Thời gian qua, Công an tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch tuần tra kiểm soát, đấu tranh phòng chống “cát tặc”, từng bước đem lại hiệu quả cao.
Tổ Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương bắt quả tang 2 tàu xi măng không có số hiệu hút cát trái phép trên sông Kinh Thầy đoạn thuộc địa phận thôn An Điền, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, ngày 14.3. Ảnh: TTXVN
Với quyết tâm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ bình yên cho những dòng sông chảy qua địa bàn, thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch tuần tra kiểm soát, đấu tranh phòng chống “cát tặc”, từng bước đem lại hiệu quả cao.
Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chia sẻ: Các đối tượng khai thác cát trái phép hiện không hoạt động ngang nhiên như trước mà tranh thủ khi lực lượng chức năng sơ hở để tổ chức hút cát trộm. Các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, thuê người khai thác để trốn tránh trách nhiệm khi bị bắt giữ, xử lý; bố trí người cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng cả trên bờ và dưới sông để dễ bỏ chạy. Thậm chí khi bị lực lượng chức năng truy bắt, các đối tượng đã bỏ tàu nhảy xuống sông hoặc dùng vòi nước áp suất lớn phun vào phương tiện của cơ quan chức năng để chống đối.
Nhiều đối tượng lợi dụng các địa bàn giáp ranh để tiến hành hút trộm cát, khi lực lượng chức năng xuất hiện chúng bỏ chạy sang phía bên kia, gây khó khăn cho việc bắt giữ, xử lý.
Gần đây, các đối tượng hút trộm cát còn sử dụng thêm thủ đoạn mới để đối phó với lực lượng chức năng. Đó là sử dụng một tàu hút và một tàu chở cát, khi lực lượng chức năng xuất hiện sẽ khó xử lý hoặc chỉ có thể xử phạt hành chính bởi tàu chở cát không có máy móc để hút, còn tàu hút có máy móc hút lại không có cát. Các đối tượng hút cát hiện còn để máy hút vào trong các khoang tàu, hàn kín bên ngoài nên khi hút, tiếng máy phát ra rất nhỏ, lực lượng chức năng và người dân khó phát hiện.
Nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép còn phức tạp là do việc buông lỏng quản lý đất ven sông của một số chính quyền địa phương. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý có nơi chưa thực sự quyết liệt hoặc phó mặc hoàn toàn cho lực lượng công an. Thậm chí, một số người dân được giao đất bãi ven sông để làm nông nghiệp nhưng lại lén lút bán đất cho các đối tượng khai thác cát trái phép.
Để tăng cường công tác phòng, chống "cát tặc", theo Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, tuyên truyền về hậu quả của việc khai thác cát trái phép đối với môi trường, nhất là đất canh tác nông nghiệp cho mỗi người dân.
Đối với những đối tượng khai thác cát trái phép, phải có chế tài xử lý nghiêm để thể hiện tính răn đe của pháp luật, tránh trường hợp xử phạt xong lại tái diễn.
Cùng với đó, lực lượng chức năng phối hợp đồng bộ hơn nữa, nhất là sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương ven sông. Để bắt quả tang các vụ khai thác cát trái phép, lực lượng công an phải hành động bất ngờ, nhanh chóng, linh hoạt trong các biện pháp nghiệp vụ để các đối tượng không phát hiện, không kịp trở tay.
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành khảo sát các tuyến sông phục vụ công tác nghiệp vụ, cắm chốt tại các “điểm nóng” về khai thác cát trái phép để tăng cường bắt giữ, xử lý vi phạm; tăng cường lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng chống khai thác cát trái phép.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã bắt giữ 22 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính 16 trường hợp với số tiền trên 670 triệu đồng, còn 6 trường hợp đang chờ xử lý. So với cùng kỳ năm trước, số vụ khai thác cát trái phép bị bắt giữ tăng 11 vụ, tiền phạt tăng 126 triệu đồng.
Trong năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh cũng đã phát hiện, bắt giữ 294 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính tổng số tiền 5,68 tỷ đồng.
MẠNH TÚ (TTXVN)