Các địa phương, đơn vị ở Hải Dương đã sẵn sàng cho đợt cao điểm cấp đổi giấy tờ cho người dân ở 28 xã, phường, thị trấn mới sáp nhập vừa đi vào hoạt động.
Khoảng 140.000 người cần cấp đổi căn cước
Giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh có 57 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp.
Trong 28 xã, phường, thị trấn mới hình thành sau sắp xếp, đi vào hoạt động từ 1/12 có 8 địa phương giữ nguyên tên cũ, 20 địa phương mang tên mới.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hải Dương, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện có liên quan tổ chức đợt cao điểm trong 6 tháng kể từ ngày 1/12, tập trung chuyển đổi các loại giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định.
Ở 20 đơn vị hành chính cấp xã có tên mới sau sáp nhập, khoảng 140.000 người từ 14 tuổi trở lên đã có hoặc chưa làm căn cước sẽ cần làm thủ tục cấp đổi. Đồng thời, trẻ em từ 6 tuổi trở lên chưa bắt buộc có căn cước nhưng vẫn được cấp nếu có nhu cầu.
Là huyện có nhiều xã mang tên mới sau sáp nhập nhất tỉnh Hải Dương, Công an huyện Gia Lộc đã chủ động rà soát, bố trí phương án cấp đổi căn cước cho người dân ở các xã thực hiện sáp nhập.
Toàn huyện có 8 xã với hơn 48.000 nhân khẩu sáp nhập thành 4 xã mới đều mang tên mới. Công an huyện Gia Lộc sẽ tổ chức đợt cao điểm cấp đổi căn cước cho người dân theo hình thức lưu động, trực tiếp về các xã.
Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ mang theo máy móc, thiết bị về các xã, phối hợp với lực lượng Công an xã đó và huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nếu cần thiết.
"Với phương châm làm xã nào, gọn xã đấy, lực lượng Công an huyện Gia Lộc đang bố trí, chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhân lực về từng xã để cấp đổi căn cước, tạo thuận lợi cho người dân. Mỗi xã sẽ tiến hành trong khoảng 2-3 ngày", Thượng tá Lương Mạnh Thuyết, Phó Trưởng Công an huyện Gia Lộc cho biết.
Cùng với đó, việc tuyên truyền, thông tin để người dân nắm được thời gian đợt cao điểm tổ chức cấp đổi căn cước tại địa phương sẽ được quan tâm để tránh bỏ sót, gây khó khăn cho công dân.
Trước khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, với những trường hợp đề nghị cấp đổi căn cước công dân chưa cấp thiết, lực lượng công an các địa phương đã chủ trương thông tin cho công dân chờ sau sáp nhập mới thực hiện để tránh cấp đổi nhiều lần làm mất thời gian, công sức, tiền bạc.
Xác định số lượng, khối lượng công việc sẽ lớn và phải thực hiện trong thời gian dài, lực lượng công an đã chủ động phương án, sẵn sàng triển khai.
Cấp 500 con dấu cho các xã, phường, thị trấn mới
Sáng 1/12, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương, hơn 500 con dấu của các đơn vị hành chính cấp xã mới ở Hải Dương đã được lực lượng công an bàn giao tới 10 đầu mối của 10 huyện, thị xã, thành phố.
Các huyện Nam Sách, Ninh Giang có nhiều con dấu mới sau sáp nhập nhất, mỗi địa phương có 85 con dấu. Toàn bộ những con dấu của 48 xã, phường cũ đã được thu hồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chủ động nhân lực, cơ sở vật chất
Điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đề nghị cấp đổi giấy tờ của người dân cũng được chính quyền địa phương nơi có xã, phường, thị trấn thực hiện sắp xếp đặc biệt được quan tâm.
Các trụ sở sử dụng làm nơi làm việc của đơn vị hành chính cấp xã mới được chỉnh trang, tu sửa nhiều để phục vụ việc sáp nhập. Trong đó, bộ phận "một cửa", phòng tiếp dân được quan tâm hơn cả để tới đây sẽ phục vụ lượng lớn người dân, nhất là trong thời gian cao điểm cấp đổi giấy tờ.
Xã An Phú (huyện Nam Sách) được sáp nhập từ xã An Lâm và xã Phú Điền, sử dụng trụ sở xã An Lâm cũ. Những ngày trước khi sáp nhập, xã đã chỉnh trang bộ phận "một cửa", bố trí phòng tiếp dân ra khu vực mới rộng rãi, khang trang hơn.
Ông Khúc Văn Hướng, Bí thư Đảng uỷ xã An Phú cho biết: "Trước khi sáp nhập, xã đã đầu tư tu sửa, cải tạo trụ sở để đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức xã mới khi số lượng người làm việc đông hơn, phục vụ số lượng người dân lớn hơn, khối lượng công việc thời gian tới cũng nặng nề hơn".
Các địa phương cũng chuẩn bị các phương án, tăng cường nhân sự để hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. Thị xã Kinh Môn có phường Duy Tân mới khi sáp nhập xã Hoành Sơn vào phường Duy Tân, sử dụng trụ sở phường Duy Tân cũ. Sau sáp nhập, dự kiến người dân xã Hoành Sơn sẽ phải làm lại một số giấy tờ.
2 trụ sở xã cũ, phường mới cách nhau khoảng 2,5 km. Để thuận lợi cho người dân, lãnh đạo phường Duy Tân cho biết thời gian đầu sau sáp nhập, để phòng trường hợp người dân vẫn lên trụ sở xã cũ làm thủ tục, phường vẫn bố trí một số cán bộ, công chức trực ở trụ sở xã Hoành Sơn. Các cán bộ, công chức sẽ tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển lên phường, trả cho công dân tại trụ sở xã cũ để người dân không phải đi lại nhiều.
Các xã, phường, thị trấn mới và bộ phận 'một cửa' các cấp ở Hải Dương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan việc cấp đổi giấy tờ cho người dân ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng đã chủ động, sẵn sàng cho 6 tháng cao điểm cấp đổi giấy tờ cho nhân dân.
Quy định về chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức
- Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
- UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
- Việc chuyển đổi các loại giấy tờ phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở UBND cấp huyện, xã; trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã và thông báo đến các thôn, khu dân cư.
- Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện có liên quan ưu tiên tổ chức đợt cao điểm trong 6 tháng kể từ ngày 1/12, tập trung chuyển đổi các loại giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định.
(Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch thực hiện nghị quyết của UBND tỉnh)