Ai từng được sống trong thời khắc trọng đại của ngày 30.4.1975 khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải hẳn sẽ không thể nào quên.
Nhân dân thị xã Hải Dương mít tinh chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975
Xúc động nghe tin chiến thắng
Đã ở tuổi 90 nhưng cụ Vũ Chử (TP Hải Dương) vẫn còn nhớ như in ngày 30.4.1975. Lúc đó cụ đang là Trưởng Phòng Thông tin, biên tập của Ty Thông tin Hải Hưng. Ngày ấy, cụ và người thân trong gia đình, hàng xóm đều theo dõi sát diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Gần 12 giờ trưa 30.4.1975, đang ở nhà thì cụ giật mình khi nghe đài phát bản tin thông báo Sài Gòn đã được giải phóng. Cụ không tin vào tai mình. Phải đến khi bản tin nhắc lại lần thứ hai cụ mới tin đó là sự thật và bật người khỏi ghế hô lớn: "Giải phóng Sài Gòn rồi!". Cả nhà cụ ai ai cũng ngỡ ngàng, ôm nhau vừa cười, vừa khóc.
Thông tin giải phóng Sài Gòn được lan truyền khắp nơi từ thành thị đến các vùng quê trong tỉnh. Để đưa thông tin chiến thắng đến với người dân nhanh chóng có vai trò rất lớn của các đài truyền thanh địa phương. Thời kỳ này, Đài Truyền thanh huyện Cẩm Bình (nay là 2 huyện Cẩm Giàng và Bình Giang) có 2 điểm truyền thanh. Một điểm đặt ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), điểm còn lại đặt ở xã Thái Học (Bình Giang). Bà Lê Thị Miền (69 tuổi, ở thôn Ngọ, thị trấn Lai Cách), nguyên là cán bộ Đài Truyền thanh huyện Cẩm Bình nhớ lại: "Năm 1975, tôi là cán bộ trực máy, làm nhiệm vụ tiếp âm và đọc phát thanh ở điểm Lai Cách. 30.4.1975 là ngày nghỉ của tôi. Nhà tôi có 1 chiếc radio nhỏ lúc nào cũng mở để theo dõi thông tin. Gần 12 giờ trưa 30.4.1975, lúc tôi đang dọn dẹp nhà thì nghe được thông tin Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Tôi vội đến cơ quan. Lúc này, anh em đều có mặt đông đủ và tập trung vào việc tiếp âm". Chiếc radio mở to hết cỡ để bắt sóng từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, chiếc micro thu âm rồi chuyển vào máy tăng âm để truyền đến các loa truyền thanh trên địa bàn. Do số loa có hạn, chất lượng âm thanh còn kém, người dân ở các xóm, thôn dù đang trong nhà hay làm việc ngoài đồng đều đổ về đứng dưới loa để nghe được rõ tin giải phóng Sài Gòn. "Ai cũng rưng rưng xúc động và nghe như nuốt từng lời. Kết thúc bản tin, không ai bảo ai đều nhảy lên hò reo. Những ngày sau đó, đài liên tục cập nhật thông tin liên quan đến chiến thắng và không khí ăn mừng của nhân dân cả nước", bà Miền kể.
Tưng bừng ngày hội non sông
Theo lời cụ Chử, ngay sau khi giải phóng Sài Gòn, Ty Thông tin Hải Hưng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, trang trí, tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao chào mừng chiến thắng. Cơ quan cũng biên tập tài liệu giới thiệu về Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến thắng 30.4 gửi đài truyền thanh cấp huyện, cán bộ thông tin cơ sở để kịp thời tuyên truyền. Bản đồ về toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh, bản đồ nước Việt Nam thống nhất với các địa danh Hà Nội - Huế - Sài Gòn gắn với biểu tượng chùa Một Cột, kinh thành Huế, chợ Bến Thành cùng dòng chữ "Nước Việt Nam là một" được trưng bày ở các điểm trung tâm. Các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị cũng phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất lập thành tích chào mừng. Cụ Chử cho biết: "Hồi đó thiếu thốn, các khẩu hiệu, bản đồ, biểu ngữ đều do cán bộ, nhân dân tự làm. Mọi người dùng mực, phấn, than củi để kẻ vẽ các khẩu hiệu, hình ảnh trên tường. Bản đồ dùng bột màu vẽ lên tấm vải diềm bâu, khung làm bằng gỗ hoặc bằng thân tre".
Từ khi biết thông tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đâu đâu trong tỉnh cũng tràn ngập niềm vui, nụ cười và cả nước mắt mừng ngày non sông thống nhất. Chưa bao giờ người dân Hải Dương được chứng kiến bầu không khí ăn mừng tưng bừng như vậy. Trên các ngả đường từ thành thị đến nông thôn đều rực rỡ cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, biểu ngữ, khẩu hiệu. Từng đoàn người tham gia mít tinh, diễu hành rồi đổ về trung tâm các huyện, thị xã.
Khí thế nhất là tại Quảng trường Độc Lập của TP Hải Dương bây giờ. Hàng nghìn người về đây mít tinh, diễu hành và không ngớt hô vang: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!". Không khí chào mừng đại thắng ở các vùng quê cũng tưng bừng, náo nhiệt không kém. Cụ Lưu Đức Huân (85 tuổi, ở thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An, Ninh Giang) bồi hồi nhớ lại: "Lúc đó, tuy cuộc sống của nhân dân còn thiếu thốn, khó khăn, nhưng nhà nhà đều hân hoan, phấn khởi trước ngày hội non sông. Nhà nào có cờ Tổ quốc đều đem ra treo, học sinh đi cổ động chiến thắng trên khắp các trục đường thôn, xã. Các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ tổ chức ca hát. Nhiều làng tổ chức mổ lợn, gạn ao bắt cá ăn mừng".
DANH TRUNG