Hải Dương-981 đến biển Myanmar thực hiện hợp đồng dầu khí

06/01/2015 14:52

Giàn khoan Hải Dương-981 đang trên đường đến vùng biển Myanmar để thực hiện hợp đồng dầu khí. Cơ quan chức năng Việt Nam theo dõi sát diễn biến.

Hải Dương-981 đến biển Myanmar thực hiện hợp đồng dầu khí - ảnh 1


Giàn khoan Hải Dương-981 - Ảnh: Reuters


Theo yêu cầu của Hà Nội về việc cung cấp rõ hành trình và đích đến cuối cùng của Hải Dương-981, Bắc Kinh cho biết giàn khoan này khởi hành từ Tam Á đến vùng biển Myanmar để thực hiện hợp đồng dầu khí.


Theo thông tin của Cục Hàng hải Trung Quốc, Hải Dương-981 xuất phát từ cảng Tam Á lúc 12 giờ ngày 1-1-2015, và di chuyển về hướng Singapore theo bốn hải trình như sau 13-22.00N/110-50.00E, 07- 30.00N/109-05.00E, 03-25.00N/105-40.00E.

Các nguồn tin trước đó cho biết, giàn khoan Hải Dương-981 sẽ hoạt động thăm dò tại khu vực Ấn Độ Dương trong năm nay. Hành trình từ Tam Á đến Singapore khoảng 1.200 hải lý, với tốc độ di chuyển như hiện nay, dự kiến đến giữa tháng 1 sẽ đến Singapore.

Trước đó, đại diện Cục Kiểm ngư cho biết, Trung Quốc thông báo về việc di chuyển giàn khoan từ đảo Hải Nam đến Singapore bắt đầu từ 12 giờ ngày 1-1-2015. Thông báo của Trung Quốc không nói rõ Singapore có phải là điểm đến cuối cùng hay không mà chỉ cho biết Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) sẽ di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ và dự kiến mất khoảng nửa tháng để đến vị trí hoạt động ở Ấn Độ Dương.

Theo Cảnh sát biển Việt Nam, sau khi có thông tin về việc Trung Quốc cho di chuyển giàn khoan, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ để ứng phó kịp thời nếu có tình huống xảy ra.

Đại diện cơ quan chức năng cho biết, việc di chuyển tự do của giàn khoan trên biển là bình thường và không vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có động thái hạ đặt phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam như hồi tháng 5-2014, lực lượng chức năng Việt Nam chắc chắn sẽ can thiệp.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày 5-1 ngang nhiên cho tàu tiếp tế Tam Sa 1 thực hiện chuyến hải hành đầu tiên từ tỉnh Hải Nam đến các đảo ở Biển Đông, trong đó có những đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tam Sa là tên gọi của thực thể do Trung Quốc đơn phương thành lập hồi tháng 7-2012 để tự cho mình quyền quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa. Tân Hoa xã khoe rằng Tam Sa 1 là tàu tiên tiến và lớn nhất của nước này làm nhiệm vụ tiếp tế cho các hoạt động từ đảo Hải Nam đến các đảo ở Biển Đông.

Tàu này dài 122 m, rộng 21 m, độ choán nước 7.800 tấn và vận tốc hơn 35 km/giờ, có thể chở 456 người và mang theo 20 rơ moóc chở container. Tàu Tam Sa 1 cũng có bãi đáp trực thăng để hỗ trợ cho cái gọi là cứu hộ trên biển và tuần tra đảo.

Minh Mẫn (Thanh niên)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương-981 đến biển Myanmar thực hiện hợp đồng dầu khí