Ngày 18.4, Sở Y tế hướng dẫn tăng cường thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh.
Bệnh viện Phổi Hải Dương là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh được Sở Y tế giao nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch
Sở yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của đơn vị theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; bố trí nhân lực theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việc rà soát, phân loại điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thực hiện theo 3 mức độ đã được Bộ Y tế hướng dẫn. Mức độ nhẹ (bệnh nhân không có triệu chứng) thì quản lý, điều trị tại nhà, nơi cư trú. Mức độ trung bình (bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy, nhịp thở dư 20 lần/phút, SpO2 lớn hơn 96% khi thở khí trời, tỉnh táo, người bệnh tự phục vụ được, x-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít…) điều trị tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh (trừ Bệnh viện Phong Chí Linh, Bệnh viện Mắt và Da Liễu) và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Mức độ nặng, nguy kịch (bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở trên 25 lần/phút, khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ, SpO2 dưới 94% khi thở khí phòng, nhịp tim nhanh hoặc có thể nhịp tim chậm, lừ đừ, mệt…) được điều trị tại các Bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Nhi, Phổi, Đa khoa tỉnh. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, vượt quá số giường hồi sức cấp cứu của các bệnh viện này sẽ huy động các Bệnh viện: Phụ sản, Quân y 7, Đa khoa Hòa Bình, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và các Trung tâm Y tế tuyến huyện.
Sở yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế; tăng công tác hội chẩn giữa các tuyến, đặc biệt là với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn. Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 nằm tại các cơ sở khám, chữa bệnh, khi kết quả test nhanh âm tính (nhưng vẫn nghi ngờ mắc Covid-19) khuyến cáo thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR, tránh bỏ sót ca bệnh để dịch lan rộng.
Các bệnh viện điều trị Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ, báo cáo Bộ Y tế xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ ô xy y tế cho nhu cầu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4.3.2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, tháo gỡ khó khăn về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3.3.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8.11.2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế để bảo đảm có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị Covid-19 nói riêng.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh; có biện pháp bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…
TIẾN MẠNH