Hải Dương nỗ lực giảm nghèo

25/12/2022 17:00

Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, năm 2022, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhiều chương trình, mô hình hỗ trợ người nghèo với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.


Huyện Gia Lộc xây dựng nhiều mô hình giúp người nghèo trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả

Vượt qua thách thức

Năm 2021, gia đình anh Vũ Minh Tuấn ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) phấn đấu thoát nghèo nhưng vì dịch Covid-19 khiến mục tiêu đó chưa đạt được. Dịch bệnh khiến công ty nơi vợ chồng anh Tuấn làm việc phải cho người lao động nghỉ liên tục khiến thu nhập của vợ chồng anh giảm sút. “Nhưng giờ đã khác, dịch bệnh đã qua. Năm 2022, gia đình tôi đã đuổi được cái nghèo đi. Tết này vui hơn hẳn”, anh Tuấn chia sẻ. 

Năm 2022, sau khi dịch bệnh bớt căng thẳng, nhiều địa phương của tỉnh đã khẩn trương triển khai các mô hình, chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Xác định rõ nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều hộ khó thoát nghèo là thu nhập thấp và không có việc làm ổn định nên nhiều địa phương đã hỗ trợ giảm nghèo bằng cách tặng bò sinh sản, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ; hỗ trợ kết nối tìm việc làm... Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tiếp tục đứng ra tín chấp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để làm ăn. 

Anh N.V.G. một trong những hộ nghèo của xã Phạm Kha (Thanh Miện) cho biết sau dịch bệnh, việc tiêu thụ rau màu đã thuận hơn nhiều so với trước nên gia đình anh làm ăn hiệu quả hơn. Được địa phương hỗ trợ, anh tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ để đổi mới cách trồng rau gia vị, chọn được loại rau phù hợp với nhu cầu thị trường nên đầu ra thuận lợi mà giá bán cũng ổn. Mỗi tháng, anh dành dụm được một chút vừa để trang trải cuộc sống vừa để mua thuốc cho con nên gia đình cũng đặt mục tiêu thoát nghèo trong năm 2023.


Năm qua, các địa phương của huyện Thanh Miện quan tâm kết nối giúp nhiều người nghèo có việc làm ổn định. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất áo mưa ở xã Đoàn Tùng tạo việc làm cho người nghèo

Năm 2021, huyện Thanh Miện là một trong những địa phương có số hộ nghèo cao của tỉnh nhưng năm nay công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của huyện còn 2,47%, giảm hơn 1%; hộ cận nghèo còn 2,55%, giảm 0,75% so với năm 2021. Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết năm 2022 xác định rõ mục tiêu giảm nghèo ngay từ đầu năm nên huyện Thanh Miện đã sớm đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương để thực hiện. Những hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động được các địa phương quan tâm, hướng dẫn tìm mô hình sản xuất phù hợp. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người nghèo cũng được triển khai hiệu quả hơn. 

Năm 2022, việc rà soát, đánh giá hộ nghèo và cận nghèo được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh từ tháng 9 đến tháng 12. Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021-2025” cũng được quyết liệt triển khai sớm. Thông qua nhiều chương trình, hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh đã được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh. 

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Hải Dương chỉ còn 1,75%, đạt mục tiêu đề ra và giảm 0,4% so với năm 2021. 

Đồng hành, chia sẻ

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Gia Lộc chỉ còn 1,48%, giảm 0,64% so với năm 2021. Đạt được kết quả trên do năm qua huyện đã tích cực thực hiện nhiều chương trình đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ người nghèo. 

Xã Đoàn Thượng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Gia Lộc năm 2022, chỉ còn 0,55%, hộ cận nghèo còn 1,8%. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đoàn Thượng Nguyễn Trung Kết, kinh nghiệm của địa phương là phải thấu hiểu và đồng hành cùng người nghèo. Hộ nghèo thiếu và cần gì thì chính quyền địa phương cũng như các tổ chức chính trị vào cuộc giúp sức. Người nghèo thiếu vốn thì các tổ chức đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho họ vay vốn làm ăn. Người nghèo thiếu kiến thức thì tạo điều kiện cho đi tập huấn, hướng dẫn hay tham gia các khóa đào tạo nghề. “Việc giảm nghèo ở Đoàn Thượng không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn được sự hỗ trợ của từng người dân. Xã có rất nhiều tổ liên gia hỗ trợ nhau làm ăn kinh tế, từ đó giúp người nghèo có động lực vươn lên”, ông Kết nói. 

Từ tháng 9 đến tháng 12, các địa phương của tỉnh tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Trong quá trình điều tra, các cán bộ làm công tác giảm nghèo và chính quyền địa phương nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong năm nay, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để các địa phương trong tỉnh giảm nghèo bền vững theo 8 mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là cách thức trợ giúp người nghèo trong thời gian tới của Hải Dương cũng có nhiều đổi mới. Thay vì hỗ trợ riêng lẻ từng hộ, tỉnh quan tâm hỗ trợ người nghèo thông qua các mô hình, chương trình giảm nghèo cụ thể. Trong 3 năm tới, 16 mô hình giảm nghèo sẽ đồng loạt được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh. 

Để giảm nghèo bền vững, Hải Dương còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhiều hộ nghèo sẽ được hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương nỗ lực giảm nghèo