Tôi gọi thành phố Hải Dương quê hương tôi là Thành phố Dịu Dàng. Tôi đọc được cái tên ấy từ tâm hồn mình, và vì thế, tôi chỉ cảm thấy thật rõ ràng điều đó, nhưng giải thích vì sao thì tôi lúng túng đấy. Nó như là tình yêu. Xưa nay có ai giải thích được tình yêu đâu. Trong thời trai trẻ của tôi, hơn một lần tôi đã sống ở đây. Thuở ấy, tôi tròn 18 tuổi. Bất cứ cô gái nào đến với tôi, tôi cũng yêu, nhưng lạ thay, chẳng có cô gái Hải Dương nào yêu tôi cả. Các bạn trai thân yêu ơi, tôi không ghen với các bạn đâu...
Tôi gọi thành phố quê tôi là Thành phố Dịu Dàng. Có lẽ là bởi nó đứng dịu dàng trên biển lúa xanh non, trên vựa thóc óng vàng. Cái ánh mắt nhìn thăm thẳm của em làm tôi bối rối. Tiếng vạc kêu ngang trời mùa thu làm tôi bâng khuâng. Làn gió mát mùa hè thổi khô chân tóc làm tôi thấy khoan khoái, dễ chịu. Tôi phanh ngực hít thở và thấy lòng mình dịu dàng sau bao vất vả gian lao, sau bao nặng nhọc đau buồn. Tôi thấy mình gần gũi và tin cậy, giản dị và chân thành. Cảm nhận ấy, tôi không thấy ở đâu. Nó tự nhiên nhi nhiên như trăng đến rằm thì tròn, như cây bằng lăng đến mùa thì hoa nở tím bên nhà. Trần Đăng Khoa viết "Có cái gì rất quê hương làm óc tim tôi run rẩy". Và "Hơi mát rất riêng ngấm vào da thịt. Và nhịp tim bỗng đập chẳng bình thường". Trái tim ơi, em đập thế nào đây, khi tôi nhìn ai cũng thấy yêu thương, cánh cửa sổ ngôi nhà nào cũng đầy thiện cảm, như mẹ cha tôi từng sống ở đây, như người yêu tôi từng sống ở đây...
Tôi gọi thành phố Hải Dương quê hương tôi là Thành phố Dịu Dàng, cửa ngõ phía đông của kinh thành Thăng Long xưa. Nguyễn Bỉnh Khiêm, cây đại thụ bóng trùm năm thế kỷ, thi đỗ Trạng nguyên, lều chõng trường thi trên cánh đồng Mao Điền sau vụ gặt. Đâu đó dưới bóng tre Cẩm Thượng, Hàn Giang, những sĩ phu khăn xếp áo lương, guốc mộc, phe phảy quạt nan đi lững thững, lặng lẽ dâng vua những kế sách khoan dân, giữ nước đến muôn sau ...
Tôi gọi thành phố quê tôi là Thành phố Dịu Dàng. Có lẽ bởi sông Thái Bình mùa xuân nước xanh, mùa thu nước đỏ, nhưng dòng chảy bao giờ cũng chỉ có một. Xuôi về cửa biển. Cánh buồm nâu nghiêng một bên trời. Hoa rụng hồ Côn Sơn, lá rơi đường Trần Hưng Đạo, gió thổi không nguôi trong phố Vũ Trọng Phụng... Ngày xưa, Nguyễn Trãi về làng Chi Ngãi chắc đi qua đây. Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc... Nguyễn Du làm quan tri huyện Phù Dung chắc cũng về đây. Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng... Biết bao nhà thơ đã đến đây... để lại một phần tinh hoa nhất của tâm hồn mình làm màu mây sắc lá, nên nước đến miệng người thì ngọt, quả đến tay người thì chín, em đến tuổi 16 thì xinh và khi bước lên xe hoa thì đẹp đến không ngờ...
Tôi gọi thành phố Hải Dương quê hương tôi là Thành phố Dịu Dàng. Bởi quanh năm không khí thoáng đãng tươi trong. Người đi chân bước nhẹ nhàng, cử chỉ khoan thai, tự tin, tiếng nói ấm và mềm. Những ngôi nhà đứng bên nhau thân mật hài hòa... Tiếng nhạc nhẹ dịu dàng bay ra từ quán cà phê, những em bé đến trường hồn nhiên, ríu rít, mắt nhìn ngơ ngác, tiếng cười thơ ngây... Mùa nắng, nóng không đến mức khô lá trên cành cao, mùa bão, gió không đến nỗi đổ nhà... Trước mặt, không có cái xốc vác huyên náo của Hải Phòng, với những con tầu há mồm rời bến Cảng, những đồng tiền vã mồ hôi trong két bạc. Sau lưng không có cái huy hoàng của Hà Nội - Hồ Gươm. Giờ cao điểm, người chen người chật đường, xe máy chen nhau đua trên vỉa hè. Những tay lái tài hoa như rắn lượn ngoằn ngoèo. Những gương mặt người nhẵn nhụi và lạnh nhạt...
Tôi gọi thành phố quê hương Hải Dương tôi là Thành phố Dịu Dàng. Cái dịu dàng của mái tóc dài, mái tóc ngắn, nón trắng che nghiêng, em qua Điền Trì, đến Côn Sơn, về Kiếp Bạc, ngẫm xem vận hội ngắn dài. Cái dịu dàng của anh ngồi lặng lẽ trong phòng, vẽ thiết kế những công trình, vạch đường bay vào tương lai, với nụ cười hiền khô, không tự biến mình thành gai nhọn, không sản xuất những âm mưu tranh đoạt, chiều về dắt con vào công viên, cúi xuống bên đường, nhẹ nhàng nhặt chiếc lá rơi bỏ vào thùng rác. Đó là cái dịu dàng của cơn giông mà không cần nổi gió...
Tôi gọi thành phố Hải Dương quê hương tôi là Thành phố Dịu Dàng. Bởi Hải Dương lùi xuống thì thấy văn hóa, tiến lên thì gặp văn hóa, phát triển dài rộng khang trang trong khí hậu văn hóa. Tự điều chỉnh, bổ sung và loại trừ trong môi trường văn hóa. Vượt không gian, đồng hành với thời gian đến đâu, cũng không làm mất đi cái hồn vía cha ông từ muôn xưa, lại bồi bổ thêm cái tuệ tĩnh lắng sâu của ngàn đời...
Hải Dương, thành phố tâm hồn tôi
Hải Dương, Thành phố Dịu Dàng ơi!...
5-10-2014
TRẦN NHUẬN MINH