Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương định hướng phát triển không gian công nghiệp thành 3 vùng.
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương tiếp tục triển khai thực hiện 20 khu công nghiệp được duyệt, 3 khu công nghiệp mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển, hình thành thêm các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố, nâng tổng quỹ đất khu công nghiệp đến 2030 là 5.661 ha.
Ngoài ra, các khu công nghiệp có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp sẽ phát triển thêm quỹ đất khoảng 2.340 ha đất công nghiệp, nâng tổng quy mô quỹ đất công nghiệp của tỉnh lên khoảng 8.000 ha.
Không gian công nghiệp được chia thành 3 vùng như sau:
Vùng 1: Vùng công nghiệp động lực tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện
Vùng lõi trung tâm sẽ tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Vùng công nghiệp động lực quy mô sẽ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp lắp ráp lớn... có vai trò dẫn dắt định hướng các phân khu chính như: khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ với lõi là Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp sinh thái... làm động lực phát triển Hải Dương trở thành vùng công nghiệp trọng điểm vùng đồng bằng sông Hồng.
Tại vùng này chỉ ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ.
Vùng 2: Vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang.
Vùng công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo (bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại TP Hải Dương, các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Cẩm Giàng) được bố trí các diện tích đất cho thuê phù hợp nhu cầu mặt bằng trung bình của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đáp ứng được yêu cầu vị trí gần kề hoặc không quá 30 phút di chuyển bảo đảm việc cung ứng nhanh chóng cho các doanh nghiệp lắp ráp, công nghiệp công nghệ cao tại vùng lõi.
Tại vùng này chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ tiên tiến; công nghiệp công nghệ mới; công nghiệp công nghệ sạch; công nghiệp lắp ráp cơ khí, chế tạo, điện, điện tử không gây ô nhiễm môi trường; các doanh nghiệp lắp ráp lớn.
Vùng 3: Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thuỷ sản và năng lượng sạch với công nghiệp công nghệ cao làm trụ cột tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.
Đây là vùng có lợi thế về nguyên liệu thô cho chế biến như khoáng sản, nông sản và thủy sản với một số doanh nghiệp lớn đang hoạt động. Tại vùng này chỉ thu hút các dự án công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp dệt may - da giày, công nghiệp chế biến khoáng sản, luyện kim; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp thực phẩm; công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp sản xuất điện; công nghiệp năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp hoá chất, linh kiện nhựa, cao su, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp môi trường.
Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh Hải Dương có 61 cụm công nghiệp. Tập trung rà soát lại quy hoạch các cụm công nghiệp, đồng thời đầu tư, xây dựng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong các cụm công nghiệp hiện có, gia tăng diện tích quy hoạch cụm công nghiệp với quy mô khoảng 3.209 ha. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên trên 65%, thu hút trên 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong giai đoạn 10 năm vào phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp, nâng tổng số lượng việc làm tại cụm công nghiệp lên trên 77.000.
HÀ KIÊN