Chiều 31.8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế, xã hội trong phòng chống dịch Covid-19.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại cuộc làm việc
Chiều 31.8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế, xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021.
Tại cuộc làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng đã giải trình, trả lời một số vấn đề thành viên đoàn giám sát quan tâm và tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn. Đồng chí đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu đầy đủ hơn khi ban hành chính sách để bảo đảm sự đồng bộ, thuận lợi khi địa phương triển khai, tránh xảy ra sai phạm đáng tiếc; quan tâm chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho người lao động; hoàn thiện chính sách quy hoạch xây dựng khu công nghiệp mới, bổ sung điều kiện cho các khu công nghiệp hiện có, hướng tới đủ điều kiện thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát
UBND tỉnh đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành đang gây vướng trong thực tiễn. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí mua sắm, bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cao cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương; không tinh giản biên chế trạm y tế... Bộ Y tế cần sớm phê duyệt và công bố giá kê khai trang thiết bị, hoá chất, vật tư y tế để các đơn vị có căn cứ xây dựng giá kế hoạch làm cơ sở chọn nhà thầu theo quy định.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng một số chính sách được ban hành nhanh chóng nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể, kịp thời, chi tiết để địa phương thực hiện. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tỉnh Hải Dương đã linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo phòng chống dịch, chủ động sử dụng nguồn lực của tỉnh để thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực, không có đơn thư khiếu kiện. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện tốt chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chỉ số đều tăng, nằm trong top đầu toàn quốc.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh kịp thời khen thưởng, giải quyết chính sách cho người tham gia phòng chống dịch Covid-19; quyết liệt trong công tác tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng; tăng cường chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chính sách.
Trước đó, đoàn đã giám sát tại UBND thị xã Kinh Môn, Sở Y tế và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Theo UBND tỉnh, trong phòng chống dịch Covid-19, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Hải Dương đã xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, bảo đảm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh cơ bản giữ ổn định; đời sống người dân và các đối tượng chính sách được bảo đảm. Tuy nhiên, tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số quy định về hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động chưa rõ ràng; tình trạng nhân viên y tế quá tải; trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 không bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế; việc mua sắm, đấu thầu thuốc khó khăn do khan hiếm và vướng thủ tục... Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021 của Hải Dương, tỷ lệ bao phủ năm 2021 là 91% dân số (hơn 1,7 triệu người tham gia), vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021, Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền về chính sách do những vướng mắc trong quy định của pháp luật. Hiện nay, người có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội chủ yếu trên 45 tuổi, e ngại tham gia vì số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí quá dài (20 năm). Đối với người lao động có thu nhập thấp, mức hỗ trợ của Nhà nước hiện rất thấp (10% mức đóng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn). Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. |
PHONG TUYẾT