Để việc tiêu thụ vải thiều đạt hiệu quả cao nhất, ngoài việc nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường đã có, Hải Dương đặc biệt coi trọng thị trường nội địa.
Vải thiều được sản xuất theo quy trình VietGAP tại Hải Dương
Đa dạng hóa thị trường
Những năm trước đây, quả vải Hải Dương chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước khác chiếm khoảng 40%. Nhưng năm nay, lường trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã tập trung tìm hướng tiêu thụ vải thông qua hệ thống siêu thị, doanh nghiệp chế biến nông sản trong nước...
Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hải Dương đặc biệt coi trọng thị trường nội địa trong nước. Đến nay, vải thiều Thanh Hà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Happro, BigC, Vinmart, các chợ đầu mối hoa quả ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đối với thị trường xuất khẩu, Hải Dương duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Ngoài thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, tỉnh đã đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ địa phương trong xuất khẩu, đặc biệt, tiếp tục tập trung hỗ trợ duy trì ổn định và nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường đã có như: Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Thuỵ Điển...; đồng thời đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng các thị trường mới.
Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua vải để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Vải Hải Dương ngày càng chinh phục thị trường trong nước và quốc tế
Phối hợp, đẩy mạnh tiêu thụ vải
Để thúc đẩy việc tiêu thụ vải thiều, Sở Công thương Hải Dương đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quả vải thiều của tỉnh, nhất là vải Thanh Hà trên các trang mạng trong và ngoài nước và thông qua các tờ rơi, tờ gấp. Sở đã đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố khác, các doanh nghiệp, siêu thị, hiệp hội doanh nghiệp phối hợp cùng tiêu thụ quả vải.
Cụ thể, đề nghị các sở công thương các tỉnh, thành phố tích cực quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ kết nối cung, cầu tiêu thụ vải quả của Hải Dương; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu mua, tiêu thụ vải quả tại địa phương; hỗ trợ tỉnh và các doanh nghiệp Hải Dương đưa quả vải vào bán tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn trên địa bàn. Cung cấp thông tin về sản lượng, thời vụ, danh sách các đầu mối thu mua, cung cấp vải quả của Hải Dương; dự báo nhu cầu tiêu thụ quả vải tại địa bàn; tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích tiêu thụ vải quả của Hải Dương trên các phương tiện thông tin của địa phương. Các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp của Hải Dương kết nối với các doanh nghiệp có năng lực để xuất khẩu vải quả của tỉnh vào các thị trường mới. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, thương nhân, cá nhân trong vận chuyển, tiêu thụ vải; tích cực phối hợp và đẩy mạnh liên kết, phát triển và mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối, tiêu thụ vải quả của Hải Dương trên địa bàn...
Sở Công thương Hải Dương cũng đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối trong cả nước chủ động nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp theo thời vụ; tích cực kết nối với các doanh nghiệp, đầu mối thu mua, tiêu thụ vải quả, các cơ quan chức năng của Hải Dương (Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); UBND huyện Thanh Hà, UBND TP Chí Linh để tìm hiểu, bàn bạc, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải quả. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát sao, cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc để tuyên truyền, khuyến cáo, điều chỉnh tiến độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu; đa dạng hóa hình thức vận chuyển, giao nhận hàng hóa để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ; hạn chế những thiệt hại cho doanh nghiệp, thương nhân và góp phần tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Sở Công thương Hải Dương đề nghị cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh có biên giới với Trung Quốc phối hợp với Sở Công thương và các ngành chức năng của Hải Dương, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu vải quả nhanh chóng, thuận lợi.
Năm 2020, Hải Dương có 9.750 ha vải, trong đó huyện Thanh Hà có 3.600 ha, TP Chí Linh 3.900 ha, còn lại ở các địa phương khác. Tổng sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 45.000 tấn, tăng hơn 20.000 tấn so vụ vải năm 2019. Trà vải sớm thu hoạch từ ngày 5.5 - 5.6.2020. Trà vải thiều chính vụ đạt khoảng 25.000 tấn, tăng gấp 3 - 4 lần so với năm trước, thời gian thu hoạch từ ngày 5.6 - 30.6. |
Theo báo Công thương