Phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 7) xem xét tình hình giải ngân vốn đầu tư công các cấp năm 2024, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn.
Sáng 21/8, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 7) để xem xét, giải quyết các nội dung, tờ trình do một số sở, ngành, địa phương báo cáo.
Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 8 (lần 7) tập trung thảo luận về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và bàn giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản thông tin hiện tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đã được phân bổ chi tiết hết cho các dự án, công trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các chủ đầu tư thường xuyên, chủ động rà soát phân bổ vốn để đánh giá khả năng hấp thụ vốn. Với những dự án khó có khả năng giải ngân hết vốn phân bổ cần tham mưu điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn. Đây là nguyên tắc mấu chốt bảo đảm đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu quy định thay thế của UBND tỉnh thực hiện Luật Đất đai 2024 liên quan đến giải phóng mặt bằng. Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc Sở Xây dựng và các địa phương hoàn thiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, không để vướng mắc về quy hoạch tạo rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công. Sở Xây dựng phải kịp thời công bố đơn giá xây dựng bám sát thị trường, tạo thuận lợi cho các bước chuẩn bị đầu tư.
Đi vào từng vấn đề cụ thể của từng địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải quyết liệt, sát sao trong giải phóng mặt bằng. Quy trình giải phóng mặt bằng phải thực hiện chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của người dân ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Các bước trong giải phóng mặt bằng phải được thông tin đầy đủ, cụ thể tới người dân bằng văn bản.
Về kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát danh mục dự án đầu tư công. Trong đó phải lấy mục tiêu phát triển để đề xuất đầu tư, ưu tiên các dự án về môi trường, giáo dục, văn hóa, công nghệ thông tin…
Tổng vốn đầu tư công năm 2024 của Hải Dương là 8.426,9 tỷ đồng. Đến ngày 20/8 toàn tỉnh đã giải ngân được 2.025 tỷ đồng, đạt 24% so với tổng vốn thanh toán và 29,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn ngân sách cấp huyện, xã đã giải ngân 924 tỷ đồng, đạt 16,4% kế hoạch, vốn ngân sách tỉnh đã giải ngân 1.101 tỷ đồng, đạt 22,5%.
Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 8 (lần 7) còn xem xét, thảo luận về tờ trình ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 trên địa bàn tỉnh; đề xuất danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; xử lý các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ và triển khai không bảo đảm quy định trên địa bàn tỉnh theo Thông báo kết luận số 1592-TB/TU ngày 17/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Xem xét việc chấm dứt dự án xây dựng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Hải Dương); việc đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định hỗ trợ học phí đối với người học giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư Đại An, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) tỷ lệ 1/500 (điều chỉnh lần 2); tờ trình về bổ sung kinh phí cho Sở Xây dựng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở công trình xây dựng; xây dựng khảo sát thu thập thông tin, xác định đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh.