Trong khó khăn gian khổ, Hải Dương luôn đi đầu trong cả nước về lao động sản xuất, đồng thời tiễn đưa hàng vạn người con ưu tú lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Bộ đội phòng không của tỉnh bắn hạ nhiều máy bay Mỹ |
Sau khi kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ thừa nhận về độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng với âm mưu bá chủ thế giới, Mỹ là một trong những nước dự hội nghị Giơ-ne-vơ đã không ký vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị, nhanh chóng thay thế Pháp, xúc tiến kế hoạch xâm nhập miền Nam nước ta, với âm mưu tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công miền Bắc và các nước XHCN. Việt Nam đã trở thành tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á. Trong khi nhân dân ta chưa kịp hưởng hòa bình, đã phải bước ngay vào cuộc trường chinh kháng chiến chống lại kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh nhất và hiếu chiến nhất cầm đầu phe đế quốc trong thế kỷ XX. Nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bắt đầu từ tháng 7-1954. Sau hơn 20 năm kiên cường chiến đấu, chúng ta đã chiến thắng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30-4-1975. Đó là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, ác liệt nhất và phức tạp nhất, nhưng vẻ vang nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ trước đến nay.
Trải qua gần 21 năm chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta ra sức thi đua, tăng cường củng cố, xây dựng bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc XHCN, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt; kiên trì đấu tranh bảo vệ, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng ở miền Nam trước sự khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, điển hình là Luật 10/59 khét tiếng tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng ta đã từng bước chuyển sang thế tấn công, lần lượt làm thất bại mọi âm mưu chiến lược chiến tranh của kẻ thù để đi đến Chiến thắng lịch sử năm 1975. Tất cả các thủ đoạn chiến tranh xâm lược, từ "Chiến tranh đặc biệt", thực hiện dồn dân vào ấp chiến lược, tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân để càn quét, tấn công; đến "Chiến tranh cục bộ", với ý đồ sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta, dùng quân đội ngụy để bình định, kìm kẹp nhân dân, sử dụng không quân, hải quân phá hoại miền Bắc và cuối cùng là âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh", đẩy mạnh viện trợ quân sự-quốc phòng cho chính quyền miền Nam Việt Nam, phát triển lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, thực hiện "dùng người Việt đánh người Việt", mở rộng chiến tranh sang Lào, Cam-pu-chia, leo thang chiến tranh phá hoại, sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược B52 tàn phá Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố, các đường giao thông quan trọng và nhiều khu công nghiệp lớn của miền Bắc đều bị kẻ thù áp dụng trên chiến trường Việt Nam nhưng tất cả đã bị thất bại hoàn toàn.
Trong quá trình chiến tranh, chúng ta vừa kiên quyết trong tiến công địch trên các chiến trường vừa khôn khéo trong đàm phán, phối hợp "Vừa đánh vừa đàm", tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhiều phong trào phản đối chiến tranh ngay trong lòng nước Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri rút hết quân và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là thắng lợi của nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức tiến hành chiến tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Với phương châm “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” chỉ trong 55 ngày đêm, kết hợp sức mạnh tổng hợp cả quân sự, chính trị và ngoại giao, cùng với quyết tâm cao của quân và dân cả nước, bằng ba đòn tấn công chiến lược. Bắt đầu là chiến dịch Tây Nguyên, mở màn là trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên; sau đến Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng quét sạch quân địch ở ven biển Trung Bộ; kết thúc là chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bằng sự tiến công dũng mãnh của 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi hoàn toàn, miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đặt dấu chấm hết vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 115 năm của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Nhân dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước, hoà hợp dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã làm sụp đổ và đè bẹp cả một bộ máy chiến tranh khổng lồ với hơn 1 triệu quân nguỵ được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại và sự hậu thuẫn đắc lực của đế quốc Mỹ. Toàn bộ bộ máy nguỵ quyền, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng qua 5 đời tổng thống đã bị đập tan hoàn toàn.
Trong hơn 20 năm chiến đấu kiên cường, qua 5 giai đoạn chiến lược, mỗi một giai đoạn đánh dấu bước chuyển biến về chất, về tương quan lực lượng, cục diện chiến tranh để cuối cùng thực hiện bước quyết định giành thắng lợi hoàn toàn bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã phản ảnh bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng sáng suốt và tài tình của Đảng ta. Với trí tuệ tuyệt vời và sự nhạy cảm sắc sảo về chính trị, Đảng ta đã phân tích, đánh giá và xử lý đúng đắn, chính xác, kịp thời các tình huống khó khăn, ác liệt, phức tạp để lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta đánh bại các kiểu chiến tranh của một tên đế quốc đầu sỏ, hiếu chiến. Qua chiến đấu và chiến thắng, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta càng nhận thức sâu sắc hơn, đúng đắn hơn vị trí, khả năng và sức mạnh của mình trong thời đại mới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình cách mạng Việt Nam mà còn nâng vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới lên một tầm cao mới, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau, đúng như Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những thắng lợi tiêu biểu nhất của lực lượng cách mạng thế giới trong thế kỷ thứ XX. Thắng lợi đó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc ở khắp mọi nơi; là thắng lợi mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới; là thắng lợi của biểu tượng mới về sức mạnh của cách mạng thế giới, sức mạnh của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm tiêu tan huyền thoại về sức mạnh không thể địch nổi của đế quốc Mỹ. Đó là sự khẳng định thắng lợi của một chân lý: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-xít - Lê-nin-nít có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, dù đó là nước đế quốc đầu sỏ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta còn góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng 2 nước Lào và Cam-pu-chia anh em.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với ý chí của cả dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do", và quyết tâm "Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập", quân và dân tỉnh Hải Dương đã hoàn thành xuất sắc vai trò hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn. Bảo đảm vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa chi viện, kịp thời sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Các phong trào thi đua đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng rộng khắp trong toàn tỉnh, như thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, “Tay búa tay súng”, “Tay cày, tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong những năm tháng khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ những phong trào hành động cách mạng đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là cô du kích xóm Lai Vu Bùi Thị Vân "Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù”; nữ du kích Đặng Thị Quý ở xã Nam Chính (Nam Sách) bình tĩnh phá bom nổ chậm trước ngày cưới... đã đi vào thơ ca tạo thêm ý chí mới, sức mạnh mới cho quân và dân tỉnh nhà chiến đấu kiên cường, góp phần to lớn làm thất bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.
Trong khó khăn gian khổ, Hải Dương luôn đi đầu trong cả nước về lao động sản xuất, những cánh đồng 5 tấn, 10 tấn thắng Mỹ, đồng thời tiễn đưa hàng vạn người con ưu tú lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Hải Dương mỗi năm huy động từ 7 vạn đến 10 vạn tấn thóc (năm 1974 cao nhất, đạt hơn 13 vạn tấn), gần 10 nghìn tấn thịt lợn cho Nhà nước (là một trong những tỉnh đóng góp thóc và thịt lợn nhiều nhất cho tiền tuyến). Toàn tỉnh đã có 125.369 người con quê hương lên đường nhập ngũ; 68.558 người đi thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến cho các chiến trường và phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, Trung đoàn 2 của tỉnh trong 10 năm (1965 - 1975) đã huấn luyện 105 tiểu đoàn với hơn 10 nghìn chiến sĩ bổ sung cho các chiến trường. Toàn tỉnh cũng đã tiến hành đào đắp trên 3.000 km giao thông hào, trên 1 triệu mét khối đất, đá cho hệ thống phòng không, tháo gỡ 476 quả bom, mìn các loại; làm mới và sửa chữa trên 54 nghìn mét đường, hàng chục cầu và bến phà bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống; kiên cường chống chiến tranh phá hoại của địch, đã tổ chức chiến đấu trên 2.600 trận chống trả máy bay ném bom của đế quốc Mỹ, bắn rơi 83 máy bay các loại, trong đó có 13 chiếc do lực lượng vũ trang địa phương bắn hạ. Đã có hàng chục nghìn người con của quê hương Hải Dương hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình trên khắp các chiến trường.
Những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất nước nhà, thoả nguyện mong ước của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Chiến công của quân và dân tỉnh ta trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Hiện nay, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương; nhân dân và lực lượng vũ trang 12 huyện, thị xã, thành phố; nhân dân và lực lượng vũ trang 63 xã, phường, thị trấn và một doanh nghiệp trên địa bàn và 34 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 22 tập thể, 15 cá nhân anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước), 1.718 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 2.000 dũng sĩ diệt Mỹ, cùng nhiều Huân chương, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Từ một tỉnh thuần nông, sản xuất nhỏ bé, manh mún, trình độ canh tác lạc hậu, công nghiệp, dịch vụ hầu như chưa phát triển, sau 35 năm kể từ khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Hải Dương đã đạt được những thành tựu tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 9,7%/năm, quy mô nền kinh tế tăng hơn 2,19 lần so với năm 2005, tổng thu ngân sách nhà nước tăng gấp hơn 5 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện nay tỷ trọng nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ đạt 24% - 44,5% - 31,5%; toàn tỉnh có 20 khu công nghiệp tập trung được Chính phủ phê duyệt, trong đó nhiều khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, đang sản xuất hiệu quả. Hơn 200 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 4 tỷ USD đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh... Lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Mạng lưới, quy mô và chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có gần 300 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2005; chất lượng giáo dục được giữ vững, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT thường xuyên đạt 85,56%, là tỉnh liên tục nhiều năm có số lượng học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế xếp thứ hạng cao của cả nước; 74,5% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về y tế. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân liên tục được cải thiện, toàn tỉnh có 85% số gia đình, 57,1% số làng, khu dân cư, 85% số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá; tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm nhanh, từ 18% năm 2006 đến nay còn dưới 6,9%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được quan tâm và thực hiện tốt. Số tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh hằng năm đạt 75 - 80%, số cơ sở yếu kém giảm từ 1,9% năm 2006 xuống còn 0,66%. Năm 2009, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động không thuận lợi, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - chính trị của tỉnh ta, song với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã vượt qua khó khăn, thách thức giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP vẫn đạt 5,9%, cao hơn mức bình quân chung trong cả nước.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh đang nỗ lực thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 - năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 -2015 vào đầu quý IV năm 2010 và Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào đầu năm 2011n
Trích bài phát biểu của đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước do Tỉnh ủy tổ chức ngày 27-4-2010.
* Đầu đề do Báo Hải Dương đặt.