Hải Dương-Phú Yên: 60 năm sâu nặng nghĩa tình

01/01/2020 08:16

Năm 2020 đánh dấu tròn 60 năm kết nghĩa giữa hai tỉnh Hải Dương-Phú Yên.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương tặng hoa, chúc mừng đồng chí Hoàng Văn Trà (thứ tư từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên được điều động về công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đồng chí Nguyễn Thái Học (thứ ba từ phải sang), Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên chuyển công tác về Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Hoàng Biên

6 thập kỷ qua, dù lúc chiến tranh khốc liệt, gian khó hay khi hòa bình, hai tỉnh anh em đều cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, động viên, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Hòa chung niềm vui trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được của cả nước năm 2019 và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, năm 2020 nhân dân hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên hân hoan kỷ niệm 60 năm ngày hai tỉnh kết nghĩa.

Hải Dương - Phú Yên là hai tỉnh có mối quan hệ gắn kết anh em từ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh dày công vun đắp. Đã 6 thập kỷ trôi qua kể từ thời điểm hai tỉnh kết nghĩa nhưng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn được duy trì, phát triển và trở thành tài sản vô giá của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh trên con đường xây dựng và phát triển.

Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào kết nghĩa Bắc - Nam với mục đích thắt chặt thêm tình ruột thịt Bắc - Nam và tập trung với mọi hy sinh để "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội".

Hưởng ứng phong trào đó, ngày 9.1.1960, tại thị xã Hải Dương đã diễn ra trọng thể Hội nghị kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên. Hội nghị kết nghĩa đã đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng trong phát triển quan hệ “Thắm tình Hải Phú” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên.

Ngay trong những ngày đầu kết nghĩa, với phương châm tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam, vì Phú Yên ruột thịt, Hải Dương đã phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất với tinh thần một người làm việc bằng hai để chi viện cho miền Nam, cho Phú Yên. Theo đó, hằng năm, Hải Dương huy động từ 7.000 đến 10.000 tấn thóc để chi viện cho miền Nam.

Đặc biệt trong giai đoạn này, Hải Dương (tỉnh Hải Hưng cũ) đã có trên 18 vạn thanh niên nối tiếp nhau vượt ngàn dặm Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có những đơn vị riêng gửi vào Phú Yên như trung đoàn Trung Dũng Hải Dương. Với phương châm "coi nhiệm vụ giải phóng Phú Yên như giải phóng chính bản thân mình", nhiều người anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Phú Yên ruột thịt.

Trong một nỗ lực khác, cuối năm 1972, với tuyên bố sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”, từ ngày 18 đến ngày 30.12.1972, đế quốc Mỹ huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến, mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và một số địa phương trên miền Bắc.

Chúng ném hơn 35.000 tấn bom, với sức công phá gấp nhiều lần quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima (tháng 8.1945). Hành động ném bom hủy diệt tàn bạo của đế quốc Mỹ đã phá hủy nhiều khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở kinh tế, quốc phòng, gây thương vong cho hàng ngàn người, trong đó có nhiều người già, phụ nữ, trẻ em. Trước tình hình đó, ngày 21.12.1972, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát đi tuyên bố trên Đài Phát thanh Giải phóng: “...

Bọn xâm lược Mỹ đụng đến miền Bắc một, thì quân và dân miền Nam quyết giáng trả chúng gấp năm, gấp mười lần!”. Đài cũng truyền đi thư của Sài Gòn gửi Hà Nội: “Lửa miền Bắc khêu lửa miền Nam, lửa Hà Nội giục lửa Sài Gòn…”. Hưởng ứng tinh thần đó, trong những ngày chiến đấu ác liệt ấy, quân và dân Phú Yên đã “chia lửa” với đồng bào và chiến sĩ miền Bắc, với đồng bào, chiến sĩ Hải Dương bằng việc đẩy mạnh tiến công trên khắp các chiến trường, mặt trận.

Thi đua với tiền tuyến lớn miền Nam, Phú Yên, đồng bào, chiến sĩ Hải Dương đã anh dũng đánh trả quyết liệt 2cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, tham gia chiến đấu 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, bảo vệ được vùng trời, giữ vững tuyến giao thông huyết mạch đường 5A và đường sắt, góp phần vào thắng lợi trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12.1972, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris.

Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Phú Yên vẫn không một ngày hòa bình, bọn địch vẫn tập trung mọi lực lượng bủa vây đồng bào miền Nam, đồng bào Phú Yên. Phú Yên lại khẩn trương chuẩn bị mọi lực lượng để tiến hành chiến tranh cách mạng, Hải Dương lại không ngừng nỗ lực để chi viện vì miền Nam thân yêu, vì Phú Yên ruột thịt. Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đoàn kết, kiên cường, dũng cảm của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, ngày 1.4.1975, Phú Yên đã hoàn toàn giải phóng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ.

Nhận tin Phú Yên giải phóng, cả Hải Dương như vỡ òa trong niềm hân hoan chiến thắng. Ngày 2.4.1975, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương tổ chức mít tinh mừng chiến thắng của Phú Yên kết nghĩa. Ngay sau ngày Phú Yên giải phóng, Hải Dương lại tiếp tục chi viện một lực lượng lớn cơ sở vật chất và cử hàng trăm cán bộ, công nhân, giáo viên, y bác sĩ... tăng cường cho Phú Yên nhằm giúp Phú Yên tiếp quản vùng giải phóng, ổn định tình hình chính trị - xã hội.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, cả hai tỉnh đều đã giành được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Hải Dương vinh dự là 1 trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối được ngân sách. Quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 5 trong khu vực và đứng thứ 13 trong cả nước. Diện mạo nông thôn, đô thị của tỉnh ngày càng khang trang, sạch đẹp. Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng. Hải Dương là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về phổ cập giáo dục và chất lượng học sinh giỏi.

Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Phú Yên tự hào là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Phú Yên đã hình thành được nhiều khu kinh tế trọng điểm như: Khu kinh tế Nam Phú Yên, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Mạng lưới giao thông đường bộ được mở rộng gắn kết Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên đồng thời kết hợp với sự phát triển của các cảng biển, hàng không đã đưa Phú Yên trở thành cửa ngõ phía đông vươn ra thế giới. Hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa của Phú Yên được hoàn thiện, mở rộng. Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm…

Giữa bộn bề công việc trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, hai tỉnh vẫn tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt từ việc thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đến việc cùng nhau thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chia vui khi thành công, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp thiên tai, bão lụt...

Kỷ niệm 60 năm Hải Dương - Phú Yên kết nghĩa không chỉ là dịp để ôn lại tình cảm keo sơn gắn bó, chia ngọt sẻ bùi của quân và dân hai tỉnh, mà còn là dịp để phát triển cao hơn mối quan hệ thắm tình Hải Phú. Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương xin chúc mừng những thành tựu mà Phú Yên anh em đã đạt được trong suốt 60 năm qua và mong vùng đất đón ánh bình minh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hải Dương khẳng định sẽ kế thừa, duy trì và tiếp tục phát triển mối quan hệ bền chặt với Phú Yên ruột thịt. Quyết tâm đưa mối quan hệ Hải Dương - Phú Yên lên một tầm cao mới, trở thành một trong những mối quan hệ mẫu mực của tình đoàn kết Bắc - Nam.

NGUYỄN MẠNH HIỂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Sự giúp đỡ sâu nặng nghĩa tình

Bức thư của nhân sĩ Tam Giang - Trần Bính được ông Lê Trương, nguyên Giám đốc Bưu điện Phú Yên khắc trên đá trong khuôn viên gia đình

Những thành tích mà chúng tôi đạt được trên đây trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận và của Bác Hồ kính mến, do sự nỗ lực không ngừng của quân và dân tỉnh chúng tôi.

Nhưng còn một nguyên nhân vô cùng quan trọng khác không thể thiếu được, đó là sự cổ vũ, giúp đỡ nhiệt tình của quân dân miền Bắc, quân dân Hải Hưng kết nghĩa ruột thịt.

Suốt mấy năm nay, trên tuyến lửa Phú Yên luôn luôn có mặt những người con Hải Hưng đang hăng say chiến đấu, đồng cam cộng khổ, cùng hòa xương máu, góp phần tô thắm ngọn cờ chiến thắng của Phú Yên.

Những lá cờ thi đua, những cây bút máy Trường Sơn, Hồng Hà, những chiếc nhẫn làm bằng xác chiếc máy bay phản lực Mỹ bị bắn rơi trên đất Hải Dương có khắc chữ P-H (Phú-Hải) mà quân dân Hải Dương gửi tặng, cùng với những tấm gương sáng chói trên mọi mặt trận chiến đấu, sản xuất, xây dựng của Hải Hưng từng giờ, từng phút giục giã chúng tôi vững bước trên con đường chiến đấu chống Mỹ, cứu nước.

Con số 60 chiếc máy bay Mỹ đã bị quân và dân Hải Hưng tiêu diệt, phong trào vượt chỉ tiêu 5 tấn của Hải Hưng, tiếng nói ấm áp, đậm đà tình nghĩa Phú - Hải của các đồng chí Lê Quý Quỳnh, Nguyễn Hoài Bắc trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã cổ vũ, kích thích chúng tôi rất nhiều.

Một lần nữa, chúng tôi xin gửi đến các đồng chí và đồng bào lời cảm ơn chân thành về sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, sâu nặng nghĩa tình mà đồng chí, đồng bào đã dành cho chúng tôi.

Chúng tôi hứa sẽ xứng đáng với mối tình cao đẹp đó, học tập tinh thần lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm của đồng bào và chiến sĩ Hải Hưng, chúng tôi quyết thừa thắng xông lên, ra sức đẩy mạnh hơn nữa ba mũi giáp công, tiến công liên tục, nổi dậy đều khắp, làm cho mỗi mảnh đất của Phú Yên đều trở thành An Ninh, Hòa Hiệp (1), mỗi đường năm nổi sấm, mỗi con người đều trở thành Lê Trung Kiên (2), Vũ Văn Năm (3), xứng đáng với Anh hùng Mạc Thị Bưởi của Hải Hưng, tiến lên giành những thắng lợi quyết định trong thời gian tới, để một ngày không xa Phú Yên - Hải Hưng chúng ta được tay bắt mặt mừng giữa một mùa xuân vĩnh viễn trong Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

(Trích thư của nhân sĩ Tam Giang - Trần Bính, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên gửi cán bộ và nhân dân Hải Hưng ngày 15.1.1969)

(1): Hai xã có truyền thống chiến đấu và xây dựng của tỉnh Phú Yên
(2): Chiến sĩ thi đua, dũng sĩ các lực lượng vũ trang trong tỉnh
(3): Dũng sĩ diệt máy bay

(0) Bình luận
Hải Dương-Phú Yên: 60 năm sâu nặng nghĩa tình