Xã hội

Hải Dương gỡ khó cho hộ nghèo “không lối thoát”

THANH NGA 07/07/2024 15:00

Hộ nghèo “không lối thoát” là những hộ không có sức lao động, không có khả năng vươn lên thoát nghèo. Hải Dương đã và đang nỗ lực tìm cách gỡ khó cho các hộ này bằng chính sách an sinh xã hội thiết thực.

img_7770.jpg
Vợ chồng ông Vũ Văn Thường và bà Phạm Thị Bé cùng 3 người con ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) đang sống chủ yếu phụ thuộc vào tiền trợ cấp xã hội

Cái nghèo bủa vây

Bà Lê Thị Thuận năm nay hơn 70 tuổi ở thôn Thiết Tái, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ). Chồng mất sớm, để lại cho bà gánh nặng nuôi 3 người con. Nhưng hoàn cảnh thật éo le với người mẹ tội nghiệp ấy. Người con gái lớn của bà lấy chồng nhưng không may cả 2 vợ chồng đều bị tai biến, sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng. Người con thứ 2 quanh năm làm nghề đội bê tông, phụ hồ nuôi một đứa con bệnh tật. Còn người con thứ 3 của bà Thuận năm nay đã ngoài 30 tuổi nhưng chỉ giống như một đứa trẻ. Anh bị khuyết tật từ nhỏ, không thể đi lại được, mọi thứ từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống đều phải do bà Thuận hỗ trợ.

Chị Trần Minh Lý, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thiết Tái cho biết cuộc sống của mẹ con bà Thuận rất khổ, không có cách nào có thể thoát nghèo. Bà Thuận tuổi đã cao, hằng ngày lại phải chăm sóc con nên không thể làm gì để có thu nhập. Hiện 2 mẹ con bà sống bằng nguồn trợ cấp người khuyết tật và chế độ đối với người chăm sóc của Nhà nước, được hơn 1 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó, mẹ con bà Thuận cũng chỉ bữa no bữa đói qua ngày vì bà còn phải dành tiền mua thuốc thang cho con trai.

Người dân xã Thanh Xá (Thanh Hà) đều không lạ với hoàn cảnh của gia đình ông Vũ Văn Thường (sinh năm 1960) và bà Phạm Thị Bé (sinh năm 1961) ở thôn 1. Ông bà sinh được 3 người con thì cả 3 đều có vấn đề về sức khỏe, trí tuệ. Đến nay đều đã ngoài 30 tuổi nhưng tất cả các con vẫn sống cùng bố mẹ, không thể tự lập. Sức khỏe của ông Thường hiện cũng đã rất kém, đi lại chậm chạp và thường nhớ nhớ quên quên. Bà Bé do mắt kém nên cũng không làm được việc gì kiếm tiền, chỉ quanh quẩn chăm sóc chồng, con. Cả gia đình 5 người sống trong căn nhà bịt tôn tuềnh toàng bên cạnh vườn vải u buồn. Thời gian trôi đi, tuổi ngày càng nhiều, sức khỏe càng giảm sút thì mong ước thoát nghèo của gia đình ông Thường càng trở nên xa vời.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ năm 2023, toàn tỉnh có 8.695 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34%. Trong đó có 6.013 hộ nghèo không có khả năng lao động, khó có khả năng thoát nghèo.

Chính sách an sinh trụ cột

z5600129889092_6522afe316738a2ab65304a77eecf16c.jpg
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP Hải Dương hỗ trợ đột suất cho gia đình anh Nguyễn Văn Cừ hoàn cảnh khó khăn ở thôn Phú Triều, xã Liên Hồng (ảnh cơ sở cung cấp)

Để tìm cách giúp những hộ nghèo không có khả năng lao động, thuộc diện bảo trợ thoát nghèo bằng nội lực là bài toán quá khó khăn, gần như không thể. Anh Nguyễn Văn Tỉnh, cán bộ phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội xã Thanh Xá cho biết cả xã có gần 30 hộ nghèo không có sức lao động. Xã đã tìm mọi biện pháp hỗ trợ. Về hỗ trợ xây dựng nhà ở thì còn có thể kêu gọi các nguồn lực. Nhưng để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các gia đình này thì rất khó khăn. Cụ thể như Hội Phụ nữ xã đã tìm cách kết nối để 3 người con của ông Thường được làm việc cho một doanh nghiệp ở Cẩm Giàng, hằng ngày đi về bằng xe đưa đón của công ty. Nhưng mới làm vài ngày một người đã phải xin nghỉ do không đáp ứng được. 2 người còn lại đến nay mới làm được hơn 1 tháng nhưng cũng trong diện được công ty hết sức chiếu cố. Bà Bé cho biết có lẽ các con cũng không làm được lâu vì mắt kém và khả năng nhận thức hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương cho rằng đối với những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ nếu không có sự trợ giúp của xã hội, của người thân thì chắc chắn không thể thoát nghèo. Trong đó các chính sách an sinh của nhà nước phải là trụ cột. Việc vận động xã hội hóa cũng rất cần thiết và hữu ích nhưng nguồn hỗ trợ này thường không lâu dài.

Thực tế là hều hết hộ nghèo khó thoát nghèo rơi vào nhóm đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật. Thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, ông Tế cho biết chủ yếu chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần, nguồn hỗ trợ vật chất chưa đáng kể và không thể giúp họ thoát nghèo, bởi nguồn lực và sự kêu gọi của hội chỉ có hạn.

Hiện nay, Hải Dương đã thực hiện nâng mức chuẩn trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội lên 380.000 đồng/người/tháng, cao hơn 20.000 đồng so với quy định tại Nghị số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, ông Tế cho rằng tỉnh cũng nên cân đối nguồn lực để có thêm những chính sách thiết thực hơn nữa trợ giúp cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, đối tượng hộ nghèo không còn sức lao động nói riêng. Một số địa phương gần Hải Dương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh… cũng đã triển khai những chính sách an sinh đối với nhóm người cao tuổi, yếu thế rất hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương tiếp tục thực hiện xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh về trợ cấp xã hội hằng tháng với một số đối tượng là thành viên hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự kiến trợ cấp thêm cho 8.636 người là thành viên hộ nghèo không có khả năng lao động để đạt tổng trợ cấp 2 triệu đồng/người/tháng.

Nếu chủ trương này thành hiện thực, chắc chắn sẽ là niềm vui và là chìa khóa để hộ nghèo “không lối thoát” ở Hải Dương mở ra cánh cửa hy vọng.

THANH NGA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương gỡ khó cho hộ nghèo “không lối thoát”
    ss