7 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long và Hậu Giang sẽ ngưng phát sóng truyền hình analog vào ngày 31-12-2016.
Ảnh minh họa |
Ngày 19-10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình và chuẩn bị triển khai giai đoạn 2.
Trong giai đoạn đầu của Đề án, 5 tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ đã hoàn thành truyền hình số hóa và ngưng phát sóng truyền hình analog.
Ở giai đoạn 2 của đề án, 25 tỉnh, thành phố sẽ tắt truyền hình analog; trong đó 7 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long và Hậu Giang sẽ ngưng phát sóng truyền hình analog vào ngày 31-12-2016.
Báo cáo kết quả giai đoạn 1 của Đề án, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết, việc phủ sóng truyền hình số tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận đã được thực hiện theo đúng lộ trình.
Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 hiện nay đã lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng truyền hình analog. Tại phần lớn các địa bàn đã phủ sóng truyền hình số mặt đất, người dân đã có thể thu được từ 26-70 kênh chương trình. Chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đánh giá, giai đoạn 1 của Đề án thành công tốt đẹp là nhờ một phần rất lớn vào hiệu quả tuyên truyền tích cực, sáng tạo của các cơ quan báo chí, truyền hình. Các doanh nghiệp tích cực triển khai phủ sóng, đáp ứng yêu cầu diện tích vùng phủ sóng cũng như chất lượng thu phát. Người dân tại các địa phương đều ủng hộ vì thấy rõ ưu điểm của truyền hình số so với truyền hình analog.
Đây chính là điều kiện quyết định và là thước đo đánh giá thành công của giai đoạn 1. Công tác hỗ trợ đầu thu cho người nghèo được thực hiện đúng đối tượng và kịp thời. Người dân cũng lựa chọn được ti vi tích hợp đầu thu truyền hình số thích hợp trên thị trường.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu, trong giai đoạn 2, các đơn vị cần bảo đảm đúng 24 giờ ngày 31-12 sẽ tắt truyền hình analog tại 7 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long và Hậu Giang.
15 tỉnh (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang) sẽ tiến hành ngừng phát sóng truyền hình analog từ ngày 1-7-2017. Nếu địa phương nào đủ điều kiện để tắt sớm hơn thì nên tiến hành ngưng phát sóng trước thời hạn trên.
Giai đoạn 2 của Đề án được nhận định sẽ thuận lợi hơn vì giai đoạn đầu đã thành công và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, giai đoạn 2 lại được thực hiện trên diện rộng là tại 25 địa phương, trong đó có nhiều địa phương khó khăn với địa hình thuộc loại "vùng lõm" khó triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, số lượng người nghèo ở các địa phương này khá lớn.
Do đó, việc thống kê số lượng hộ nghèo để hỗ trợ đầu thu cần được tiến hành sớm, rõ ràng, minh bạch. Việc tuyên truyền cho người dân cần tiến hành sớm với hình thức ngắn gọn, dễ hiểu, không dùng từ kỹ thuật, sử dụng tờ rơi… với những đối tượng vùng sâu, vùng xa.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại mức thuế 35% đang áp đối với mặt hàng đầu thu truyền hình số mặt đất, có điều chỉnh giảm hợp lý để hỗ trợ thực hiện đề án trong giai đoạn sắp tới.
TTXVN