Môi trường

Hải Dương hành động sớm, chủ động trước thiên tai

NHẤT NGUYÊN 22/05/2024 10:45

Từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết, thiên tai tại Hải Dương diễn biến trái quy luật, cực đoan, dự báo những tháng còn lại của năm 2024 sẽ khốc liệt hơn. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động hành động sớm để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

z5458880797250_0bb8c82e0aff1e19ba66168e200f5ab3.jpg
Từ đầu tháng 5 đến nay đã xuất hiện một số trận mưa to cục bộ làm một số tuyến đường ở TP Hải Dương bị ngập sâu, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân

Thiên tai bất thường

Chỉ tính riêng năm 2023, cả nước xảy ra 1.964 trận thiên tai với 21/22 loại hình, đặc biệt mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng làm 1.129 người chết, mất tích, thiệt hại trên 9.324 tỷ đồng. Trong đó Hải Dương có 1 người chết do sét đánh, thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính 20 tỷ đồng. Năm 2023, thiệt hại do thiên tai tại Hải Dương giảm đáng kể so với năm 2022 khi giảm 1 người chết và giảm thiệt hại 110 tỷ đồng. Đây cũng là năm có số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết, thiên tai tại Hải Dương lại trái quy luật, cực đoan như rét đậm, rét hại diễn ra nhiều đợt, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng.

Ông Vũ Văn Nhuận ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) cho biết chưa năm nào vải thiều chính vụ bị mất mùa như năm nay. Nguyên nhân chính do thời tiết không thuận lợi, rét đậm, rét hại kéo dài kèm mưa nắng thất thường khiến vải thiều không ra hoa được.

Thời tiết thay đổi bất thường khi giao mùa cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu oxy hòa tan trong nước, làm chết gần 1.000 tấn cá lồng ở TP Hải Dương và huyện Nam Sách đầu tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, mới từ đầu tháng 5 đến nay đã xuất hiện các trận mưa to cục bộ làm một số tuyến đường ở TP Hải Dương bị ngập sâu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người dân.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo những tháng còn lại của năm 2024 thiên tai sẽ khốc liệt hơn. Hải Dương có khả năng chịu ảnh hưởng từ 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới tập trung trong các tháng 8-9. Toàn mùa có thể xảy ra từ 5-8 đợt mưa to đến rất to. Cao điểm nắng nóng tập trung vào tháng 6 và tháng 7 với số đợt nhiều hơn và gay gắt hơn trung bình nhiều năm.

Sẵn sàng ứng phó

tram-bom-van-thai.jpg
Trạm bơm Văn Thai (Cẩm Giàng) có 8 máy bơm với tổng công suất 64.800 m3/giờ, cùng với Trạm bơm Tiên Kiều sẵn sàng tiêu úng 4.467 ha của 8 xã và 2 thị trấn của huyện Cẩm Giàng

Với phương châm hành động sớm, chủ động trước thiên tai, trước mỗi thời điểm được dự báo có thể xảy ra thời tiết bất lợi, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đều chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả nếu có.

Huyện Cẩm Giàng là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của mưa lớn trong những năm gần đây, do đó công tác phòng chống ngập úng luôn được địa phương này quan tâm, chú trọng. Tổng diện tích tiêu úng của Cẩm Giàng là 5.994,6 ha được chia làm 5 vùng. Ngay từ đầu năm, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã giao nhiệm vụ cho các cụm thủy nông phối hợp với các địa phương quản lý, đảm nhiệm các vùng này. Trong đó Cụm Thủy nông Văn Kiều quản lý 2 trạm bơm Văn Thai và Tiên Kiều với tổng diện tích lưu vực bơm tiêu là 4.467 ha (chiếm 74,5% diện tích tiêu úng của huyện), gồm 8 xã và 2 thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Đương, Cụm trưởng Cụm Thủy nông Văn Kiều cho biết 2 trạm bơm trên có động lực tiêu lớn, rất thuận lợi cho việc tiêu úng. Trước mùa mưa bão năm nay, toàn bộ 16 máy bơm đã được duy tu, bảo dưỡng sẵn sàng bơm chống úng. "Chúng tôi đề nghị các xã trong lưu vực tiếp tục giải tỏa vật cản, tuyên truyền, nhắc nhở người dân không xả rác thải vào các tuyến kênh gây ô nhiễm và cản trở dòng chảy", ông Đương cho biết.

Chị Trần Thị Hải, Trạm trưởng Trạm bơm Văn Thai cho biết vào mùa mưa bão trạm bố trí 2 người/ca trực; khi có mưa lớn hoặc có bão xuất hiện trên Biển Đông sẽ huy động 50% quân số. Trong trường hợp bão khẩn cấp sẽ huy động toàn bộ quân số trực 24/24h để ứng phó. Đồng thời tăng cường kiểm tra kênh mương nội đồng, mở cống tiêu thoát nước đệm và vận hành máy bơm khi có lệnh của cấp trên.

Những năm qua, hệ thống đê điều của huyện Tứ Kỳ cũng được quan tâm đầu tư tu bổ nên các trọng điểm xung yếu đã giảm dần. Tuy nhiên do lũ hệ thống sông Thái Bình chịu tác động của sự biến động dòng chảy nên các kè và bờ sông vẫn đang có biến động mạnh. Năm 2024, địa phương này có 3 trọng điểm công trình đê điều xung yếu gồm: cống Dừa A ở đê hữu sông Thái Bình (xã Chí Minh), kè Thanh Kỳ ở đê hữu sông Thái Bình (xã An Thanh) và chống tràn qua đê tại đê tả sông Luộc (xã Nguyên Giáp).

Ông Nguyễn Công Thân, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ cho biết các trọng điểm này đều được xây dựng phương án bảo vệ chi tiết, trong đó có tình huống giả định xảy ra sự cố và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để khắc phục kịp thời. Tuy nhiên về lâu dài cần được đầu tư, tu bổ để xóa bỏ các trọng điểm này.

Năm 2024, Hải Dương xác định 27 trọng điểm công trình đê điều xung yếu, giảm 3 trọng điểm so với năm 2023. Trong đó huyện Thanh Hà nhiều nhất với 7 trọng điểm. Tiếp theo là Kim Thành 6 trọng điểm, Kinh Môn 4 trọng điểm... Tất cả các trọng điểm này đều được xây dựng phương án bảo vệ.

NHẤT NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương hành động sớm, chủ động trước thiên tai