Hải Dương chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu siêu bão Hai Yan

10/11/2013 10:20

Dự báo, siêu bão Hai Yan (bão số 14) sẽ đổ bộ vào vùng bờ biển các tỉnh bắc Trung Bộ và khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Hải Dương.

* Hải Dương khẩn trương ứng phó với siêu bão
* 10 nghìn người chết tại 1 tỉnh dính bão Haiyan ở Philippines




Dự báo đường đi của bão số 14


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương,  hồi 17 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ vĩ bắc; 108,3 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Ninh khoảng 270 - 330 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 km. Đến 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa bắc và bắc đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,9 độ vĩ bắc; 107,0  độ kinh đông, trên khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13. Ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 – 4.5m. Sóng biển 2.0 – 4.0m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.

Cơ quan khí tượng quốc tế nhận định đường đi của bão Hai Yan

Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo hướng đi của bão Haiyan sẽ đổ bộ vào khu vực Đông Bắc Bộ
Vào 13 giờ chiều 10-11, cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo hướng đi
của bão Haiyan sẽ đổ bộ vào khu vực Đông Bắc Bộ

9h sáng nay 11/10, trang web Weather Underground dự báo bão Haiyan đổ vào đất liền trên địa bàn tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh. Hình ảnh trên vệ tinh và bản đồ
9h sáng 10-11, trang web Weather Underground dự báo bão Haiyan đổ vào đất liền trên
địa bàn tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh. Hình ảnh trên vệ tinh và bản đồ
Ảnh dự báo lức 7h sáng nay 10/11 từ Weather Underground. Hiện Weather Underground gọi là bão lớn (Typhoon Haiyan) thay vì siêu bão (Super Typhoon Haiyan) như trước
Ảnh dự báo lức 7h sáng 10-11 từ Weather Underground. Hiện Weather Underground gọi là bão lớn
(Typhoon Haiyan) thay vì siêu bão (Super Typhoon Haiyan) như trước
Trong khi đó, cơ quan Hải quân Mỹ dự báo bão Haiyan đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội
Trong khi đó, cơ quan Hải quân Mỹ dự báo bão Haiyan đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội
Lúc 7h sáng nay, cơ quan khi tượng Nhật Bản dự báo bão Haiyan hướng lên các tỉnh phía Đông Bắc

Lúc 7h sáng 10-11, cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo bão Haiyan hướng lên các tỉnh phía Đông Bắc


Công điện khẩn của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương (Công điện số 7)

Chiều 10-11, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành về công tác ứng phó với bão Hai Yan (bão số 14).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay bão số 14 đang di chuyển dần lên phía Bắc, tâm bão sẽ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hải Phòng. Tỉnh Hải Dương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu phía tây bắc của bão số 14. Hồi 13 giờ ngày 10-11, tại Hải Dương đã đo được gió mạnh cấp 5, thị xã Chí Linh gió cấp 4. Như vậy, đêm nay (10-11) đến sáng 12-11 trên địa bàn tỉnh có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 120-220 mm, có nơi lớn hơn. Trong những ngày tới, mực nước sông Thái Bình có thể lên mức báo động 1.


Để chủ động chống và đối phó với bão số 14, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh yêu cầu Ban PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, bão để chủ động phòng tránh. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan và nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, các công trình xây dựng, các mái tôn, mái vảy trên cao, đề phòng các cây lớn, cột điện gây đỗ gây mất an toàn. TP Hải Dương chỉ đạo Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương triển khai ngay phương án phòng, chống úng nội đồng và bảo vệ các cây lớn trong thành phố. Thị xã Chí Linh lên phương án bảo vệ các hồ chứa và phòng, chống lũ quét.  Tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc công điện số 6 của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh. Các huyện chủ động thực hiện các phương án bảo vệ cây vụ đông và các vùng nuôi thủy sản tập trung, các khu vực có nuôi cá lồng. Các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch diện tích lúa mùa muộn còn lại.


Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã chủ động bơm gạn tháo hạ thấp mực nước trên các sông trục, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương kiểm tra xử lý ngay các sự cố hư hỏng về điện các các trạm bơm tiêu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai thực hiện công điện số 159/ĐK:TK ngày 9-11 của Bộ tham mưu Quân khu III về triển khai phòng chống bão số 14.


Bão số 14 còn diễn biến phức tạp, yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các ngành thực hiện nghiêm túc việc thường trực trực ban, chế độ báo cáo để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.


Gia Lộc: Khuyến cáo nông dân thu hoạch sớm cây vụ đông

Ngay từ sáng ngày 10-11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã tổ chức 1 đoàn đi kiểm tra các công trình đê điều tại các xã Thống Kênh, Liên Hồng. Tổ chức kiểm tra tình hình sản xuất rau vụ đông của nông dân các xã Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Đồng Quang. Để chủ động đối phó với cơn bão số 14, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện bơm tiêu nước đệm. Các xã yêu cầu nông dân bổ lổ, tháo nước để đề phòng mưa lớn. Tại những nơi đang thu hoạch rau vụ đông, khuyến cáo nông dân thu hoạch sớm, nhất là diện tích rau bắp cải, rau gia vị đề phòng mưa lớn làm rau bị dập nát. Các xã có diện tích trồng bí xanh bằng phương pháp làm đất tối thiểu gồm: Đồng Quang, Quang Minh hướng dẫn nông dân chủ động dùng máy bơm xăng, dầu để bơm tiêu thoát nước khi có mưa lớn, không để bí xanh bị chết do ngập nước.

Ninh Giang: Chủ động bơm gạn nước đệm

Đến 16 giờ ngày 10-11, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa. Xác định đây là cơn bão mạnh, có khả năng gây thiệt hại lớn nên công tác phòng, chống được huyện Ninh Giang triển khai khẩn trương. Ban Chỉ huy Phòng PCLB-TKCN huyện đã ban hành công điện khẩn số 4 đến tất cả các xã, thị trấn, ngành đơn vị trong huyện yêu cầu chủ động nhân lực và vật lực để phòng, chống bão. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện đã kiểm tra toàn bộ hệ thống máy bơm tiêu nước, dự trữ sẵn dầu phòng khi mất điện. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ tại các tuyến đê và điểm xung yếu. Những xã có diện tích cây vụ đông lớn như Hoàng Hanh, Hưng Long và khu vực Bắc Sông Cửu An, công tác phòng, chống lụt bão được đặc biệt quan tâm. Huyện yêu cầu những hộ dân nuôi thủy sản chủ động mua lưới quay ao phòng khi nước dâng cao. Những nơi trồng rau vụ đông đều đã bơm gạn nước đệm.  Các xã, thị trấn cũng tập trung hướng dẫn nhân dân phát quang cây cối, tháo dỡ biển quảng cáo, thu hoạch rau màu… nhằm hạn chế thiệt hại của bão.

 Tứ Kỳ: Lên phương án sơ tán các hộ ngoài đê bối




Người dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) che ni lông và đắp cao bờ ruộng để hạn chế ngập úng


Ngày 10 - 11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã có công điện yêu cầu các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai việc PCLB-TKCN theo đúng kế hoạch, không chủ quan, mất cảnh giác. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đều có kế hoạch bảo vệ công sở, trụ sở làm việc. Các xã có nhân dân ở ngoài đê bối lên phương án tổ chức sơ tán. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các xã hoàn thành việc sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, mở cửa cống gạn tháo nước. Các xã kiểm tra, đóng các cống dưới đê và có phương án bảo vệ đê, bối, bờ kênh Bắc Hưng Hải như: chống sóng, chống tràn đề phòng nước dâng cao. Các xã, thị trấn tuyên truyền nông dân khẩn trương thu hoạch, chủ động bảo vệ rau, màu và diện tích nuôi thủy sản. Điện lực huyện bảo đảm nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu thoát úng và bố trí lực lượng trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị sẵn sàng xử lý nhanh nhất tình huống xảy ra. Huyện đề nghị đơn vị thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bố trí lực lượng, phương tiện khơi thông dòng chảy... Ở các điểm trồng rau, màu, người dân đã chủ động khơi thông dòng chảy, gạn tháo nước trên ruộng, tu sửa, đắp cao bờ ruộng, dùng ni - lông che đậy một số diện tích rau giống, rau dễ bị hỏng do mưa. Đồng thời, kiểm tra lại máy bơm nước của gia đình, mua xăng, dầu dự trữ. Một số người dân đã chằng buộc lại nhà cửa...

Kim Thành: Sẵn sàng chống úng cho rau màu






Nông dân xã Kim Đính (Kim Thành) khẩn trương thu hoạch ớt, chăng lưới cho hoa cúc


Đến nay, toàn huyện Kim Thành còn khoảng 800 ha lúa mùa muộn chưa thu hoạch. Bà con nông dân trong huyện cũng đã trồng được khoảng gần 2.000 ha cây màu vụ đông, trong đó có 120 ha dưa hấu, dưa lê, 360 ha củ đậu, 220 ha ngô, còn lại hành tỏi và rau các loại. Chị Phạm Thị Phúc ở thôn Phù Tải, xã Kim Đính (Kim Thành) đang đóng cọc và chăng lưới bảo vệ diện tích hoa cúc mới trồng, cho biết: "Năm ngoái mưa lớn, do không chủ động chống bão nên diện tích hoa của gia đình tôi bị dập nát và bị ngập trong nước, phải dùng máy bơm để cứu. Lần này, gia đình tôi huy động mọi người cùng chăng lưới sớm cho cây hoa, để tránh mưa lớn đổ, gây gẫy cây". Bà Bùi Thị Dịp xã Kim Đính nói: "Nhà chỉ có một mình, nên ngay từ khi nghe tin có bão, tôi đã tranh thủ mấy ngày nay đi vun đất cho mấy sào ngô và khoai tây mới trồng, chèn kỹ tránh cây bị đổ gẫy, gây thiệt hại như những cơn bão trước"…

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão số 14 gây ra, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn trong huyện tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa muộn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; bên cạnh đó chủ động thực hiện các biện pháp chống úng cho cây màu vụ đông và diện tích nuôi thủy sản khi có mưa lớn xảy ra, như: tháo gạn nước đệm tại các kênh mương nội đồng, chuẩn bị vật tư, nhân lực đắp chặn các bờ vùng và dùng lưới chắn các khu nuôi trồng thủy sản; đồng thời chằng chống nhà cửa, thường trực 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống lụt, bão, úng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khẩn trương phòng, chống úng nội đồng

Chiều 10-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND cấp huyện khẩn trương chỉ đạo nông dân thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa muộn trước ngày 12-11. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm điện, bơm dầu, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tiêu úng nhanh nhất cho cây trồng vụ đông, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Hướng dẫn nông dân các biện pháp che tủ, lên luống, vét rãnh để tiêu thoát nước kịp thời, hạn chế dập nát cây trồng, bảo vệ diện tích cây giống đã gieo. Chuẩn bị đủ lượng hạt giống, cây giống đảm bảo chất lượng để sẵn sàng trồng dặm, gieo trồng bổ sung đối với các cây trồng còn thời vụ. Nông dân cần chủ động phòng, trừ dịch hại trước và sau khi có bão. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả (đặc biệt là chuối, ổi), cần có biện pháp để hạn chế tối đa đổ gẫy, ngập úng. Đối với ao, hồ nuôi thuỷ sản, người dân cần đăng, chắn cá không để thoát ra ngoài. Bám sát dự báo diễn biến cơn bão, thu hoạch cá, chuyển cá đối với những ao hồ ngoài đê. Đối với cá lồng, các hộ cần cố định các lồng nuôi, đặc biệt lưu ý khi có lũ lớn và nước sông dâng cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 10-11, toàn tỉnh còn khoảng 500 ha lúa muộn chưa thu hoạch (Kinh Môn 100 ha, Kim Thành 350 ha, Thanh Hà 50 ha). Diện tích cây vụ đông đã trồng khoảng 19.500 ha, trong đó cây ngô 1.700ha (đã trổ cờ phun râu, sắp cho thu hoạch), hành tỏi 5.400 ha, cà rốt 1.100 ha, rau các loại 10.500 ha, khoai tây 900 ha. Hầu hết, các loại cây trồng vụ đông chưa cho thu hoạch (trừ một số diện tích rau vụ đông sớm như cải bắp, su hào, cải dưa...). Vì vậy, nếu có mưa lớn gây ngập úng và kèm gió mạnh thì thiệt hại với cây trồng sẽ rất lớn.

Lực lượng vũ trang tỉnh:  Huy động các tàu, thuyền sẵn sàng ứng cứu

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc trực 100% quân số từ ngày 9 đến hết ngày 12 – 11. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa bão có thể xảy ra trên địa bàn. Các tàu, thuyền của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ứng trực tại khu vực bến neo đậu tàu thuyền (phường Ngọc Châu, TP Hải Dương). Đại diện Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đi kiểm tra lực lượng, phương tiện PCLB-TKCN của một số đơn vị trực thuộc, đồng thời có ý kiến chỉ đạo chuẩn bị tốt phương tiện sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra…

Ngành điện: Đóng điện tất cả các trạm biến áp phục vụ bơm chống úng

Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã gửi công điện yêu cầu các đơn vị  thực hiện tốt các phương án PCBL theo kế hoạch. Ông Lê Hồng Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết: Công ty đã huy động toàn bộ phương tiện, chuẩn bị vật tư dự phòng sẵn sàng xử lý khi có sự cố. Chỉ đạo dừng toàn bộ việc sửa chữa lưới điện. Đóng điện 100% số trạm biến áp sẵn sàng phục vụ bơm chống úng. Thực hiện 100% quân số trực phục vụ phòng, chống bão 24/24 giờ. Với các trạm 110 kV, các điện lực có trạm biến áp trung gian kiểm tra tình trạng vận hành của các thiết bị, báo cáo kịp thời với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN của công ty và cấp trên khi có sự cố xảy ra.

Kinh Môn: Hơn 3000 ha cây vụ đông có thể bị thiệt hại

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn, đến ngày 9-11, toàn huyện còn khoảng 500 ha lúa mùa chưa thu hoạch, chủ yếu là lúa nếp, tập trung ở các xã An Sinh, Phạm Mệnh, Duy Tân, An Phụ...Toàn huyện có khoảng 1.000 ha cây vụ đông có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xảy mưa từ 50 mm trở lên. Trong đó, nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất là diện tích hành ở các xã Phúc Thành, Quang Trung, Thăng Long, Lạc Long, Phạm Mệnh, An Sinh.... Nếu mưa to trên 100 mm, diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng lên tới hơn 3000 ha. Chủ động đối phó với bão, UBND huyện yêu cầu các xã khẩn trương thu hoạch lúa mùa, cơ bản là diện tích nếp cái hoa vàng trong  ngày 10 -11, chậm nhất đến 11-11 phải thua hoạch xong toàn bộ diện tích. Huyện tập trung hướng dẫn các hộ nông dân khơi thông cống, rãnh, dòng chảy, bơm gạn nước khi mưa lớn để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây vụ đông. Đồng thời thành lập 4 tổ công tác xuống 4 khu: Bắc, Nam, An Lưu và Nhị Chiểu để kiểm tra tình hình, hệ thống máy bơm và hướng dẫn nhân dân chủ động chống bão.


Nông dân xã Hiệp An (Kinh Môn) khẩn trương thu hoạch lúa nếp tránh bão


Mặc dù trời có mưa nhỏ nhưng trên những cánh đồng ở xã Hiệp An và An Phụ (Kinh Môn) bà con nông dân  vẫn nhanh chóng thu hoạch lúa mùa để tránh ảnh hưởng của cơn bão số 14. Không khí làm việc rất tích cực khẩn trương, chị Nguyễn Thị Hà, thôn Huề Trì, An Phụ cho biết: “Chúng tôi định một vài hôm nữa mới gặt nhưng nghe tin bão số 14 có thể  gây mưa to và gió mạnh nên ngay trong sáng hôm nay, tôi đã tiến hành gặt kịp thời”. Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Lưu Thượng 2, xã Hiệp An vừa nhanh tay cắt lúa vừa cho chúng tôi biết: “Nghe tin bão số 14 gây ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc, xã đã thông báo trên loa truyền thanh đề nghị bà con khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng. Vì thế tôi đã mượn thêm người gặt tranh thủ trước khi bão về”.

Chí Linh:  Kiểm tra toàn bộ hồ, đập


Bà Đặng Thị Lũy, thôn Chí Linh 2 khẩn trương buộc, chống đổ cho cây cà chua

Chiều 10 – 11 trên địa bàn thị xã Chí Linh bắt đầu xuất hiện gió và mưa nhỏ. Có mặt tại cách đồng các thôn Chí Linh 2, Chí Linh 3, xã Nhân Huệ lúc 16 giờ, chúng tôi thấy người dân chằng buộc giàn cây cà chua. Anh Bùi Văn Phán ở thôn Chí Linh 3 cho biết: “Hằng ngày, tôi đi xây, nhưng hôm qua nghe tin bão Hai Yan có đổ vào tỉnh ta nên hôm nay toàn đội thợ xây đều nghỉ để chằng, chống cho cây trồng. Rút kinh nghiệm từ các đợt mưa bão trước, do chủ quan không chằng buộc cẩn thận nên nhiều diện tích bị đổ. Đến giờ, vợ chồng tôi cũng đã chằng buộc được hết 1,5 sào cà chua rồi”. Ở ruộng bên cạnh, bà Đặng Thị Lũy ở thôn Chí Linh 2 cũng đang chạy đua với mưa để buộc cho xong ruộng cà chua hơn 1 sào.

Anh Phan Văn Tính, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Huệ cho biết: “Chiều 10-11, chúng tôi tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi; thông báo trên loa truyền thanh cho nhân dân chủ động bảo vệ cây trồng. Nhìn chung bà con nhân dân trong xã, nhất là những hộ trồng cây vụ đông đều chủ động tìm cách phòng, chống cho cây trồng”.

Chiều 10 – 11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thị xã đã có công điện khẩn về phòng,chống bão số 14 gửi về các ngành, địa phương. Trong đó, chỉ đạo tập trung rà soát, kiểm tra các công trình tu bổ đê điều, các bờ vùng, đặc biệt là các hồ chứa, bờ đập, bờ vùng đang bị sạt lở chưa được xử lý. Thị xã chỉ đạo các xã, phường miền núi có các hồ chứa, có phương án hạ thấp mực nước hồ đập, bố trí lực lượng ứng cứu. Các ngầm tràn khi có mưa lũ phải bố trí lực lượng canh gác ngày, đêm tránh những tai nạn xảy ra. Trong quá trình xả lũ, cần phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra kênh tiêu lũ hạ lưu, nhất là các trọng điểm như các vị trí sạt lở đất, các ngầm tràn, các điểm ngập úng. Xã Kênh Giang trong cơn bão số 5, số 6, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn xã Kênh Giang phải có phương án bảo đảm an toàn cho bờ vùng Tân Lập, cử người canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư sẵn sàng đối phó.  


Các doanh nghiệp viễn thông : Gia cố các trạm thu phát sóng

Ngay trong sáng 10-11, Sở Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn đôn đốc, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống siêu bão. Các nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone gửi tin nhắn cảnh báo về bão Hai Yan tới các khách hàng. Ngoài ra, các nhà mạng cũng tập trung gia cố các trạm thu phát sóng và bố trí lực lượng thường trực tại các vị trí trọng điểm để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

Thanh Hà: Thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão



Lãnh đạo huyện Thanh Hà kiểm tra dòng chảy tại chân cầu Mồng Tơi, xã Thanh Cường, chiều 10-11

Ngày 9-11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Thanh Hà đã có công điện chỉ đạo 25 xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 14. Theo đó, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị cần thiết để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Nhân dân trong huyện chủ động chặt, tỉa cây to, che chắn cho vật nuôi, buộc, chống cây ăn quả.  Hiện tại, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Thanh Hà đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tại 4 khu: Hà Bắc, Hà Đông, Hà Tây và Hà Nam để triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 14. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi vận hành 9 trạm bơm tiêu, bơm gạn nước, sẵn sàng phòng, chống úng khi có mưa lớn xảy ra...

Nam Sách: Chủ động chằng chống lồng cá

Sáng 10 - 11, huyện Nam Sách đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, yêu cầu khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án phòng, chống lụt bão. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ đạo các địa phương nuôi cá lồng hướng dẫn nông dân chằng chống lồng cá, đề phòng gió giật mạnh, chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho cá trong những ngày mưa bão. Hạt Quản lý đê huyện kiểm tra các tuyến đê, kè xung yếu, chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị tố phương án "4 tại chỗ" để đối phó khi tình huống xấu xảy ra. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi triển khai các biện pháp bơm gạn nước, tiêu úng, tập trung lớn vào những vùng thường xảy ra ngập úng cục bộ và những nơi có diện tích rau màu lớn như: Nam Tân, Minh Tân, Nam Hưng, Quốc Tuấn, Hợp Tiến...

Cẩm Giàng: Tranh thủ thu hoạch toàn bộ diện tích cà rốt

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên lúc 9 giờ 30 sáng 10-11, ông Đỗ Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết:  Ngay sau khi nhận được công điện, UBND huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo các xã tăng cường lực lượng thường trực, chủ động đối phó với bão Hai Yan. UBND huyện yêu cầu Chi nhánh điện và Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi chủ động kiểm tra lại hệ thống cung cấp điện, các trạm bơm nước tiêu úng, bảo đảm các phương tiện sẵn sàng hoạt động khi xảy ra mưa lớn. Tại các xã Đức Chính, Cẩm Văn, nhân dân tranh thủ thu hoạch toàn bộ diện tích cà rốt đến kỳ thu hoạch; khơi thông các rãnh thoát nước, dòng chảy để hạn chế ngập úng diện tích cà rốt còn lại.


Khẩn trương thu hoạch lúa mùa muộn


Nông dân thôn Xuân Mang, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) khẩn trương thu hoạch lúa nếp cái Hoa Vàng

Sáng 10-11, bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tỉnh Hải Dương còn gần 2.000 ha lúa mùa muộn đang chín ở 2 huyện Kim Thành, Kinh Môn, chủ yếu là nếp cái Hoa Vàng. Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại do siêu bão Hai Yan gây ra.

Theo quan sát của chúng tôi vào sáng 10-11, tại các cánh đồng ở các xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng, Kim Xuyên (Kim Thành), nhiều nông dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa muộn. Tại cánh đồng thôn Bắc (xã Cổ Dũng), diện tích lúa nếp cái Hoa Vàng đã cơ bản thu hoạch xong. Tuy nhiên, ở cánh đồng thôn Xuân Mang (xã Tuấn Hưng), diện tích lúa đã được gặt về còn ít.

Đến nay, tỉnh  Hải Dương đã gieo trồng khoảng 19 nghìn héc-ta cây vụ đông. Siêu bão Hai Yan gây ra gió mạnh có thể khiến hàng trăm héc-ta ngô vụ đông đang nuôi bắp bị gẫy, đổ. Ngoài ra những loại cây trồng phải làm giàn (mướp đắng, cà chua…) cũng có nguy cơ bị gió mạnh quật đổ.


Ngô đông đang nuôi bắp có nguy cơ bị thiệt hại nặng

Sáng 10-11, ông Bùi Hữu Tiếp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết, đang rất lo ngại bão Hai Yan sẽ làm gẫy, đổ khoảng 500 ha ngô đang nuôi bắp, chỉ khoảng 10 ngày nữa sẽ có diện tích cho thu hoạch. Ngoài ra, diện tích bí ngô, bí đao trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu (gần như không có luống nên dễ bị ngập, úng khi mưa lớn) đang ra hoa cũng có nguy cơ bị dập nát, úng dễ dẫn tới mất mùa. Chưa kể tại xã Phạm Kha có gần 200 ha rau màu cũng có thể bị ảnh hưởng xấu. Đến nay, toàn huyện đã trồng hơn 1.000 ha cây vụ đông các loại.

UBND huyện Thanh Miện đã chỉ đạo các xã huy động tối đa máy bơm điện, bơm dầu để phòng, chống ngập úng do bão gây ra.



Hải Phòng lên phương án sơ tán gần 80.000 người

Trưa ngày 10-11, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp bàn khẩn cấp lên phương án, kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão Haiyan. Cuộc họp do ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP chủ trì.



Ngư dân neo đậu thuyền tại bến trú tránh bão Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng - Ảnh: Thân Hoàng


Tại cuộc họp, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng cho biết, đã lên phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp với tổng số gần 80.000 người. Trong đó sơ tán tại chỗ khoảng gần 34.000 người và di dời đến nơi khác khoảng hơn 46.000 người.

Hiện tại các quận huyện ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Hải An… đã bắt đầu di dân tại chỗ.

Cũng theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Hải Phòng, hiện tại 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú tránh bão an toàn. Hơn 4.000 phương tiện, gần 13 nghìn lao động đã được thông tin về cơn bão. Ở khu vực ven bờ còn khoảng 104 phương tiện còn hoạt động và sẽ về bến trong chiều nay.

Đến buổi trưa cùng ngày, tại đảo Bạch Long Vĩ bắt đầu có mưa to, gió bão cấp 6, cấp 7. Những hộ dân ở khu vực Âu cảng Bạch Long Vĩ đã được đưa vào nơi tránh bão.

Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng cho biết đã huy động 100% quân số để túc trực phòng, chống bão. Lực lượng cơ động có hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng chống bão.

Ở các điểm đê xung yếu dễ gây sạt lở, vỡ đê khi bão đổ bộ như đoạn đê ở Kiến Thụy, Đồ Sơn, Tràng Cát (Hải An)… đã được bó trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu.

Tại cuộc họp, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, chỉ đạo từ 15g sẽ tiến hành cấm biển, dừng mọi hoạt động chở khách, vui chơi trên biển. Huy động tàu đưa khách du lịch từ đảo Cát Bà về đất liền trước 17g. Lực lượng biên phòng phối hợp cùng Cảng vụ Hải Phòng kiểm tra bảo đảm an toàn các phương tiện chở khách. Công tác sơ tán dân sẽ được hoàn tất trước 17g.

100% nhà giàn vững vàng trước bão


Trước diễn biến bão số 14 di chuyển ra phía Bắc, 5g sáng 10-11, Chính phủ đã tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại các địa phương này.

Theo thiếu tướng Phạm Hoài Giang - Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - đến sáng 10-11, có 74 tàu/255 người của Thái Bình 51 tàu/173 người), Ninh Bình (15 tàu/36 người) Thanh Hóa (8 tàu/45 người) hoạt động ven bờ đang vào bờ tránh bão. Toàn bộ tàu thuyền khác đã vào nơi neo đậu.

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho biết, lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng ứng phó bão đến sáng 10-11 là 471.572 bộ đội và dân quân tự vệ cùng 6.194 phường tiện (3.021 xe ôtô, 172 xe lội nước, 32 xe thông tin đặc chủng, 12 phà PMP, 376 tàu, 2.368 xuồng các loại, 196 phao bè VSN 1500, 17 máy bay).

Ông Giang cho biết, các địa phương báo cáo đến sáng 10-11 đã có 6 người chết (Quảng Nam 2 người, Quảng Ngãi 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người và Đà Nẵng 1 người), có 3 người bị thương ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế (2 người). Các trường hợp tử vong, bị thương đều do bị ngã, tai nạn trong quá trình phòng chống bão.

Ông Giang cho biết, hiện tại trên vùng biển Quảng Ninh đến Đà Nẵng có 10 tàu Hải quân và 2 tàu Cảnh sát biển đang trực chống bão.

Trong sáng 10-11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đến thăm và kiểm tra việc triển khai phòng chống bão số 14 tại Trung tâm điều hành quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (đặt tại trụ sở Cục cứu hộ, cứu nạn).

Bộ trưởng Quốc phòng thông báo, qua gọi điện kiểm tra tình hình ở Trường Sa và nhà giàn DK 1 được biết không có thiệt hại về người và tài sản trên tàu, trên đảo.

Tại đảo Song Tử Tây, dù có gió giật cấp 11 nhưng toàn bộ bộ đội, nhân dân lên bờ trú bão đều an toàn, tàu cá của ngư dân neo ở đảo không bị thiệt hại. Còn tại nhà giàn DK1 toàn bộ người trên các nhà giàn xuống tàu Hải quân. Theo Bộ trưởng đây cũng là đợt luyện tập thiết thực cho khu vực Trường Sa và DK1.

Bộ trưởng Quốc phòng yêu cầu chỉ huy, cán bộ chiến sĩ trực ở Trung tâm điều hành quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tuyệt đối không được chủ quan, vẫn phải đề phòng bão đổi hướng và đối phó với mưa lũ.

|


Nhà giàn DK1/19 trong bão tố - Ảnh: Mai Thắng


Sáng 10-11, thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên tiểu đoàn DK1 cũng cho biết, toàn bộ cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1, vũ khí, trang thiết bị đều an toàn tuyệt đối trước sự tấn công của cơn bão Haiyan.

Hà Tĩnh: Phê bình chủ tịch 5 huyện

Từ ngày 9-11, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban lệnh sơ tán hơn 50 nghìn hộ dân ở những vùng nguy hiểm, đến sáng 10-11 đã di dời 13.673 hộ dân với 40.750 nhân khẩu.



Người dân Hà Tĩnh phải chạy bão trong đêm 9-11 - Ảnh : Văn Định


Hiện huyện Nghi Xuân tiếp tục di dời gần 3.000 hộ dân ở ven biển đến nơi an toàn, đồng thời lên phương án đối phó với lũ quét ở các xã Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân Hồng. Huyện Hương Khê cũng đã triển khai các phương án an toàn cho 140 hồ đập, trong đó 60 hồ đập trong tình trạng mất an toàn và di dời khẩn các hộ dân nằm dọc sông Ngàn Sâu có nguy cơ lũ quét, lũ lớn…



Người đàn ông này đang dùng bao cát gia cố tường nhà - Ảnh : Văn Định


Tuy nhiên, theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện phê bình Chủ tịch UBND các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang do chậm chễ trong công tác sơ tán dân.

Hiện mực nước tại công trình thủy điện Hố Hô đạt 62,8 m, đã mở cống xả tràn với lưu lượng 117 m3/s. Nếu xuất hiện mưa lớn, thủy điện này sẽ mở 3 cánh cửa.

Gió mạnh cày xới đảo Cù Lao Chàm

9g10 sáng 10-11, gió rít rất mạnh đang cày xới đảo Cù Lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam).

Hơn 900 người dân của 2.400 dân trên đảo đang phải trú ẩn ở các căn nhà tránh bão cộng đồng, trường học, trạm xá, các hội trường của tiểu đoàn 70 và biên phòng đóng quân trên đảo này.



Nhiều tàu thuyền đang neo đậu trú bão tại đảo Cù Lao Chàm - Ảnh: Tấn Vũ


Chính quyền xã đảo Tân Hiệp đang tích cực chống chọi với gió bão. Thông tin trên vừa được Bí thư xã đảo Tân Hiệp Trần Tấn Dũng xác nhận.

Ghi nhận của PV tại đây cho thấy, gió chưa có dấu hiệu dừng lại, mưa to và những cột sóng lớn liên tục quất vào các bờ đê chắn sóng. Chính quyền, quân đội đang túc trực 24/24 sẵn sàng ứng phó và cứu hộ giúp đỡ người dân khi cần.

“Không một người nào được ra đường lúc này, kể cả thanh niên, chỉ có lực lượng cứu hộ và người có trách nhiệm làm nhiệm vụ mà thôi. Kinh nghiệm từ trận bão trước nên việc sống chung với bão của cư dân đảo khá tốt”, lãnh đạo đia phương cho biết.

Chuẩn bị đón bão, 5 người chết, nhiều người bị thương

Theo thống kê đến sáng 10-11 của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão Trung ương, bão Haiyan đã làm 5 người chết và 2 người bị thương. Hầu hết các trường hợp tử vong đều xảy ra khi tiến hành chặt cây, gia cố mái nhà đón bão.

Trong đó, Quảng Nam có 3 người chết gồm ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, trú phố Đông Yên, phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) chết do bị ngã trong lúc chặt cây, ông Nguyễn Văn Hiền (44 tuổi, trú thôn Mỹ An, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) bị ngã từ trên mái nhà, ông Ngô Tấn Đức (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) bị điện giật chết khi đang tháo bảng quảng cáo.

Còn ở tỉnh Quảng Ngãi, ông Phùng Thanh Liêm (50 tuổi, xã Đức Lâm, huyện Mộ Đức) trong lúc chặt cây bị ngã chết. Tại Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Giáp (54 tuổi, trú xã Phong Hải, huyện Phong Điền) chết do bị ngã từ trên mái nhà. Bên cạnh đó, còn có 8 người bị thương.

Ngoài ra, bão cũng làm 2 người bị thương nặng gồm ông Đinh Đức Trí (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) lúc chằng chống nhà cửa bị ngã chấn thương sọ não hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa Đà Nẵng và ông Nguyễn Thanh Trung (ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) lúc chặt cây ngã bị thương nặng ở ngực hiện đang cấp cứu.



Sáng 10-11, một số người dân Quảng Ngãi đi sơ tán bão đã trở về nhà

Trong khi đó, đến sáng 10-11, Quảng Ngãi đã thoát khỏi vùng nguy hiểm của siêu bão Haiyan.

Thanh Hóa: Di dời khẩn cấp hơn 44.000 dân

8 giờ sáng 10-11, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã quyết định di dời khẩn cấp 10.023 hộ với 44.620 người ở các vùng cách mép nước biển 200 m thuộc 6 huyện, thị xã ven biển Thanh Hóa đến nơi an toàn. Theo ông Quyền, việc di dời phải được hoàn tất trước 18 giờ ngày 10-11.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng quyết định di dời hàng chục nghìn dân dân sinh sống ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống ở 11 huyện miền núi.

Sáng 10-11, tại khu vực huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, trời đã bắt đầu có mưa vừa.

Nhiều nơi ở miền Trung đã mất điện

Sáng 10-11, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, đến thời điểm này một số nơi ở miền Trung đã bị mất điện do ảnh hưởng của cơn bão Haiyan.

Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, mất điện một phần thị trấn Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch, một phần huyện Quảng Ninh. Tại tỉnh Quảng Nam, mất điện xã Tam Nghĩa, cụm công nghiệp Chu Lai và huyện Núi Thành. Tỉnh Quảng Ngãi: mất điện xã Bình Đông, Bình Nguyên, Bình Trung, thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn), mất điện xã Bình Thuận và Cảng Dung Quất. Còn tại tỉnh Bình Định: mất điện thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Phú Phong.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung hiện đã phân công các nhóm công tác với đầy đủ phương tiện chỉ huy, thông tin liên lạc sẵn sàng xuất phát tham gia chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt tại các khu vực dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với Công ty Lưới điện cao thế miền Trung và các đơn vị liên kết là các Công ty cổ phần thủy điện tăng cường kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.

Ngoài ra, các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát tình hình thủy văn, diễn biến mưa lũ trên công trường, tổ chức phòng, chống bão, mưa lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình.

Cả Đà Nẵng như đang chống giặc

Ngày 9-11 là một ngày không thể nào quên với người Đà Nẵng. Không khí đối phó với bão Haiyan hiện ra trên từng khuôn mặt căng thẳng của người dân vốn chịu quá nhiều bão tố.


Khách sạn Novotel Đà Nẵng dùng container chắn ngay mặt tiền để chống bão


Cả thành phố hầm hập như chuẩn bị chiến tranh khi hàng loạt container được nhiều khách sạn thuê đưa về làm vật chắn bão.

Khách sạn Novotel - một khách sạn lớn thuộc loại vững chãi nhất nhì nội ô Đà Nẵng - đã phải dùng đến 6 container loại lớn chèn chắn toàn bộ các cửa ra vào. Một số khách sạn lớn ven biển trên đường Phạm Văn Đồng cũng tìm đến giải pháp này với hy vọng ngăn chặn được phần nào thiệt hại từ “siêu bão”.

Rút kinh nghiệm từ những cơn bão trước, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân nội ô đã đổ xô ra các bãi biển, thậm chí ở bất cứ nơi nào có thể xúc được đất, cát để lấy đổ vào bao đem về chèn chống nhà cửa.

Sau 7 năm kể từ ngày bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, giờ đây người Đà Nẵng mới sống lại cái cảm giác lo sợ đến như vậy.

Nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên các tuyến phố gần như “cháy” hàng từ đinh, dây thép, xà gồ đến cáp néo, tăng, bạt....

Có mặt tại một cửa hàng vật liệu xây dựng ở góc chợ Tam Giác (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng), chúng tôi chứng kiến cảnh một phụ nữ đã đứng tuổi đang cố vác lấy một cây xà gồ nặng trĩu dài hơn 4 m chạy thục mạng vào một con hẻm gần đó để kịp đưa lên mái nhà cho người chồng chèn chống.

Nỗi hoảng sợ hiện rõ trên từng khuôn mặt của những người đứng đợi mua xà gồ khi loa truyền thanh liên tục phát đi những bản tin bão gần bờ...

Không đủ sức, đủ người để giúp dân chèn chống nhà cửa, nhiều địa phương đã có sáng kiến cho xe ben chở đầy cát rồi đổ khắp các tuyến phố.

Cứ vậy, hễ thấy xe ben dừng lại là người dân khắp các con hẻm ùa nhau ra xúc cát cho vào bao rồi kéo lên mái nhà. Có nơi người dân còn ra đường moi, đào đất ở dọc các con lươn...

Tất cả đều phải làm miễn sao có đủ đất đưa lên mái tôn chèn chống. Thậm chí không đủ cát, nhiều nhà còn tìm cách bơm nước vào túi nilông để chèn chống nhà cửa.

Trong khi tại các siêu thị, người chen lấn mua hàng đông chưa từng thấy. Cảm giác “sẽ bị cô lập nhiều ngày” hiện rất rõ trong từng ánh mắt của người mua hàng.

Và dù chính quyền Đà Nẵng đã tính đến nguy cơ xảy ra “bão giá” nên “tung” 100% nhân viên quản lý thị trường ra cắm chốt khắp các tuyến phố, thế nhưng trên thực tế nhiều mặt hàng vẫn âm thầm tăng giá mà không có lấy một tiếng phàn nàn nào từ phía người mua.

Trên nhiều tuyến phố, nhiều người chuyển sang nghề bán đất cát với mỗi bao lên đến 15.000-20.000 đồng.

Đến chiều tối 9-11, hầu hết các tuyến phố của Đà Nẵng vắng hoe như chiều 30 Tết. Tất cả đều vào nhà tránh trú, sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với “siêu bão”.

Tại Quảng Nam, tối 9-11, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) Quảng Nam cho biết, tuy bão chưa đổ bộ vào, nhưng trên địa bàn Quảng Nam trong ngày 9-11 đã có hai người chết. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ). Ông Hoa bị tử vong khi đang trèo chặt tỉa cây phòng bão, không may bị ngã.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiền (thôn Mỹ An, xã Đại Quang, Đại Lộc) tử vong do bị rơi từ mái nhà khi đang chèn chống phòng tránh bão.

Bão số 14: Người dân Quảng Nam đổ xô mua vật liệu gia cố nhà 9

Người dân ở Quảng Nam chằng chống nhà cửa để ứng phó với siêu bão


Đã có hơn 30 người bị thương phải nhập viện điều trị cũng do bất cẩn ngã từ mái nhà. Nặng nhất là trường hợp anh Phan Sỹ Tình (27 tuổi, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ), bị rơi từ mái nhà với độ cao gần 5m xuống dưới đất lúc 10 giờ sáng 9-11 và bị chấn thương nặng ở đầu.

Chiều 9-11, gần 2.000 người dân xã Tam Thanh, Tam Tiến chủ yếu là người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em đã được UBND TP Tam Kỳ sơ tán tránh bão tại Trường Đại học Quảng Nam và trường Cao đẳng  Kinh tế kỹ thuật.

Đoàn trường Đại học Quảng Nam cũng đã điều động khoảng 40 sinh viên tình nguyện phụ giúp nhà trường trong đón tiếp, hướng dẫn đồng thời lực lượng này còn hỗ trợ phụ giúp cùng nhà trường trong phòng chống bão và khắc phục sau bão. Nhiều người dân lo lắng về tình hình diễn biến phức tạp của bão số 14, song được UBND TP Tam Kỳ cho xe đón người dân đến tại trường Đại học Quảng Nam để tránh bão an toàn.

Chị Nguyễn Thị Lựu (40 tuổi), thôn Hạ Thanh 2 – Tam Thanh cho biết: “Hiện tại bà con ở đây rất yên tâm, sự đón tiếp của nhân viên và sinh viên tình nguyện phần nào giúp cho chúng tôi an lòng hơn”. Cũng trong chiều nay, trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Quảng Nam cũng đã đón gần 700 người dân 2 xã Tam Thanh, Tam Tiến đến để tránh bão. Đoàn trường cũng đã huy động hơn 100 Sinh viên đón tiếp giúp dân trong đó có 40 nam sinh viên được cử ở lại trong đêm để trực bão cùng đội phòng chống bão nhà trường.

Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến 17 giờ chiều 9-11, cả tỉnh đã sơ tán được 21 nghìn hộ với 99.163 người dân ở vùng nguy hiểm thuộc 10 huyện, thành phố đến nơi trú bão an toàn. Hội Chữ thập đỏ Quảng Nam cũng đã dự trữ sẵn 200 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, nước uống, thuốc men để hỗ trợ cho người dân.

Ứng phó siêu bão như thời chiến

Một cụ già được người thân đưa đi trú ẩn bằng xe công nông tại Đồn biên phòng Mỹ Thủy (Quảng Trị)

Suốt ngày 9-11, các tỉnh miền Trung dồn sức vào công tác di dân, chằng chống nhà cửa, tàu thuyền, tài sản để ứng phó với cơn bão số 4 có tên quốc tế là Haiyan, được dự báo là cơn bão có sức tàn phá lớn nhất lịch sử.

Buộc di dân khỏi vùng không an toàn

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó siêu bão Haiyan chuẩn bị đổ bộ, trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5, yêu cầu các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác di dân, đặc biệt là khu vực dân cư ở Cửa Đại, Hội An còn đóng cửa cố thủ không chịu di dời. Tính đến 19 giờ ngày 9-11, các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Phú Yên sơ tán 182.369 hộ/629.716 người ở 69 huyện thị, trong đó Đà Nẵng di dời nhiều nhất với 45.920 hộ/162.388 người, Quảng Nam 43.768 hộ/146.476 người.

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi đại sứ quán các nước Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân và tàu thuyền Việt Nam (VN) vào trú tránh.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), lo ngại lớn nhất là 321 tàu cá từ Nam Định đến Quảng Ngãi đang ở ven bờ vẫn tranh thủ đánh cá lúc biển động, Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu BĐBP các địa phương phải cưỡng chế các tàu cá này vào bờ an toàn.

Kiểm tra âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện neo đậu cũng như bảo vệ tài sản trên tàu để ngư dân yên tâm đi trú bão. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương kiên quyết cưỡng chế các ngư dân không chịu rời tàu cũng như người dân sinh sống trong các ngôi nhà cấp 4, nhà tạm không đảm bảo an toàn. “Đơn vị nào, tỉnh thành nào chủ quan trong công tác ứng phó bão Haiyan, gây thiệt hại sẽ bị xử lý nghiêm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời nhắc nhở các địa phương cảnh giác lũ lớn sau bão.

Thị sát tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương di dời người dân ven biển, ven sông đến nơi an toàn trước 17 giờ cùng ngày. “Dời dân ở tất cả những vùng nguy hiểm. Không để người dân ở trong những nhà cấp 4 nữa. Nhà cấp 3 trở lên thì dân ở được, còn nhà cấp 4 dân phải ra hết, nếu không sẽ xảy ra chết người…”, Phó thủ tướng nói.

Tại phố cổ Hội An, Phó thủ tướng đến Trường THCS Nguyễn Du để thăm hỏi, động viên người dân các phường ven biển đang trú bão. Theo UBND TP.Hội An, địa phương đã di dời khoảng 3.000 dân đến trú tại 6 khu tập trung. Trong trường hợp cần thiết, có thể mở thêm các khu tránh trú khác. Lực lượng chức năng cũng đã di dời trên 1.000 du khách ở các khách sạn ven biển tại Hội An đến nơi an toàn. Phó thủ tướng chỉ đạo chính quyền Hội An khẩn trương triển khai các biện pháp để bảo vệ phố cổ; người dân tại đảo Cù lao Chàm phải được di dời đến những vùng núi và các đơn vị quân đội.

Tại Quảng Ngãi, sau khi kiểm tra, thị sát cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thăm hỏi các hộ dân đang di dời trú bão tại Trung tâm văn hóa thể thao Dung Quất, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi phải di dời tất cả người dân ở những vùng nguy hiểm, nhất là ở các vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn đến nơi ở an toàn, đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho người dân, không để dân đói, bệnh tật, đuối nước... Tỉnh Quảng Ngãi xác định tổng số dân cư phải di dời, sơ tán là gần 80 nghìn hộ với hơn 400 nghìn khẩu ở các xã ven biển, đảo, ở nhà cấp 4, nhà tranh tre tạm bợ, vùng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, vùng hạ du hồ chứa nước xung yếu. Toàn bộ công tác di dời dân hoàn thành vào chiều tối 9-11.

Ứng phó siêu bão như thời chiến
Bộ đội giúp dân xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn chằng chống nhà cửa - Ảnh: Ngọc Nhuận

Hành động siêu nhanh ứng phó siêu bão

Kiểm tra công tác phòng tránh bão ở Thừa Thiên-Huế, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cơn bão số 14 là cơn bão mạnh chưa từng thấy, toàn bộ hệ thống chính trị đều vào cuộc phòng chống bão, làm sao giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. “Đây là cơn siêu bão nên chúng ta phải có những siêu hành động, hành động siêu nhanh để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, thậm chí không thiệt hại về người. Ở Quảng Bình bão cấp 13 - 14 mà hậu quả tàn phá lớn như thế, đây lại là cơn bão mạnh hơn nhiều mà trung ương thì đã có chỉ đạo, để xảy ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm”, Phó thủ tướng nói. Theo báo cáo, đến 19 giờ ngày 9.11, Thừa Thiên-Huế đã di dời khoảng 29 nghìn hộ với 100 nghìn nhân khẩu đến nơi an toàn.

Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng tránh bão tại Quảng Trị. Các xã miền biển của tỉnh Quảng Trị từ sáng sớm đến chiều tối hầu như luôn được đặt trong tình trạng báo động. Tại xã Hải An (H.Hải Lăng), tiếng còi hú và những thông điệp cảnh báo bão của chính quyền địa phương được phát đi liên hồi. Lực lượng dân quân tự vệ cùng các chiến sĩ Đồn biên phòng Mỹ Thủy (đóng trên địa bàn) đã giúp dân gia cố nhà cửa, kéo tàu thuyền lên bờ. Tại xã Hải An, xã Hải Khê (H.Hải Lăng) và xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), công tác di dân đến cuối giờ chiều 9-11 đã cơ bản hoàn thành. Nhiều đồn biên phòng, trụ sở trường học, trụ sở UBND xã kiên cố đã trở thành nhà chống bão của dân. Đến 19 giờ tối qua, toàn tỉnh di dời hơn 20 nghìn hộ dân/hơn 82 nghìn khẩu thuộc 141 xã, phường đến nơi an toàn.

Theo dõi vận hành xả lũ

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có 114 hồ chưa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn, trong đó có nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như hồ Đồng Bể (Thanh Hóa), Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh) Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi), Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định). Các tỉnh Tây nguyên và tổng công ty cà phê có 51 hồ chứa hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn (Lâm Đồng).

Trước đề nghị của trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 về việc theo dõi sát và chỉ đạo chặt chẽ việc xả lũ của 19 hồ thủy điện hiện nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các hồ chứa vận hành theo đúng quy trình và phối hợp với địa phương để kịp thời thông báo cho người dân hạ du chủ động ứng phó, đồng thời các tỉnh thành tăng cường quản lý người đi lại sau bão lũ để tránh tai nạn đáng tiếc.


10.000 người chết tại 1 tỉnh dính bão Haiyan ở Philippines


Ngày 10-11, một lãnh đạo cảnh sát khu vực nói rằng, siêu bão Haiyan có thể đã làm 10.000 người thiệt mạng chỉ tại riêng một tỉnh của Philippines.




Đội cứu hộ khiêng xác một nạn nhân ở tỉnh Palawan (Nguồn: Reuters)


"Chúng tôi đã có một cuộc họp đêm 9-11 với tỉnh trưởng và dựa trên những đánh giá của chính quyền, ước tính ban đầu là có 10.000 người thiệt mạng", hãng tin AFP dẫn lời quan chức cảnh sát Elmer Soria nói với các nhà báo tại Tacloban, thủ phủ bị tàn phá nặng nề của tỉnh Leyte.

Ông Soria đề cập tới cuộc họp với tỉnh trưởng Leyte.



Khung cảnh đổ nát tại Coron, Palawan, miền Trung Philippines (Nguồn: Reuters)



Quang cảnh kinh hoàng tại TP Tacloban, tỉnh Leyte (Nguồn: Reuters)


Trước đó, Liên hợp quốc cho rằng con số tạm thời về 1.200 người chết trong trận siêu bão đánh vào Philippines có thể tăng lên nên tổ chức này sẽ gửi hàng cứu trợ khẩn cấp.

"Đáng buồn là con số này sẽ tăng lên", điều phối viên công tác nhân đạo của LHQ là Valerie Amos nói trong một tuyên bố.




Phụ nữ, trẻ em được ưu tiên đưa đến nơi tránh trú bão (Nguồn: Reuters)


"Chính phủ ước tính có khoảng 4,3 triệu người bị ảnh hưởng, trải rộng trên 36 tỉnh và những đánh giá ban đầu cho thấy hàng ngàn căn nhà đã bị phá hủy, các con đường hư hỏng nặng còn người dân cần lương thực, nước, nơi trú ẩn và điện," Amos nói thêm.

(Hải Dương online)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu siêu bão Hai Yan