Hải Dương những ngày đầu toàn quốc kháng chiến

19/12/2021 08:00

Cùng với cả nước, cách đây 75 năm, ngày 19.12.1946, quân và dân Hải Dương đã hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những trận đánh oanh liệt, gây ra cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.


Một đoàn tàu quân sự của Pháp bị quân và dân Hải Dương đánh đổ (ảnh tư liệu)

"Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"

Đêm 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Người nói: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!…".

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, truyền thống anh hùng bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; thúc giục đồng bào cả nước đứng lên chiến đấu với ý chí "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" vì độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng 20 giờ ngày 19.12.1946, tất cả các chiến trường trong toàn quốc đồng loạt nổ súng tấn công địch. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Tại Hải Dương, khi cuộc kháng chiến bùng nổ, trên địa bàn có khoảng 800 quân Pháp. Địch đặt sở chỉ huy tại Nhà máy Chai ở thị xã Hải Dương. Lực lượng của ta có Trung đoàn 44 Vệ quốc đoàn của Chiến khu 3 và khoảng 500 cảnh vệ. Các huyện cũng có từ 1 trung đội (30 người) đến 2 trung đội cảnh vệ. Các xã có từ 1-2 tiểu đội. Lực lượng này được giao nhiệm vụ đánh bao vây tiêu diệt địch trong thị xã, khu vực cầu Phú Lương, đánh quân tiếp viện, phá hoại đường 5, cắt đứt đường giao thông của địch từ Hải Phòng lên Hà Nội. Tối 19.12.1946, lực lượng vũ trang thị xã tổ chức mít tinh tuyên thệ cho đội cảm tử quân. Sau cuộc mít tinh, toàn bộ lực lượng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Nhiệm vụ tác chiến của Chiến khu 3 trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến đặt trọng tâm vào khu vực Hải Dương và tuyến đường sắt, đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy Chiến khu 3 cùng Tỉnh ủy Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ huy mặt trận Hải Dương gồm 3 đồng chí, do đồng chí Nam Long - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44 làm Chỉ huy trưởng mặt trận; đồng chí Nguyễn Đình Văn, Chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương và đồng chí Mạc Ninh, Chính trị viên Tiểu đoàn 5 (Vệ quốc đoàn) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ thị xã Hải Dương làm Chỉ huy phó mặt trận Hải Dương.

Trận đánh mở đầu tại thị xã Hải Dương đã phá hủy bốt điện ở cống Ba Cửa (hiện nằm trên đường An Ninh) để cắt nguồn điện của thị xã. Sau đó, các lực lượng vũ trang tấn công các vị trí đồn trú của quân Pháp, trong đó có Nhà máy Chai, nhà Nông Phố và Trường Con Gái. 

Qua 2 đêm chiến đấu ác liệt nhưng không có hiệu quả, Ban Chỉ huy mặt trận vẫn chưa điều chỉnh chiến thuật. Đến đêm 21.12.1946, Ban Chỉ huy mặt trận mới thay đổi chiến thuật. Trường Con Gái là nơi yếu nhất trong 3 vị trí địch đang cố thủ ở thị xã nên lực lượng ta đã chọn nơi đây để tấn công. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra hết sức ác liệt, ta vừa đánh vừa gọi hàng. Đến 23 giờ, đồng chí Đặng Quốc Chinh đã sử dụng khối thuốc nổ tự tạo đánh sập lô cốt địch. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống 1 trung đội địch gồm 28 tên lính Pháp, thu toàn bộ vũ khí. Trong cuộc chiến đấu này, nổi lên tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Đặng Quốc Chinh, người đã dũng cảm ôm mìn đáp sập lô cốt địch, mở đường cho bộ đội ta xung phong.

Góp phần làm thất bại âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh"

Trong khi quân ta tấn công ở nội thị, lực lượng Vệ quốc đoàn phối hợp với tự vệ thị xã, tự vệ xã Ái Quốc tấn công địch ở cầu Phú Lương và cầu Lai Vu, tiêu diệt 23 tên, bắt sống 7 tên, buộc địch phải tháo chạy.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 22.12.1946, quân địch ở Hải Phòng tổ chức lực lượng lớn, có xe tăng yểm trợ hành quân để đánh chiếm đường 5, giải vây cho Hải Dương, chi viện cho Hà Nội. Lực lượng địch tiến về Hải Dương theo 2 cánh. Ở hướng đường thủy, địch dùng ca nô cơ động từ Hải Phòng theo các con sông tiến về Hải Dương. Cánh quân thứ hai tiến theo đường số 5. Địch đánh từng đoạn ngắn rồi chiếm giữ. Lực lượng của ta đã anh dũng chiến đấu chặn bước tiến của quân địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Chiều 23.12.1946, 2 cánh quân địch hợp điểm tại khu vực cầu Phú Lương rồi tiến vào thị xã Hải Dương. Mặc dù lực lượng, vũ khí, phương tiện của địch lớn nhưng các chiến sĩ Thành Đông vẫn dùng cảm đánh chặn. Trung đoàn 44 và các đơn vị cảnh vệ, tự vệ chiến đấu, các đội cảm tử, công an xung phong đã bám trụ từng góc phố, căn nhà; tổ chức đánh bằng mọi thứ vũ khí, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, do sức địch mạnh, Ban Chỉ huy mặt trận đã lệnh cho các lực lượng rút khỏi thị xã. Đêm 23.12.1946, các đơn vị bộ đội, cảnh vệ rút ra ngoại ô, chấm dứt thời kỳ đánh địch trong nội thị.

Sau khi địch chiếm Hải Dương, các lực lượng vũ trang tổ chức đánh giải tỏa giao thông, làm nhiệm vụ phá hoại, ngăn chặn địch và giúp nhân dân tản cư.

Sau 3 tháng từ ngày toàn quốc kháng chiến, với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân và dân Hải Dương đã chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều tổn thất, góp phần cùng cả nước làm thất bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp.

Theo Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương những ngày đầu toàn quốc kháng chiến