 639 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 21,7%; 123 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 19,4%; 487 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2020. |
Hải Dương cần có chính sách khác biệt để thu hút đầu tư chất lượng cao
Ngoài việc duy trì các chính sách ưu đãi như hiện nay, các doanh nghiệp hy vọng Hải Dương sẽ có những chính sách đặc biệt ưu đãi hơn nữa đề thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Trước hết, cần bảo đảm cơ sở hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch như: Miễn giảm thuế, bảo hiểm xã hội, gia hạn thời gian hoàn trả nợ vay ngân hàng… |
Kiến nghị giải pháp để doanh nghiệp sản xuất ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19
Hiện nay, có một số vấn đề phòng dịch liên quan đến doanh nghiệp. Thứ nhất là quy định về việc di chuyển của người lao động. Các doanh nghiệp đang áp dụng một số biện pháp như “Một cung đường, hai điểm đến” và “Ba tại chỗ”. Tuy nhiên, theo tôi thấy, biện pháp "Ba tại chỗ" còn một số hạn chế. |
Nên khuyến khích xây dựng cao tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings Hiện nay, Tập đoàn An Phát Holdings nói riêng và các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp nói chung còn gặp một số khó khăn liên quan đến chính sách tính đơn giá thuê đất trả tiền một lần của Nhà nước và các quy trình, thủ tục hành chính hiện hành. Sự phát triển của các khu công nghiệp gắn liền với môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi địa phương. Vì vậy, chúng tôi đề xuất các cơ quan có thẩm quyền có những chính sách hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính sau khi các nhà đầu tư được cấp phép. Cần rút ngắn thời gian và tích hợp các thủ tục hành chính như môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng… để các nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi, nhanh chóng đi vào hoat động sản xuất, kinh doanh. |
HÀ KIÊN - NGUYỄN LAN - THÀNH CHUNG